Cách đối mặt với thiên tai nhân họa của bậc Đế vương
Cổ nhân giảng: "Thiên nhân cảm ứng, kính đạo trời tất hiểu sự đời". Thiên tai nhân họa chính là Thượng thiên khiển trách, cũng là để khai...
Vương (王) trong tiếng Hán được tạo thành bởi ba nét ngang (☰), và một nét sổ thẳng ở giữa. Ba nét ngang tượng trưng cho tam tài là trên trời, dưới đất, giữa là con người và vạn vật. Vương được hiểu là tương thông giữa thiên, địa, nhân. Khi đất nước xảy ra thiên tai nhân họa, chính quyền nguy nan, Đế vương các đời đều tắm rửa trai giới, hiến tế thiên địa thần linh, tự xét lại tội của mình, sám hối tội lỗi của mình, có người còn ban bố “tội kỷ chiếu” (Chiếu thư tự trách tội mình) khắp thiên hạ. Đây chính là việc làm trước tiên của các Đế vương thời cổ đại khi đối mặt với thiên tai nhân họa.
Con người không phải thánh hiền, cho dù là bậc Đế vương cũng khó tránh khỏi việc phạm lỗi. Phạm lỗi thì cần nhận sai và sửa sai, điều ấy đã là một lẽ. Nhưng trong phần lớn số bản “Tội kỷ chiếu” mà Đế vương các triều đại viết để trách tội mình trong lịch sử thì nguyên nhân viết ra lại đều là do thiên tai mà không phải nhân họa. Vì sao khi thiên tai xảy ra thì Đế vương lại nhận lỗi về mình? Đây là điều mà những người có tín ngưỡng mới hiểu được, cũng là một bộ phận trong nền văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm.
Cổ nhân giảng: “Thiên nhân cảm ứng, kính đạo trời tất hiểu sự đời” . Thiên tai nhân họa chính là Thượng thiên khiển trách, cũng là để khai thị cho con người nhân gian. Người xưa tin rằng nguyên nhân căn bản sinh ra thiên tai nhân họa chính là thi hành nền chính trị sai lầm và đạo đức nhân loại suy đồi mà ra. Bởi vậy, khi bốn mùa không phân biệt rõ ràng, thiên thạch rơi, hạn hán lũ lụt xảy ra hay lúc ôn dịch hoành hành, việc trước tiên cổ nhân làm là nhìn lại lỗi lầm của mình.
Đế vương thời cổ đại được xưng là Thiên tử, là người vâng lệnh Trời mà hành xử, chịu sự chế ước của Thiên đạo. Đế vương mặc dù là địa vị lớn nhưng không thể lớn hơn Trời. Bởi vậy, mỗi khi Thiên thượng giáng tai họa, Thiên tử tất sẽ phải biết khom lưng suy xét lại mình, hoặc là hạ “Tội kỷ chiếu” , không chỉ để hứa sẽ sửa sai với dân chúng mà quan trọng hơn là hướng đến Thiên thượng sám hối, mong được Thiên thượng tha thứ, miễn giáng tai họa mà liên lụy đến dân chúng. Trong lịch sử rất nhiều vị Đế vương từng công bố “ Tội kỷ chiếu” trách tội mình mà khiến thiên hạ từ nguy thành an, cũng có rất nhiều vị Đế vương gặp sự việc thì không trách người khác mà nhìn vào lỗi của mình.
Vua Vũ gặp người phạm tội tự trách bản thân mình
Sử sách ghi lại, sau khi vua Vũ lên ngôi, có lần nhìn thấy một tội phạm, thì đau lòng khóc lớn. Quan lại bên cạnh hỏi nguyên do, vua Vũ nói: “Thời đế Nghiêu đế Thuấn, dân chúng trong thiên hạ đều học theo cái tâm như Nghiêu Thuấn, còn hiện tại ta thân là Vua lại có người không đồng tâm với ta, thật là đau đớn” .
Vua Vũ thấy có những người dân như vậy thì trong lòng áy náy, tự trách mình làm vua chưa tốt, chưa thể giáo hóa được dân chúng như các bậc minh quân đời trước.
Vua Thương trách tội mình khi cầu mưa
Sau khi nhà Thương diệt nhà Hạ, Vua Thang bố cáo thiên hạ, trấn an lòng dân. Nhưng rồi nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, thần dân đều sợ hãi. Vua Thang lo lắng vạn phần, từng nhiều lần tự mình thiết tế cầu mưa nhưng không có kết quả. Lúc ấy, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Vua Thang không đành lòng hy sinh tính mạng dân chúng nên tự mình tỉa tóc cắt móng tay, lấy bản thân mình làm vật tế.
Ông đi vào rừng dâu, quỳ gối trước đài cầu nguyện “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình tôi có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở tôi. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thiên thượng thương xót dân chúng” . Ngay sau đó, mưa to như trút nước, dân chúng hết sức vui mừng.
Hán Văn Đế: Thiên hạ loạn là lỗi của ta
Hán Văn Đế là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Tây Hán. Sau khi Hán Văn Đế lên ngôi thì hai năm liên tục xảy ra nhật thực. Ông liền hướng đến thiên hạ tuyên bố “Nhật thực cầu ngôn chiếu”. Trong đó viết, nếu Hoàng đế không nhân đức, triều đình bất công, người nghèo khó cơ cực quá nhiều, như vậy Thiên thượng sẽ giáng xuống thiên tai để cảnh giới hành vi của Hoàng đế. Ông viết: “Ta không cho dân chúng được an khang, khiến dân chúng nghĩ rằng trời xanh không có mắt thì đó là do đức hạnh của ta quá kém”.
Hán Văn Đế cũng chủ động gánh vác trách nhiệm, tuyên bố: “Thiên hạ hỗn loạn là do lỗi của một mình trẫm”. Ông cũng lệnh cho quần thần tìm ra sai lầm của mình, đồng thời chiêu nạp hiền tài, cắt giảm thuế và lao dịch cho dân để hóa giải thiên tai.
Hán Vũ Đế hối hận về những việc làm của mình
Hán Vũ Đế là vị Hoàng đế thứ 7 của nhà Hán trong lịch sử. Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi vua thì thích làm việc lớn thích lập công to, mong muốn mở mang bờ cõi, cũng rất thích Thần tiên phương sỹ, xây dựng cung điện lớn, tiêu xài hoang phí, khiến tiền của nhân dân khô kiệt, giặc cướp trộm đạo nổi lên hoành hành, thiên hạ đại loạn.
Hán Vũ Đế lúc tuổi già dần dần tỉnh ngộ và hối hận vô cùng. Trong thời kỳ Chính Hòa, ông bác bỏ tấu chương xin lập đồn điền để cung cấp hậu cần cho mở mang bờ cõi về phía Tây, đồng thời hạ chiếu bày tỏ lòng bi thương. Trong chiếu thư này, ông quyết tâm cấm những việc bạo ngược và hà khắc, chấm dứt việc thu thuế một cách tùy tiện, tuyên bố phát triển nông nghiệp. Ông cũng không xuất quân chinh chiến. Ông còn phong tước Phú Dân Hầu cho Thừa tướng Xa Thiên Thu, cho dân chúng được nghỉ ngơi, an dưỡng làm giàu. Đó chính là những nội dung trong “Luân Đài tội kỷ chiếu” nổi tiếng trong lịch sử.
Hán Vũ Đế tuổi già đối mặt với cục diện nguy hiểm khó khăn, lúc ấy mau chóng tỉnh ngộ, gắng sức sửa chữa những lỗi lầm xưa, điều chỉnh toàn diện mọi chính sách quốc gia về đối nội và đối ngoại. Nhờ những chính sách của ông, chẳng những chính quyền chuyển nguy thành an mà còn dựng lập nên cơ sở cho thờ i “Chiêu, Tuyên trung hưng” sau này.
Xem thêm: Sự diệt vong của Pompeii và bài học gửi hậu thế
Đường Đức Tông: Dân chúng bất an là lỗi của ta
Thời Đường cũng có một vị Hoàng đế đã từng viết “Tội kỷ chiếu” trong thời điểm nguy nan, đó là Hoàng đế Đường Đức Tông. Vị Hoàng đế này sau khi lên ngôi ít lâu, lần lượt bị mấy tiết độ sứ “Tứ vương”, “Nhị đế” dấy binh nổi loạn.
Năm 783, Trường An thất thủ, Hoàng đế Đường Đức Tông hoảng loạn chạy trốn lưu vong, bị quân nổi loạn đuổi theo truy sát tới tận thành Phụng Thiên.
Mùa xuân năm sau, ông rút kinh nghiệm, đổi niên hiệu thành “Hưng Nguyên” , còn ban bố “Tội kỷ đại xá chiếu”, “Phân mệnh triều thần chư đạo tuyên dụ”. Trong chiếu thư, ông đã liệt kê các lỗi lầm của bản thân mình. Ông còn nói: “Trên thì trời phạt mà trẫm không tỉnh ngộ, dưới thì dân oán mà trẫm không hay biết” , “Trên thì làm tổ tông buồn phiền, dưới thì phụ lòng dân chúng, hết sức đau lòng, ta thực sự có tội” .
Chiếu văn này chân thành tha thiết cảm động lòng người, rất có sức lay động. Sau khi chiếu thư được ban bố thì lòng người khắp nơi đều rất đỗi mừng vui, binh sỹ đều cảm động rơi lệ, lòng dân lòng quân rung động mạnh mẽ, làm cho thế cục thay đổi hẳn. Không lâu sau đó, cảnh loạn lạc nhiễu nhương được bình ổn trở lại.
Đường Thái Tông: Hy vọng Thiên thượng giáng họa xuống một mình ta
Thời Hoàng đế Đường Thái Tông tại vị, đại tướng quân Đảng Nhân Hoằng vì tham ô lớn mà bị xử tử hình. Nhưng Hoàng đế Đường Thái Tông nể trọng Đảng Nhân Hoằng, cho rằng tài năng và công trạng của ông ta là hiếm có nên sửa tội tử hình thành lưu đày biên cương.
Về sau, Đường Thái Tông nhận thức được việc mình làm là vì tình riêng mà tổn hại pháp lệnh nên đã triệu kiến các đại thần để kiểm điểm lại mình. Ông nói: “Pháp lệnh của quốc gia, Hoàng đế phải là người đi đầu chấp hành. Ta bao che cho Đảng Nhân Hoằng, quả thực là đã vì tư tâm mà làm loạn quốc pháp”. Sau đó, Hoàng đế đã hạ chiếu thư trách tội mình. Trong chiếu thư, Hoàng đế chỉ rõ trong việc xử lý Đảng Nhân Hoằng đã phạm 3 sai lầm lớn: “Một là biết người không rõ, đã dùng sai người. Hai là vì tình riêng mà loạn pháp, bao che tội lỗi của Đảng Nhân Hoằng. Ba là thưởng phạt không minh, xử lý không công chính”.
Năm Trinh Quán thứ hai, Trường An xảy ra đại hạn, nạn châu chấu hoành hành. Hoàng đế Đường Thái Tông tự mình đi thị sát tình hình, ông liền bắt mấy con châu chấu trong tay và nói với chúng: “Dân chúng dựa vào lương thực mà sống, các ngươi lại ăn lương thực của họ, các ngươi chính là côn trùng có hại cho dân chúng! Dân chúng có vấn đề gì cũng đều là do lỗi của mình ta. Nếu các ngươi có linh hãy ăn ruột gan của ta, đừng làm tổn hại dân chúng!”
Nói rồi Hoàng đế nuốt con châu chấu vào bụng. Các hầu cận thấy vậy liền khuyên can thứ châu chấu này có hại, ăn vào sẽ sinh bệnh. Hoàng đế nói: “Ta nguyện thay cho dân chúng chịu nạn, xin ông trời giáng họa xuống mình ta, sợ gì bệnh tật?” Cũng trong năm đó, nạn châu chấu kết thúc.
Tín ngưỡng thiên đạo là nền tảng đạo đức của văn hóa truyền thống, cũng là nền tảng để bậc Đế vương cai trị đất nước. Đế vương thời cổ đại kính Thiên tín Thần, từ nhỏ đã đọc thuộc lòng kinh điển, tuân theo lời giáo huấn của tổ tiên, kính sợ lòng dân. Họ biết rõ, nếu không thể thuận theo thiên đạo mà hành xử, bên trên hợp với Thiên ý, ở dưới khiến lòng dân an ổn thì sẽ có hiện tượng thiên văn cảnh báo, khiển trách. Khi đối mặt với thiên tai nhân họa nếu còn không biết phản tỉnh lại chính mình thì khó thoát khỏi đại kiếp nạn. Đây là bài học giáo huấn còn nguyên ý nghĩa cho hậu nhân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Bệnh dịch đáng sợ khiến một La Mã không có đối thủ phải suy tàn
Mời xem video :