Cách nhà máy 'vận dụng' quy định lương tối thiểu
TP HCMHàng năm các nhà máy vẫn điều chỉnh lương để thu hút nhân công, song phần lớn dựa vào mức lương tối thiểu để tính thù lao khiến thu nhập công nhân không cao.
Từ năm 2020 đến nay, có hơn 700 công nhân được nhà máy Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) nhận vào làm việc chính thức. Tất cả cùng nhận mức lương căn bản 4,73 triệu đồng, cao hơn lương tối thiểu vùng I (4,42 triệu đồng, áp dụng cho TP HCM, Hà Nội, Bình Dương...) khoảng 7%.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết mỗi năm doanh nghiệp hai lần tăng lương. Lần thứ nhất khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tất cả lao động đều được hưởng lợi. Trong đó công nhân được tăng cao nhất 5%, cán bộ quản lý tuỳ cấp sẽ tăng 4-4,3%. Lần tăng lương thứ hai khi lao động kết thúc hợp đồng để được đánh giá lại, ký mới. Thường 75% người tái ký hợp đồng được tăng lương, tùy năng lực, thái độ làm việc, mức cao nhất 15% và thấp nhất 2,5%.
"Hai năm qua, lương tối thiểu vùng không tăng nên nhà máy không điều chỉnh lương căn bản", ông Hồng nói. Để thêm thu nhập, bù đắp chi phí tăng cao khi dịch lan rộng, công nhân phải tăng ca liên tục, nhiều người làm thêm cả nghìn giờ mỗi năm.
Theo ông Hồng, lương tối thiểu không tăng không chỉ khiến thu nhập hàng tháng của người lao động giảm mà còn kéo theo nhiều thiệt thòi khác. Tiền làm thêm ngoài giờ, thưởng Tết, các chế độ khác cũng được tính dựa trên lương căn bản.
"Mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng mức sống thấp nhất của người lao động đã không được thực hiện theo lộ trình, liên tục lỗi hẹn với công nhân, song chưa thấy cơ quan nào chịu trách nhiệm", ông Hồng đặt vấn đề.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức), lương tối thiểu làm cơ sở xây dựng thang lương đóng bảo hiểm xã hội và tham chiếu để đảm bảo không trả thấp hơn.
Doanh nghiệp này có ba thang lương dành cho quản lý cấp cao, quản lý cấp trung và nghiệp vụ, công nhân trực tiếp sản xuất. Với công nhân trực tiếp sản xuất có ba nhóm từ giản đơn đến phức tạp, mỗi nhóm có 8 bậc lương. Trong đó, mức lương thấp nhất 4,641 triệu đồng dành cho lao động chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản ở nhà máy, mức cao nhất 7,402 triệu đồng dành cho người có tay nghề, phụ trách công đoạn khó nhất.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc công ty, cho hay công nhân làm tốt sẽ được nâng bậc hoặc người mới vào tay nghề cao sẽ được sắp xếp bậc cao nhất. Đây cũng là lương căn bản người lao động đương nhiên được trả theo vị trí công việc, một phần của hệ thống lương 3P mà nhà máy đang áp dụng. Hai yếu tố còn lại của lương 3P là năng lực thực hiện và kết quả làm việc, trên cơ sở đó mới tính ra thu nhập thực lãnh của công nhân.
"Nếu dựa vào lương tối thiểu để trả thù lao sẽ không có ai làm việc, thu nhập công nhân rất thấp", bà Liên nói.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), doanh nghiệp lấy lương tối thiểu làm cơ sở để xây dựng lương cơ bản, ký hợp đồng với người lao động. Người qua đào tạo được tăng thêm đúng 7% và 2.000 đồng, chiếu theo quy định là không sai bởi đáp ứng yêu cầu "không thấp hơn lương tối thiểu vùng".
"Với những doanh nghiệp này, lương tối thiểu không tăng, thu nhập của công nhân sẽ giậm chân tại chỗ", ông Đô nói. Bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp xây dựng chính sách lương tốt để hấp dẫn người lao động. Việc tăng lương không phụ thuộc vào nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu mà căn cứ vào hiệu quả, năng suất công việc để tăng lương định kỳ cho công nhân.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, trên 90% doanh nghiệp xây dựng lương căn bản cao hơn 7-10% so với lương tối thiểu vùng, phù hợp quy định của pháp luật lao động nhưng vẫn cách xa lương đủ sống. TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc trung tâm, cho rằng nhiều nhãn hàng quốc tế đặt ra yêu cầu người lao động trong chuỗi cung ứng của mình phải được trả lương đủ sống bởi đó là quyền cơ bản.
"Do đó, các doanh nghiệp sản xuất cho các đối tác này buộc phải xây dựng mức lương đảm bảo cuộc sống người lao động", bà Chi nói.
Hiện, nhiều nhà máy không tuyển hoặc khó giữ công nhân có nguyên nhân lớn từ việc trả lương không đủ sống cho người lao động, xây dựng lương căn bản bám quá sát lương tối thiểu vùng. Từ đầu năm đến nay đã có nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra liên quan tiền lương căn bản không tăng. Trong khi lý lẽ doanh nghiệp là mức lương đã trả cao hơn mức tối thiểu vùng, tức không vi phạm pháp luật thì người lao động và công đoàn yêu cầu phải trả lương đủ mức sống cơ bản.
"Các nhà máy không thể trả theo lương tối thiểu vùng được nữa", bà Chi đánh giá. Ngay cả trong một vùng, một địa phương đã có sự khác nhau về mức chi tiêu của người lao động. Ví dụ ở TP HCM, một công nhân làm việc ở quận, huyện ngoại thành thường được trả chi phí thấp hơn 10-20% so với người làm việc ở các nhà máy gần trung tâm. Do đó mỗi nhà máy nên sử dụng công cụ tính toán lương đủ sống để xây dựng mức lương phù hợp.
Ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nguyên phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia (giai đoạn 2013-2018), cho rằng thực tế hàng tháng người lao động nhận một khoản thu nhập cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng.
"Vậy tại sao nhiều ông chủ không đồng tình với tăng lương tối thiểu", ông Chính đặt câu hỏi và cho rằng cốt lõi là các công ty muốn giảm bớt chi phí tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo quy định, lương căn bản được xây dựng trên cơ sở lương tối thiểu vùng cùng phụ cấp và là những khoản bắt buộc để tính đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, lương tối thiểu thấp mức trích đóng bảo hiểm sẽ thấp. Doanh nghiệp sẽ "chẻ nhỏ" lương thành các khoản hỗ trợ như xăng xe, điện thoại, nhà ở... bởi đây là những khoản thu nhập không tính đóng bảo hiểm.
Theo ông Chính, về lâu dài lương tối thiểu thấp khiến người lao động thiệt thòi, đặc biệt là khi nghỉ hưu. Mức đóng thấp nhưng lương hưu lại tính cả quá trình tham gia bảo hiểm nên nguy cơ một bộ phận công nhân khi hết tuổi lao động sẽ sống dưới mức chuẩn nghèo. Việc này gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.
Ngoài ra, lương căn bản tức dành cho 8 tiếng làm việc thấp sẽ khiến người lao động tăng ca để thêm thu nhập. "Cho nên mới có chuyện nhà máy nào không tăng ca công nhân không ứng tuyển. Đó là một cái 'bẫy' mà người lao động hay mắc phải", ông Chính nói.
Lê Tuyết