Cách buông bỏ oán giận để cuộc sống nhẹ nhàng hơn
Sự oán giận thường được ví như một liều thuốc độc, nhưng không phải làm hại người khác mà lại làm hại chính bản thân bạn. Nó gây ra rất nhiều tác động tiêu cực về thể chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội.
Cảm giác tức giận và tổn thương khi bị đối xử bất công là điều tự nhiên, nhưng cách xử lý tích cực nhất là để chúng qua đi. Điều này có vẻ như “ không thể” nếu bạn thuộc tuýp người “thù dai nhớ lâu”, nhưng nếu sử dụng “dung môi” thích hợp thì ngay cả những oán giận cứng đầu nhất cũng có thể được loại bỏ. Sự suy xét hợp lý, đồng cảm và niềm tin là đồng minh của bạn trong trận chiến này. Hãy xem cách kích hoạt chúng.
Suy xét hợp lý
Khi ai đó làm tổn thương bạn – về tình cảm, thể chất, tài chính hoặc xã hội – thì mối bận tâm đầu tiên của bạn là ‘chính mình’. Bạn cảm thấy tức giận, bị xúc phạm hoặc bị sỉ nhục, bạn phẫn nộ với người đã “khiến” bạn cảm thấy như vậy. Thay vì bị đưa vào con đường tối tăm bởi những cảm xúc tiêu cực, bạn thực sự có thể chủ động dẫn dắt bản thân đến con đường cao cả của sự tha thứ. Lý do vì sao bạn nên làm vậy? Hãy xem lại một số tác động tiêu cực mà sự oán giận có thể gây ra đối với sức khỏe và hạnh phúc của bạn nhé.
Theo Trung y, những cảm xúc tức giận và oán hận liên quan đến gan – cơ quan nội tạng không thể thiếu trong quá trình tiêu hóa và giúp dòng chảy liên tục, nhịp nhàng của năng lượng và máu tuần hoàn khắp cơ thể. Cáu kỉnh, tiêu hóa kém, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), khô mắt, nhức đầu và viêm gân đều có thể là triệu chứng mất cân bằng gan, thường được cho là do sự oán hận bị kìm nén.
Y học phương Tây cũng nhận ra tác động của sự oán giận đối với sức khỏe con người. Rõ ràng là việc nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, từ đó gây ra những vấn đề về thể chất. Những người hay bực bội thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng, dễ kích động và dễ bị trầm cảm hơn.
Căng thẳng mãn tính có tác động đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm: hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, cơ quan sinh sản, giấc ngủ , và sức khỏe tim mạch. Hen suyễn, đau đầu, mất ngủ, tiêu hóa kém và bệnh tim là những triệu chứng phổ biến ở những người có mức độ căng thẳng cao.
Sự tức giận quá mức cũng có liên quan đến suy giảm nhận thức, làm ảnh hưởng tới khả năng ra quyết định và trí nhớ.
Rất khó để làm một người ‘cau có’ cảm thấy hài lòng. Họ cũng có thể có những hành vi chống đối xã hội. Ngay cả khi họ không làm như vậy, thì người khác cũng sẽ hạn chế tiếp xúc với họ do sợ chẳng may làm điều gì đó khiến họ phật lòng. Sự oán giận cũng có thể phá hỏng một mối quan hệ tốt đẹp.
Cân nhắc tất cả những điều này thì liệu sự oán giận có đáng để giữ lại không? Hãy tưởng tượng nó như một gánh nặng mà bạn đang mang theo một cách không cần thiết. Nhận ra điều hợp lý duy nhất cần làm là buông bỏ là một bước tiến lớn đúng hướng, nhưng sự oán giận có thể đã ăn sâu đến mức bạn không biết chính xác làm thế nào để giải tỏa nó.
Thực hành sự đồng cảm
Khi bị tổn thương, chúng ta thường rất dễ bị chìm đắm trong cảm xúc tự thương hại bản thân. Có lẽ chúng ta hy vọng thu hút được sự chú ý hoặc khơi dậy cảm giác tội lỗi của đối phương, nhưng kết quả không bao giờ tốt bằng việc tha thứ. Tha thứ giải phóng bạn khỏi ảnh hưởng dai dẳng của sự việc – khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn đối với những người có liên quan, đặc biệt là với chính bạn.
Bạn có thể cảm thấy không thể tha thứ cho người đã trộm đồ của bạn, lừa dối hoặc làm tổn hại danh tiếng của bạn… Tuy nhiên, bạn có thể vượt qua “điều không thể này” một cách tự nhiên khi học cách đứng ở vị trí của đối phương để thông cảm cho họ. Sau khi cho bản thân một khoảng thời gian để bình tĩnh lại, hãy thử đặt những cảm xúc tiêu cực sang một bên để nhìn nhận từ quan điểm của đối phương.
Điều gì đã khiến người đó cư xử như vậy? Họ có biết họ đã làm tổn thương bạn không? Rất có thể họ vô ý, nhưng kể cả là cố ý thì hãy cố gắng tìm ra lý do đằng sau hành vi đó. Họ có đang gặp trục trặc về tình cảm không? Bạn có làm điều gì đó khiến họ hành động như vậy không?…
Đây không phải là chúng ta đang tìm lỗi ở bản thân, mà đang xem xét tất cả các khả năng để có thể hiểu vì sao đối phương làm vậy. Hãy tiếp tục suy xét cho đến khi bạn có ít nhất một ý niệm mơ hồ về cảm giác của họ. Sự đồng cảm làm dịu đi khuynh hướng chỉ trích người khác và mở rộng trái tim của chúng ta để tha thứ.
Hãy nhớ rằng, bạn có thể đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân nhưng không thể kiểm soát hành vi của người khác. Bạn có thể thất vọng nhưng hãy coi đó như một cơ hội để nâng cao khả năng chịu đựng của mình.
Ai cũng đều mắc sai lầm dù lớn hay nhỏ. Hãy từ bỏ ý muốn trừng phạt người đã gây ra sự tổn thương cho bạn. Là con người không hoàn hảo, chúng ta có thể để lại sự phán xét và trừng phạt cho các thế lực cao hơn đang cai quản vũ trụ.
Tìm niềm tin làm điểm tựa tinh thần
Oán giận là một bản năng đi ngược lại nỗ lực phòng vệ. Chúng ta ôm giữ nỗi đau như một hình thức bảo vệ để tránh gặp phải tình huống tương tự mà không nhận ra rằng điều đó chỉ đang hủy hoại bản thân chúng ta.
Tất cả các nhà hiền triết vĩ đại và những người có đức tin đều khuyên chúng ta tránh hành động trong cơn giận dữ. Kinh Thánh đề cập đến chủ đề này nhiều lần, có lẽ rõ ràng nhất trong Rô-ma 12:17-21 ESV:
“Chớ lấy ác trả ác cho ai, nhưng hãy nghĩ đến việc làm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể, hãy hết mực sống hòa thuận với mọi người. Hỡi các bạn yêu dấu, đừng bao giờ tự trả thù, nhưng hãy phó mặc cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, vì có lời chép rằng: ‘Sự báo thù thuộc về ta, ta sẽ báo trả, Chúa phán vậy.’”
Đức Phật dạy rằng mọi đau khổ đều bắt nguồn từ tam độc: tham, sân, si. Oán hận rõ ràng là một hình thức của ‘sân’; nhưng nó cũng có thể được coi là ham muốn trả thù, cũng như trạng thái ảo tưởng khi một người nghĩ rằng điều gì đó tốt đẹp sẽ đến từ cảm giác tiêu cực này.
Đạo Phật coi sự tức giận (sân) là một trong ba độc tố gây ra mọi đau khổ trên trái đất. Phải tẩy sạch tam độc mới ngộ được Chân Lý.
Trong Đạo Đức Kinh , Lão Tử đã mô tả những đức tính cần thiết để hợp nhất với trời:
“Tướng giỏi không dùng vũ lực. Người chiến đấu giỏi không giận dữ. Người khéo thắng không giao tranh với địch. Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người. Thế gọi là cái đức của không tranh.”
Khổng Tử nói: “ Người mong đợi điều lớn lao ở bản thân và ít đòi hỏi ở người khác sẽ khiến sự oán giận rời xa… Quân tử yêu cầu bản thân, tiểu nhân yêu cầu người khác.”
Tìm cho bạn một đức tin và thực hành theo sẽ khiến trái tim bạn rộng mở hơn khi hiểu được những đạo lý cao cả và thâm sâu hơn về sinh mệnh và cuộc đời.
Hóa giải oán hận
Biết rõ rằng sự oán giận cần phải được loại bỏ không đồng nghĩa với việc bỏ nó một cách dễ dàng. Đó có thể là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng có thể thực hiện được.
Vì sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, để cứu vãn các mối quan hệ đang xấu đi và để khôi phục lại cuộc sống vui vẻ, hãy coi việc loại bỏ sự oán giận là một nỗ lực nghiêm túc và có hệ thống:
Thừa nhận sự oán giận và vượt qua
Các bước dưới đây được tinh gọn từ chương trình mười hai bước được phát triển để phục hồi sau hành vi tự ngược đãi bản thân. Tất cả những gì bạn cần là một cây bút và tờ giấy, một trái tim sẵn sàng và quyết tâm làm theo.
1. Lập danh sách (có thể dài) tất cả những người/tổ chức mà bạn cảm thấy oán giận và ghi rõ nguyên nhân. Hãy nhớ liệt kê mọi lý do, ngay cả khi điều đó có vẻ tầm thường hoặc khiến bạn cảm thấy đáng khinh bỉ.
2. Bây giờ, hãy thừa nhận mỗi sự oán giận đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào. Suy ngẫm xem cảm xúc đó khiến bạn cảm thấy thế nào và những điều mà tiềm thức của bạn đang cố gắng bảo vệ đằng sau đó.
3. Tiếp theo, sử dụng sự đồng cảm và xem xét quan điểm của đối phương. Nếu có thể, hãy viết ra một số điều tích cực liên quan đến họ và nhớ lại cách bạn đã trân trọng mối quan hệ của mình như thế nào. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho sự tha thứ.
4. Cuối cùng, bạn cần xem xét lại vai trò của mình trong mỗi sự việc. Suy nghĩ xem bạn đã có thể xử lý mọi việc theo cách khác nào để đạt được kết quả tốt hơn. Bạn chưa truyền đạt rõ yêu cầu của bạn? Bạn có thiếu tôn trọng họ không? Hay kỳ vọng của bạn chưa hợp lý? Có thể bạn đã hiểu sai lời nói hoặc hành động của họ? Hay bạn đã dành nhiều năm để đổ lỗi cho bản thân vì điều gì đó không phải lỗi của bạn? Đây là bước mà sự oán giận bắt đầu tan chảy.
Thực hiện nhiệm vụ này có thể rất khó khăn, nhưng nó không chỉ giúp bạn giải tỏa những oán giận cũ mà còn giúp bạn xác định và kiềm chế những suy nghĩ và hành vi dẫn đến sự oán giận mới. Dù bạn quyết định trực tiếp tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm mình hay chỉ đơn giản là tha thứ trong lòng thì cũng không có gì khác biệt lắm, chỉ cần bạn làm điều đó một cách chân thành. Bạn có thể chọn giữ lại bài tập như một lời nhắc nhở về sự chăm chỉ của mình, hoặc đốt nó đi để hoàn thành quá trình buông bỏ.
Hãy thực hành lòng trắc ẩn trong suốt quá trình. Hãy kiên nhẫn vì “băng dày ba thước đâu phải do lạnh một ngày” , do đó bạn không thể khiến sự oán giận “bốc hơi” sau một đêm.
Hãy nhớ xem xét mọi tình huống một cách hợp lý, truyền đạt những kỳ vọng và thất vọng của bạn khi cần thiết; hãy mở lòng để hiểu và tha thứ cho người khác; và có niềm tin để chấp nhận những gì đã xảy đến và từ bỏ ham muốn kiểm soát những gì bạn không thể. Với sự quyết tâm, bạn có thể mong đợi được tận hưởng một con người tốt hơn – một con người đầy niềm vui hơn là oán giận.
Xin lưu ý: Tha thứ là một trạng thái tinh thần tích cực có thể giúp phục hồi sức khỏe, sức sống và các mối quan hệ, nhưng không có nghĩa là phớt lờ và chấp nhận hành vi ngược đãi. Bạn nên sáng suốt xem một mối quan hệ là lành mạnh hay độc hại, và dựa vào lý trí hơn là cảm xúc để đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Ngay cả khi một mối quan hệ nên chấm dứt, điều quan trọng là phải thực lòng tha thứ cho người đó – sự oán giận không nên là nguyên nhân dẫn đến chia cách.
Ngọc Chi, Vision Times
Hãy sống mà không phàn nàn, oán trách “Không oán trời, không trách người, học điều nhỏ nhặt biết thứ lớn lao, chỉ có trời mới hiểu được ta!”.