Cách người thành công tận dụng cảm giác đố kỵ
Chúng ta thường xuyên đưa ra những so sánh làm tổn thương lòng tự trọng của chính mình và khiến bản thân đau khổ. Nhưng đôi khi, nếu như bạn đang vướng vào vòng xoáy của lòng đố kỵ thì đó là vì bạn chưa làm đúng cách.
Cách người thành công tận dụng cảm giác đố kỵ
Ví dụ, bạn xem một nghệ sĩ piano chơi bản Piano Concerto số 3 của Rachmaninoff. Bạn tự nhủ: “Mình chơi piano tệ quá” - và bạn chỉ dừng lại ở suy nghĩ đó. Bạn không nghĩ đến việc người nghệ sĩ piano đó đã luyện tập hàng ngày hàng giờ kể từ khi họ còn học mẫu giáo.
May mắn thay, với những công cụ phù hợp, bạn có thể giải mã điều mà cảm giác đố kỵ đang muốn nói với bạn, sau đó biến cảm xúc của bạn thành hành động tích cực:
1. Hãy đảm bảo sự ghen tị của bạn không trở nên độc hại
Các nhà tâm lý học phân biệt giữa “ghen tị lành tính” khi chúng ta ngưỡng mộ một ai đó và cố gắng bắt chước họ với “ghen tị ác ý” khi chúng ta không thích và bực bội vì người khác có được những gì chúng ta muốn.
Đó là sự khác biệt giữa suy nghĩ “họ có một căn hộ áp mái và thật tuyệt khi họ có được nó” với suy nghĩ “Tôi ghét việc nhà của họ có tầm nhìn toàn cảnh và tôi muốn họ phải khổ sở”.
Rõ ràng là cả hai suy nghĩ đó đều khiến ta đau đớn. Nhưng sự ghen tị lành tính được khuyến khích vì nó thúc đẩy mọi người đầu tư nhiều nỗ lực hơn để đạt được thành công như người khác, trong khi sự ghen tị ác ý có thể khiến chúng ta khó chịu.
Hãy sử dụng các cụm từ này để thay đổi suy nghĩ của bạn từ ghen tị ác ý sang ghen tị lành tính:
“Tôi được truyền cảm hứng bởi _____. Có lẽ tôi có thể học hỏi từ họ hoặc nhờ họ làm cố vấn cho tôi”.
“Tôi vẫn chưa làm được những gì họ đã làm được”.
“Mỗi người đều đang bước đi trên hành trình của riêng mình. Tôi rất biết ơn hành trình của tôi”.
“Nếu như những thần tượng của tôi dừng công việc họ đang làm, tôi sẽ không thể nào thưởng thức được thành quả đáng kinh ngạc của họ”.
2. Lắng nghe những yếu tố bên trong bạn
So sánh có thể dạy bạn nhận ra những điều bạn coi trọng: Bạn dễ nảy sinh lòng ngưỡng mộ nhiệt thành khi thấy ai đó làm được điều gì đó mà bạn muốn cho chính mình, ngay cả khi bạn không chủ ý cho phép mình muốn điều đó.
Gretchen Rubin là một luật sư trước khi cô quyết định theo đuổi sự nghiệp trở thành một nhà văn. Hiện tại, cô ấy là một tác giả của một cuốn sách bán rất chạy. Cô ấy nói với chúng tôi rằng khi cô đọc về những người có sự nghiệp viết lách tuyệt vời, cô cảm thấy phát ốm vì ghen tị. Đối với cô, đó là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy viết lách có thể là thứ mà Gretchen Rubin muốn theo đuổi.
Việc tự nhận thức giúp bạn biến cảm xúc của mình thành điều gì đó hữu ích. Lần tới khi sự ghen tị trỗi dậy, hãy khám phá xem nó đang nói gì với bạn bằng cách đặt câu hỏi:
“Họ có gì mà lại khiến tôi cảm thấy kém cỏi hơn?” “Khoảng trống nào tôi nghĩ sẽ được lấp đầy khi tôi có nó?” “Tôi có thực sự muốn những gì họ có không?” “Nếu có thì muốn cỡ nào và có đáng để hành động không?”
3. So sánh con người quá khứ với con người hiện tại của bạn
Có thể không phải lúc nào bạn cũng có được chính xác những gì bạn muốn, nhưng rất có thể bạn cũng đã có được những gì bạn chưa từng có trước đây. Việc tạm dừng để đánh giá lại thành tích của bạn - và các kỹ năng mà bạn đã phát triển được - có thể giúp bạn cảm thấy tự hào về sự tiến bộ của mình.
Hãy dành vài phút vào cuối mỗi tháng để suy nghĩ về những gợi ý sau:
“Tôi đã học được gì trong vài tuần qua?” “Tôi đã gặp phải những khó khăn gì và sẽ đối mặt với chúng ra sao dựa trên những gì tôi đang biết?” “Tôi đã đạt được tiến bộ gì?”
Một phần quan trọng của sự tiến bộ mà bạn đã đạt được là những gì bạn đã học được. Bạn có thể bắt đầu lại ở một trạng thái mới, chẳng hạn như chuyển việc hoặc kết thúc một mối quan hệ. Điều đó không có nghĩa là bạn đang thụt lùi. Nó chỉ có nghĩa là bạn đang bắt đầu lại với một trạng thái khác.
4. Ghép nối
Chúng ta dễ tin rằng những người khác đang có cuộc sống giàu có. Nhưng chúng ta thường không biết điều gì đang thực sự xảy ra. Và khi không suy nghĩ thấu đáo “chuyện hậu trường” của người khác, chúng ta rất dễ cảm thấy ghen tị ác ý.
Lần tới khi bạn cảm thấy ghen tị vì một bài đăng trên Instagram hoặc một cập nhật trên LinkedIn, hãy lùi lại một bước và hỏi:
“Làm thế nào để tôi biết rằng người này không gặp khó khăn nào hết?” “Điều gì không phô bày trên mạng xã hội mà lại khiến tôi tự hào?” “Những người khác sẽ ghen tị với điều gì nếu tôi chia sẻ nó?”
Bạn cũng có thể bị cuốn vào những thước phim nổi bật của riêng mình. Nếu đang áp dụng bộ lọc cho mọi bức ảnh bạn chia sẻ hoặc chỉ nói về những lời khen ngợi mà bạn nhận được từ sếp, bạn có nguy cơ cảm thấy tồi tệ vì đã không thực sự sống cuộc sống mà bạn đang thêu dệt.
Hãy suy nghĩ cẩn thận hơn một chút về những gì bạn đang cố gắng truyền đạt qua những câu chuyện công khai mà bạn kể về bản thân và tại sao bạn lại chia sẻ chúng. Bạn có thể chia sẻ những thông tin cập nhật thú vị về cuộc sống của mình nhưng hãy cân nhắc cân bằng chúng hoặc điều chỉnh ngôn từ để chúng trở nên chân thực hơn với trải nghiệm của bạn.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)