Cách nào kiểm soát công ty bảo hiểm không lách luật đầu tư bất động sản?

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 01:37:55

Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn được đầu tư, sở hữu BĐS để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, nhưng không sử dụng và được mua cổ phiếu doanh nghiệp BĐS.

Tại họp báo chuyên đề Giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết trả lời các câu hỏi liên quan đến cơ chế giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo họ không lách luật để đầu tư vào bất động sản.

Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định không cho các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh bất động sản nhưng vẫn cho họ đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, nếu không sử dụng hết vẫn có thể cho thuê.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm còn được đầu tư các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán cũng như đầu tư các trái phiếu để xử lý nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản…

Thực tế, các doanh nghiệp được đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán đã phải đáp ứng những điều kiện cụ thể, công khai, minh bạch.

Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm, sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm, thông qua nắm bắt từ xa (qua báo cáo tài chính) hoặc kiểm tra tại chỗ, nếu doanh nghiệp bảo hiểm có đầu tư bất động sản sẽ có biện pháp để phát hiện và xử lý...

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Với 7 chương, 157 Điều, Luật KDBH đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.

Quang cảnh họp báo chuyên đề Giới thiệu Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022.

Tạo điều kiện phát triển vi mô

Làm rõ hơn về bảo hiểm vi mô quy định tại Luật Kinh doanh Bảo hiểm, đại diện Cục Quản lý bảo hiểm cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra định nghĩa về bảo hiểm vi mô, các điểm đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô, theo đó, sản phẩm bảo hiểm vi mô phải được thiết kế đơn giản, hướng tới các nhu cầu bảo hiểm cơ bản, phí bảo hiểm thấp nhằm phù hợp với với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế.

Luật cho phép 2 tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô là "doanh nghiệp bảo hiểm" và "tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô". Đây là hai tổ chức phổ biến nhất cung cấp bảo hiểm vi mô trên thế giới.

Doanh nghiệp bảo hiểm được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm được phép kinh doanh trên giấy phép, không giới hạn địa bàn, đối tượng khách hàng. Các điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm vi mô được giảm và cho phép doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng thêm một số mô hình phân phối đặc thù như thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức xã hội - nghề nhiệp, các hợp tác xã.

Tổ chức tương hỗ chỉ được cung cấp bảo hiểm giới hạn trong các thành viên của tổ chức với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên cùng tham gia bảo hiểm. Do đặc thù đó, tổ chức tương hỗ sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn, để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ.


Luật được xây dựng trên nguyên tắc các tổ chức đáp ứng điều kiện sẽ được triển khai bảo hiểm vi mô nhằm khuyến khích sự tham gia không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm mà cả các tổ chức khác vào việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô, đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với người nghèo, người có thu nhập thấp .

Chia sẻ Facebook