Cách làm hay của CSGT Thừa Thiên-Huế trong dẹp nạn xe quá khổ, quá tải
Ngoài mạnh tay xử lý trong tuần tra kiểm soát, CSGT còn áp dụng những cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, vận động để xử lý triệt để vấn nạn xe quá khổ, quá tải.
Thực trạng xe quá khổ, quá tải trọng, cơi nới thành thùng xe gây mất trật tự an toàn giao thông, làm hư hỏng hạ tầng giao thông đường bộ, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông là vấn nạn nhức nhối không chỉ ở Thừa Thiên- Huế mà còn nhiều địa phương khác.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ ngày 20/6, lực lượng CSGT Công an tỉnh và Công an các địa phương đã đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Trong đó, đặc biệt chú trọng xử lý các loại phương tiện vận tải chở hàng hóa, vật liệu vượt quá trọng tải, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo thùng, để hàng hóa rơi vãi gây mất an toàn giao thông.
CLIP: CSGT Thừa Thiên-Huế ngoài mạnh tay xử lý xe vi phạm, còn tích cực vận động tuyền truyền doanh nghiệp chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
Sau 1 tháng ra quân, lực lượng CSGT tỉnh này đã mạnh tay xử lý 105 trường hợp phương tiện vận tải vi phạm quá khổ, quá tải, tự ý cải tạo thành thùng xe.
Không chỉ quyết liệt xử lý trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tích cực tuyên truyền các đơn vị, doanh nghiệp vận tải chấp hành các quy định về an toàn giao thông, yêu cầu tháo dỡ, cắt bỏ thành thùng cơi nới.
Trong đó, có một cách làm hay mà Đội CSGT đường bộ 1, phòng CSGT, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai đưa lại hiệu quả thiết thực. Đó chính là phân công, gắn liền trách nhiệm cho từng chiến sỹ cán bộ CSGT để tuyên truyền, vận động đến từng doanh nghiệp.
Cụ thể, sau khi thống kê số lượng các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, mỗi chiến sỹ cán bộ CSGT sẽ được phân công tuyền truyền, vận động từ 2-4 đơn vị. Trong quá trình tuyên truyền, các cán bộ CSGT sẽ rà soát các doanh nghiệp mình phụ trách có bao nhiêu đầu xe, từ đó, giám sát việc tháo dỡ, hạ thùng các xe vi phạm về quá khổ. Đồng thời, yêu cầu cam kết không vi phạm về chở quá tải trọng khi lưu thông trên đường.
Nếu trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT phát hiện xe của doanh nghiệp nào vi phạm về quá khổ, quá tải, ngoài xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thì còn xử lý, quy trách nhiệm cho cả chiến sỹ, cán bộ phụ trách tuyên truyền tại doanh nghiệp này.
Cách làm này, không chỉ hiệu quả trong việc vận động, không bỏ sót đối tượng cần tuyền truyền mà còn gắn liền trách nhiệm trong việc để xảy ra nạn xe quá khổ, quá tải cho từng chiến sỹ cán bộ CSGT. Từ đó, vấn nạn này sẽ được xử lý lâu dài, đồng bộ, không kiểu "nửa vời", “bên trọng bên khinh”.
Thống kê từ phòng CSGT tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến ngày 23/7, sau hơn 1 tháng ra quân, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã xử lý hơn 4.455 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử phạt hành chính hơn 6,1 tỉ đồng. Trong đó, hàng trăm trường hợp xe quá khổ quá tải bị buộc cắt thùng hạ tải.
Theo kế hoạch của Bộ Công an, từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9, lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT các đơn vị, địa phương sẽ tập trung xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, "cơi nới" thùng xe, chở hàng quá trọng tải, quá khổ và chạy quá tốc độ.
Lê Kông