Cách đây 8 năm, Việt Nam chỉ có 4 nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung, giờ đã thay đổi ra sao?
Thậm chí trước đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất của Samsung.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó.
Mới đây, theo thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Đa phương 2022 chủ đề: Cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam: Hợp tác đa phương trong nâng cao năng lực và Trách nhiệm tra soát”, tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014.
Ông Choi Joo Ho- Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam – cho hay, trong xu hướng chuyển dịch sản xuất và đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng từ sau COVID-19, Việt Nam đang có một số lợi thế bao gồm sự nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và tính nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, và nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng.
Theo ông Choi Joo Ho, việc cần thiết hiện nay chính là mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và cần phải có những nỗ lực trung - dài hạn trong tương lai.
Từ năm 2015 cho đến nay, Samsung liên tục phối hợp cùng Bộ Công Thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệp hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nước.
Ngoài ra, Samsung cũng thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình, đồng thời nỗ lực đảm bảo cho các nhân viên được làm việc trong môi trường tôn trọng, an toàn, đảm bảo về bình đẳng giới, tuân thủ các luật pháp về lao động và nhân quyền.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.
Tại Diễn đàn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động hơn trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng chiến lược, mục tiêu và kế hoạch thực hiện.
Cụ thể, có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng.
Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. “Các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”- đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra.
Trên cơ sở đó, phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần tận dụng nhiều hơn các hỗ trợ từ các đối tác khác nhau từ các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…
Đặc biệt, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để giúp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khác cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, giữa các doanh nghiệp trong các ngành, giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tăng cường năng lực hoặc kết hợp với các tổ chức khác để thực hiện các nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin về ngành, công nghệ cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nhất là các cấu thành của năng lực động; phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy hợp tác đa phương để nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Nhã Mi