Cách Nhật Bản chiến thắng con số tai nạn kỷ lục, thành đất nước giao thông an toàn nhất thế giới, nơi trẻ em tự đi bộ đến trường
Đầu thập niên 1970, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông rất cao. Giờ đây, quốc gia này tự hào khi trở thành một trong những nước có giao thông an toàn nhất thế giới.
Vào giữa tháng 8, Cục Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ thông báo rằng các ca tử vong vì tai nạn giao thông ở Mỹ tiếp tục gia tăng. Ước tính có khoảng 9.560 người thiệt mạng trên các tuyến đường của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2022. Con số này tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và là quý cao nhất trong số các quý đầu tiên của hai thập kỷ trở lại đây.
Mức độ an toàn giao thông suy giảm là một xu hướng có trước đại dịch Covid-19. Nhưng sự gián đoạn của đại dịch dường như khiến vấn đề ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn. Các nhà quan sát như David Leonhardt của tờ New York Times cho rằng có một hiện tượng xảy ra do vấn đề tinh thần và việc sử dụng smart phone.
Ông viết rằng: “Nhiều người Mỹ cảm thấy thất vọng hoặc buồn bã, và dường như điều đó ảnh hưởng đến việc lái xe”. Ông bổ sung thêm rằng các ca tử vong do tai nạn giao thông tăng khoảng từ năm 2015, gần với thời gian bùng nổ của điện thoại thông minh.
Nếu việc căng thẳng tinh thần và điện thoại là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng này, vậy thì thật lạ khi rất nhiều quốc gia khác lại có thể tránh được điều đó. Hầu hết các quốc gia phát triển đều có số người thiệt mạng vì tai nạn trên đường giảm trong cuối thập kỷ qua, trong khi Mỹ tiếp tục tăng 30%. Người Mỹ hiện có nguy cơ tử vong vì tai nạn giao thông cao gấp 2,5 lần người Canada và gấp 3 lần công dân Pháp.
Sự tương phản thậm chí còn rõ ràng hơn khi so sánh với Nhật Bản, một quốc gia có sự tiếp cận sáng tạo đối với giao thông. Nhật Bản ghi nhận chưa đến 3.000 người thiệt mạng vào năm 2021, trong khi ở Mỹ là 43.000 người. Tính theo bình quân đầu người, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong chỉ là 2,24 ca trên 100.000 người, thấp hơn 1/5 so với tỷ lệ 12,7 ca trên 100.000 người của Mỹ.
Đường xá Nhật Bản ngày một an toàn hơn. Kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 1948, năm 2021 là năm có ít trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông nhất. Đó là một cú lột xác hoàn toàn so với thập niên 60, thời điểm nền kinh tế bùng nổ và hàng triệu tài xế tay lái kém đã gây ra con số tử vong hàng năm cao gấp 6 lần hiện tại. Đường phố của Nhật Bản khi ấy nguy hiểm đến nỗi các nhà quan sát nước này gọi hiện tượng này là “Traffic War” (tạm dịch: Cuộc chiến Giao thông).
Nhật Bản là hiện thân câu chuyện thành công về an toàn giao thông. Dưới đây là một vài bài học từ quốc gia này để có thể tạo tiếng vang xuyên biên giới.
An toàn hơn với đường sắt
Kể từ khi khánh thành tàu cao tốc đầu tiên trên thế giới, tàu Shinkansen, vào năm 1964, Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng về dịch vụ đường sắt đảm bảo tần suất, độ tin cậy và tốc độ.
Tàu cao tốc liên đô thị nhanh và nhiều chuyến đến nỗi người ta chẳng còn thiết tha lái ô tô. Mỗi giờ đồng hồ có 15 tàu cao tốc rời Tokyo đến Osaka. Nhiều tàu trong số chúng chạy 534,3km trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi. Đối với ô tô, chuyến đi có thể mất tới 6 tiếng.
Takashi Oguchi, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Tokyo, cho biết: “Nếu bạn đi xa cùng gia đình bằng tàu Shinkasen, giá sẽ cao hơn đi bằng ô tô. Nhưng ngay cả như thế, nhiều người Nhật chọn sử dụng tàu cao tốc vì hệ thống quá mạnh mẽ”. Vào năm 2019, tàu của Nhật Bản chở số lượng hành khách đông gấp 13 lần so với tàu Amtrak của Mỹ, mặc dù dân số của Mỹ đông hơn Nhật Bản 2,5 lần.
Vận chuyển đường sẳt nội đô cũng ấn tượng không kém. Với 285 nhà ga, Tokyo Metro có lượng hàng khách mỗi ngày nhiều gấp đôi so với tàu điện ngầm của New York. Các thành phố nhỏ hơn của Nhật Bản cũng mang đến những dịch vụ tuyệt vời.
Fukuoka là một thành phố 1,5 triệu dân ở phía nam. Thành phố có tàu điện ngầm di chuyển chỉ mất vài phút giữa ga chính của thành phố và sân bay. Cả chuyến đi chỉ mất 6 phút.
Với rất nhiều tàu cao tốc, việc lái ô tô ở Nhật bản trở thành một lựa chọn hơn là một nhu cầu cần thiết. Giáo sư Oguchi nói rằng: “Đất trống ở Nhật Bản rất ít và mọi người có xu hướng sống ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya. Họ ít khi lái xe, vì hệ thống giao thông công cộng vận hành tốt hỗ trợ họ di chuyển”.
Dịch vụ đường sắt của Nhật Bản cũng rất an toàn. Tàu Shinkansen nổi tiếng vì chưa gây ra vụ tai nạn nào thiệt hại nhân mạng. Như vậy, việc lái xe nguy hiểm hơn nhiều. Bằng cách thu hút người dân đi tàu thay vì lái xe, các chuyến tàu của Nhật Bản thực sự đang cứu sống được nhiều người.
Nói không với đỗ xe lề đường
Nhiều khu dân cư Nhật Bản thiếu một thứ mà ở Bắc Mỹ rất phổ biến đó là điểm đỗ xe trên đường.
Ở Nhật Bản, chủ xe ô tô phải có “shako shomei sho” hay còn gọi là chứng chỉ garage. Chứng chỉ này đảm bảo rằng họ có một chỗ để xe qua đêm tại nhà hoặc bãi đỗ xe. Chi phí cũng như sự phức của chứng chỉ này đóng vai trò hạn chế việc sử dụng ô tô và thúc đẩy mọi người di chuyển bằng các phương tiện công cộng hoặc xe đạp. Ô tô không đỗ xe trên đường cũng sẽ tạo ra những con phố thân thiện với người đi bộ.
Chính sách cấm đỗ xe gián tiếp cải thiện mức độ an toàn trên đường phố bằng việc khuyến khích mọi người không mua những chiếc xe có thể gây tai nạn. Hơn thế, việc không có xe đỗ trên đường sẽ tăng khả năng quan sát cho người lái xe, người đi bộ và đi xe đạp tại các giao lộ.
Tạo không gian cho những chiếc xe nhỏ
Đối với những người lái xe, Nhật Bản cung cấp các phương tiện nhỏ gọn phù hợp với cuộc sống đô thị. Điển hình là xe Kei, loại xe nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với ô tô con của Mỹ. Các quy định sẽ giới hạn kích thước, động cơ và tốc độ của những chiếc xe siêu nhỏ này.
Kích thước nhỏ gọn của xe Kei giúp nó di chuyển dễ dàng trên các con phố chật hẹp và bãi đỗ xe nhỏ. Giá của những chiếc xe dao động từ 10.000 đến 20.000 USD, chưa kể đến trợ cấp của chính phủ. Khoảng 1/3 số ô tô mới bán ra tại Nhật Bản thuộc phân khúc này.
Từ góc độ an toàn, những chiếc xe Kei có rất nhiều lợi ích hơn những chiếc SUV và xe tải của Mỹ. Vì trọng lượng nhẹ, chúng tạo ra ít lực hơn khi va chạm và phần đầu xe ngắn giúp giảm điểm mù cho người lái. Nghiên cứu cho thấy rằng những người ngồi trong xe Kei cũng an toàn như những người ngồi trong các phương tiện cỡ lớn.
Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế, xe Kei không xuất hiện nhiều ở các quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy khách hàng các quốc gia khác sẽ yêu thích những chiếc xe này.
Hai năm trước, nhà sản xuất ô tô Pháp Citroen đã trình làng chiếc Ami nhỏ nhắn. Chiếc xe bốn bánh hạng nhẹ có vận tốc tối đa 45km/h và giá bán là 6.000 euro. Người dân thành phố ở Pháp có vẻ thích chúng và hàng trăm chiếc đã được bán ra trong ngày đầu tiên.
Xây dựng thành phố an toàn cho trẻ em
Người dân Nhật Bản thường có xu hướng ưu tiên lợi ích tập thể hơn lợi ích cá nhân. Và điều đó cũng được áp dụng cho giao thông đường bộ. Định hướng đó có thể giải thích cho việc các chiến dịch giáo dục an toàn giao thông của Nhật Bản phát huy hiệu quả làm giảm tai nạn.
Văn hoá đó cũng có vai trò trong việc trẻ em tự đi ngoài đường. Netflix gần đây đã chia sẻ với khán giả toàn cầu chương trình “Old Enough” kể về những thách thức mà đứa trẻ 2 tuổi sẽ phải đối mặt khi tự đi chợ một mình. Nếu là Mỹ, các bậc phụ huynh có thể đã bị dịch vụ bảo vệ trẻ em điều tra.
Đối với văn hoá khó giải thích như việc tại sao người Nhật để trẻ em tự đi bộ đến trường, cơ sở hạ tầng và các quy định đóng một vai trò to lớn. Việc ô tô không đỗ dọc đường giúp tầm nhìn của lái xe thông thoáng hơn và họ có thể nhìn thấy những đứa trẻ đi bộ. Trong thành thị, giới hạn tốc độ của xe cộ là 40km/h và những con phố nhỏ là 30km/h.
Hầu hết đường phố Nhật Bản đều rất nhỏ nên người lái xe thường đi chậm. Với những thành phố đông đúc, người dân mọi lứa tuổi thường đi bộ. Nếu không thì người lái xe cũng đã quen với sự xuất hiện của trẻ nhỏ trên đường.
Nguồn: Bloomberg