Cách giáo dục của mẹ học giả kiệt xuất Trình Hạo và Trình Di

Chia sẻ Facebook
16/07/2022 13:37:46

Ngoài thiên phú bẩm sinh thì sự thành danh của Trình Hạo và Trình Di không tách rời công phu giáo dục của người mẹ Hầu thị


Trình Hạo và Trình Di là hai học giả kiệt xuất thời Tống nói riêng và Trung Hoa nói chung. Ngoài thiên phú bẩm sinh thì sự thành danh của họ không tách rời khỏi công phu giáo dục của người mẹ là Trình mẫu hầu phu nhân.


Trình mẫu hầu phu nhân sinh ra trong gia đình họ Hầu vào năm Cảnh Đức thời vua Tống Chân Tông (năm 1004), tên là Hầu thị. Cha của bà là Huyện lệnh Đan Đồ, sau làm quan Thượng thư. Hầu thị ngay từ khi còn nhỏ đã có trí tuệ hơn người, lại được đọc qua nhiều kinh sách nên được cha rất yêu quý. Khi lớn lên một chút, Hầu thị đã thường xuyên đàm luận với cha về các việc chính sự, thơ văn. Cha bà thường cảm thán rằng: “Ta hận ngươi không phải là nam tử!”

Năm Hầu thị 19 tuổi, theo cha đến Trấn Giang sinh sống và gặp Trình Hướng là người đến từ Hà Nam lúc ấy đang là quan quan sát ở Trấn Giang. Ông cố của Trình Hướng từng làm Binh bộ thị lang thời vua Tống Thái Tông, tổ phụ của Trình Hướng từng giữ chức Thượng thư ngu bộ viên ngoại lang. Trong “Tống sử” đánh giá Trình Hướng là người xuất chúng trong cả việc học và làm quan.

Sau khi được mai mối, Hầu thị và Trình Hướng lên duyên vợ chồng. Mọi người thường nói về cặp vợ chồng này chính là nhân duyên quanh co ngàn dặm, thật không giả chút nào, Hầu gia ở Sơn Tây, Trình gia quê tận Hà Nam, hai nhà kết thông gia tại Trấn Giang, quả thực sâu thẳm bên trong là ý trời.

Nghiêm khắc dạy con từ nhỏ

Vợ chồng Hầu thị Trình Hướng mặc dù sinh liên tiếp được 5 người con trai và 1 người con gái nhưng sống sót chỉ có hai người con trai út là anh em Trình Hạo và Trình Di. Cổ nhân có câu: “Thạc quả cận tồn”, (ý nói cây còn lại toàn quả to, hay những thứ đã qua sàng lọc rồi thì đều là tinh hoa), nhưng Hầu thị không chiều chuộng con mà là yêu thương nhưng vô cùng nghiêm khắc. Chỉ có cha của Trình Hạo và Trình Di là chiều con hơn một chút.


Khi anh em Trình Hạo, Trình Di bắt đầu học đi, người trong nhà sợ đứa trẻ bị ngã nên thường bế trên tay mà không bỏ xuống cho chúng tự đi. Hầu thị sau khi nhìn thấy liền trách cứ: “Sợ con ngã thì bao giờ chúng mới biết đi?” Mỗi khi đến lúc ăn, Hầu thị đều để hai con ngồi cạnh mình ăn. Có hôm, người ở chuẩn bị món ngon nổi tiếng để cho Trình Hạo và Trình Di ăn, bà lập tức ngăn lại và nghiêm khắc nói: “Còn nhỏ tuổi mà đã thỏa mãn ham muốn của chúng thì lớn lên phải làm sao?”


Hầu thị vô cùng nghiêm khắc với hai con nên đôi lúc khiến Trình Hướng phát giận. Tuy nhiên, Hầu thị không vì thế mà thỏa hiệp. Bà còn giải thích thêm với chồng rằng: “Đứa trẻ hư thường là do người mẹ che đậy tội lỗi của chúng, còn người cha thì không biết sự tình, không có biện pháp cải sửa” .

Bà cho rằng, đứa trẻ sau này lớn lên không được hiền đức thường là bởi vì lúc nhỏ phạm lỗi, nhưng người mẹ thường xuất phát từ yêu chiều mà tìm mọi cách che lấp đi không cho cha của chúng biết. Hầu thị tuyệt đối không làm sự tình bất lợi này đối với con của mình. Đối với những lỗi lầm nhẹ, bà dùng lời trách mắng còn đối với những lỗi lớn bà áp dụng trách phạt. Về điểm này, Trình Di sau này cũng có đồng quan điểm với mẹ của ông.

Lấy mình làm gương để dạy con

Hầu thị đọc rất nhiều sách và am hiểu sâu sắc cáo đạo lý trong đó. Trong cách giáo dục con Trình Hạo và Trình Di, bà không nghiêng về việc dùng lời lẽ nghiêm khắc và vẻ mặt nghiêm nghị để truyền đạt mà là dùng hành động của mình để làm gương cho các con. Sự ảnh hưởng từ những hành vi lời nói của Hầu thị đến hai người con của bà không phải là nhất thời mà là trường kỳ hun đúc. Đây cũng chính là đạo lý dạy con “lấy mình làm gương” mà người xưa hay dùng.


Người chú của Trình Hạo và Trình Di không may mất sớm để lại vợ và một người con còn nhỏ tuổi. Hầu thị đã đưa hai mẹ con họ đến nhà sống cùng đồng thời coi người cháu như con của mình. Không chỉ vậy, Hầu thị còn đối đãi với người ở trong nhà và con cái của họ một cách từ ái, không bao giờ đánh đập họ. Có lần thấy con trách mắng người ở, bà nghiêm khắc nói: “Mặc dù có phú quý, nghèo hèn bất đồng nhưng đều là con người như nhau”.

Bởi vì Trình Hướng bổng lộc không nhiều, hơn nữa ông cũng là vị quan thanh liêm, thường hay giúp đỡ người khác nên cuộc sống của Trình gia không khá giả. Tuy vậy, Hầu thị là người cần cù tiết kiệm trong công việc quản gia và luôn lấy mình đi đầu làm gương. Bà ăn thanh đạm, không dùng gấm vóc xa hoa. Bản thân chính tất thì người khác sẽ chính, gia phong của Trình gia vì thế mà đoan chính nghiêm trang.


Mặc dù bản thân sống cần kiệm nhưng Hầu thị thường xuyên làm việc thiện. Bà thu nhận và nuôi dưỡng rất nhiều trẻ bị bỏ rơi. Bà có một câu nói cũng giống như phương châm làm từ thiện, cho đến ngày nay, câu nói ấy vẫn còn có giá trị giáo dục rất cao: “Thấy người khác làm việc tốt việc thiện, phải coi như mình làm, trợ giúp người ta hoàn thành”. Trình Hạo sau này đã nói rằng: “Hai anh em chúng tôi, cả đời không chọn lựa cái ăn cái mặc, không nói lời ác trách mắng người khác, đó không phải thiên tính mà đó là điều được dạy dỗ. Mẫu thân thực sự là tấm gương sáng cho con cái trong việc quan tâm đến người khác và không quan tâm đến vật chất”.

Khuyến khích con đọc sách


Thời Đông Hán có một điển cố về Khổng Dung, một học giả đã châm biếm thần đồng Khổng Dung rằng: “Tiểu thì thông minh, đại thì vị tất”, ý nói lúc nhỏ thông minh nhưng lớn lên chưa chắc đã làm được việc gì. Hầu thị cũng dùng điển cố này để giáo dục con. Trình Hạo và Trình Di lúc nhỏ đều rất thông minh, cũng thường hay được người khác gọi là “thần đồng” nên có chút kiêu ngạo. Hầu thị biết điều ấy nên thường nói với con: “ “Thần đồng” suy cho cùng cũng khó đạt được những điều lớn lao, muốn tương lai có tiền đồ thì phải dưỡng thành thói quen đọc sách thật tốt và siêng năng đọc sách”.


Để khích lệ con ham đọc sách, Hầu thị đã áp dụng biện pháp “Thân tình khích lệ” và “Khích lệ chí hướng”. Trên sách của các con, Hầu thị thường viết dòng chữ “Ngã ái tích cần độc thư nhân” (mẹ yêu con siêng năng đọc sách), tức là con nào chăm chỉ đọc sách, ham thích đọc sách thì mẹ yêu thương. Kết quả là Trình Hạo và Trình Di đều vì muốn được mẹ yêu nhiều mà tích cực đọc sách.


Không chỉ vậy, Hầu thị còn dựa vào tính cách và năng lực của con để khích lệ chí hướng của con. Trên sách của Trình Hạo bà viết “Điện tiền cập đệ trình duyên thọ” (ý nói sau này đỗ đạt làm quan), còn trên sách của Trình Di bà viết hai chữ “ Xử sĩ” (người có học nhưng không ra làm quan). Bà cho rằng bản tính của Trình Di không thích hợp với quan tước. Bằng cách này, bà khích lệ chí hướng của hai người con. Về sau, quả nhiên như Hầu thị dự đoán, Trình Hạo lớn lên tích cực dự thi, cuối cùng đỗ tiến sĩ, còn Trình Di không tha thiết với các kỳ thi của triều đình nhưng lại rất tích cực trong việc mở trường học và giáo dục.

Năm Hoàng Hựu Tống Nhân Tông (1052), Hầu thị bị bệnh mà mất. Bởi vì cha và chồng bà vẫn đang làm quan, hơn nữa học vấn và nhân phẩm của họ đều tốt nên triều đình dựa theo quy định cũ phong bà làm Thọ an huyện quân. Lúc ấy, Trình Hạo 21 tuổi, Trình Di 20 tuổi đang theo Chu Đôn Di học tập. 5 năm sau khi mẹ mất, Trình Hạo có tên trong bảng vàng, làm quan ở huyện Hộ, còn Trình Di mở trường dạy học ở kinh thành. Hai anh em Trình gia danh tiếng nổi khắp kinh thành, cha của họ lại được thăng cấp từ quan huyện lên cai quản châu. Một nhà ba nhân tài, nổi tiếng triều đình.


Hoàng đế Nhân Tông đã hỏi các đại thần về Trình gia, biết được Trình gia được như vậy là do công lớn lao của Trình mẫu nên đã truy phong bà làm Thượng cốc quận quân, ban tặng khen thưởng. Một người mẹ bình thường đã dạy dỗ thành hai bậc thầy vĩ đại của triều nhà Tống, điều này được người đời xem là một truyền kỳ bất hủ.


Theo Minghui
An Hòa biên tập

Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử

Chia sẻ Facebook