Cách bổ nhiệm Bộ trưởng khác thường của Tổng thống J.F. Kennedy
Tháng 12 năm 1960, Tổng thống đắc cử của nước Mỹ khi ấy là John F. Kennedy đã bổ nhiệm một doanh nhân trẻ mới 44 tuổi tên là Robert McNamara vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời điểm đó, McNamara
đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Ô tô Ford và chưa từng một lần gặp John Kennedy trong đời.
Điều gì đã thúc đẩy J.F. Kennedy đi đến lựa chọn đó, và câu chuyện bổ nhiệm khác thường này đã diễn ra như thế nào?
Một buổi sáng đầu tháng 12 năm 1960, McNamara lái xe tới văn phòng của mình tại trụ sở hãng Ford ở thành phố Dearborn, Michigan. Ông mới nhậm chức Chủ tịch công ty được 7 tuần.
Đến nơi, McNamara nhận được thông báo từ cô thư ký rằng, có “ông Robert Kennedy đang ở đầu dây”.
McNamara cầm máy, còn chưa hiểu chuyện gì thì Robert Kennedy nói ngay: “Tổng thống đắc cử sẽ lấy làm cảm kích nếu ông có thể gặp em rể chúng tôi là Sargent Shriver”.
McNamara nói ông rất vui mừng, dù không hề biết Shriver là ai và cũng chẳng có một chút ý niệm gì là tại sao ông ta lại muốn gặp mình. McNamara đề nghị cuộc gặp vào thứ 3 tuần sau.
“Không được, không được,” Robert Kennedy nói. “Anh ấy cần gặp ông ngay trong hôm nay.”
McNamara nói đã gần 11h rồi. Kennedy đáp: “Ông cứ ấn định thời gian, và anh ấy sẽ đến.”
McNamara bèn nói: “Vậy thì 4 giờ nhé!”
Đúng 4 giờ chiều, Shriver đến văn phòng của McNamara. Mở đầu câu chuyện, ông ta nói:
“Tổng thống đắc cử chỉ thị cho tôi đến mời anh giữ chức Bộ trưởng Tài chính.”
“Ông mất trí đấy à? Tôi không đủ khả năng đảm nhận chức vụ đó!”
“Nếu anh cứ giữ lập trường như vậy, tôi được ủy quyền nói rằng, Jack Kennedy muốn anh làm Bộ trưởng Quốc phòng.”
“Sao vô lý thế!” McNamara trả lời. “Tôi không làm được đâu!”
“Hừm, thôi được”,
“Ít ra thì Tổng thống đắc cử mong anh đồng ý gặp ông ấy vào ngày mai tại Washington.”
Không từ chối được, McNamara đành phải nhận lời. Trước khi đi Washington, ông bay đến New York để thông báo với Henry Ford II về sự việc này. Henry Ford II có chút sững sờ, vì chính Ford đã lựa chọn và đặt McNamara vào vị trí Chủ tịch công ty mới được không lâu.
McNamara trấn an Ford rằng, ông sẽ đến gặp Tổng thống đắc cử nhưng chỉ là gặp thế thôi, mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi cả.
Ngày hôm sau, John Kennedy tiếp đón McNamara tại nhà riêng ở phố cổ Georgetown, Washington. Nhân viên mật vụ đưa những vị khách không được tiết lộ theo lối sau vào nhà.
Khi hai người gặp mặt, Kennedy hỏi liệu McNamara có thể giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các của ông được hay không?
“ Tôi không xứng đáng”, McNamara đáp.
“Vậy thì ai xứng đáng?” Kennedy hỏi lại.
McNamara đưa ra một cái tên, nhưng Kennedy cho qua mà không nhận xét gì.
Kennedy bác ý kiến của McNamara nói bản thân không đủ năng lực; rồi nhận định tỉnh khô rằng, theo ông ta biết thì không có một trường lớp nào đào tạo các Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như không có trường lớp nào đào tạo ra các Tổng thống.
“Chúng ta có thể học công việc của mình cùng nhau,” Kennedy nói. “Tôi cũng không biết làm tổng thống như thế nào mà”.
Rồi Tổng thống đắc cử nói McNamara hãy xem xét lại đề nghị của ông, và gặp lại vào thứ hai của tuần lễ sau đó.
McNamara miệng thì nói rằng, ông tin là câu trả lời sẽ vẫn như vậy thôi, nhưng trong bụng thì bắt đầu dao động. Bởi vì dù đã cam kết trung thành với gia đình và Công ty Ô tô Ford, nhưng McNamara biết mình không thể đặt lợi ích của nhà Ford lên trên nghĩa vụ phục vụ đất nước khi được yêu cầu.
Nhưng nếu rời khỏi công ty Ford, vấn đề tài chính gia đình ông cũng sẽ đổi khác hoàn toàn. Tổng thu nhập hằng năm khi đó của McNamara là 400.000 đô la. Nếu chấp nhận đề nghị của Tổng thống đắc cử làm Bộ trưởng Quốc phòng, tiền lương hằng năm của ông chỉ còn là 25.000 đô la; giảm hơn 16 lần.
Nhưng tiền bạc không phải là toàn bộ vấn đề. McNamara rất thiếu hụt kinh nghiệm cho công việc mới, và ông bắt đầu suy nghĩ rất lung rằng nếu nhận vai trò này, thì ông cần phải làm gì để làm tốt công việc đó, và liệu ông có thể thực sự làm tốt được hay không?
Thế rồi McNamara quyết định dành dịp nghỉ cuối tuần để bàn về vấn đề này với vợ ông, bà Margaret, trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Đó là người phụ nữ rất quan trọng đối với McNamara.
Nhưng trước khi tiếp tục câu chuyện này, chúng ta sẽ đến với câu hỏi: Đó là vì sao John F. Kennedy lại nhất định muốn giao cho một người trẻ tuổi chưa từng gặp mặt một chức vụ quan trọng đến vậy trong nội các?
Câu chuyện có thể kể bắt đầu từ Thế chiến 2.
Khi Hitler xâm lược nước Pháp vào tháng 5 năm 1940, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt nhận thấy sự cấp thiết phải mở rộng quy mô lực lượng không quân Hoa Kỳ, và yêu cầu phải sản xuất được 50.000 máy bay quân sự mỗi năm.
Đó là một con số không tưởng nếu chúng ta biết rằng, trước chiến tranh, vào thời điểm năm 1938, nước Mỹ chỉ có khoảng gần 1.800 máy bay và 500 phi công.
Hầu như chỉ trong một đêm, quân đội Hoa Kỳ đã nhận thấy phải làm thế nào để nắm bắt cho được một ngành công nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất của nước Mỹ; và họ quay sang trường Harvard tìm kiếm sự giúp đỡ.
Robert McNamara lúc này đang là một giảng viên trẻ ở đây.
Đầu năm 1942, trường kinh doanh Harvard ký một hợp đồng với quân đội Mỹ để đào tạo các sĩ quan cho chương trình Kiểm soát thống kê.
Chương trình đặc biệt này của Không lực Hoa Kỳ sẽ tiến hành ghi lại và kiểm soát các số liệu như tình trạng máy bay (như: sẵn sàng chiến đấu, có thể sửa chữa được, không còn khả năng vận hành, tình trạng của phi công, những hình thức huấn luyện đã qua, số lần hỏng hóc, nhu cầu thay thế…) và tình hình hoạt động (như: số lần bay, loại phi vụ, mục tiêu đã bắn phá, mức độ thành công, thiệt hại về người và trang bị…) Tổng hợp các báo cáo đó, các vị chỉ huy có thể có được một bức tranh mới nhất về các hoạt động, và cả những yếu kém, của không lực Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Người đứng đầu chương trình Kiểm soát thống kê của Không quân Mỹ là một sĩ quan trẻ, táo tợn và đặc biệt tài năng tên là Charles B. “Tex” Thornton. McNamara đã tham gia vào công việc đào tạo trong chương trình này, dưới sự chỉ huy của Thornton.
Tầm nhìn của Thornton là, nếu hệ thống này và các dữ liệu được dùng một cách thông minh, nó có thể một đóng vai trò quyết định trong việc giành thắng lợi trong cuộc chiến.
Mặc dù các phương pháp của đội Thornton sau đó không được không quân Mỹ áp dụng triệt để lắm, nhưng có những lúc chúng đã có được tác động quan trọng đến chiến sự.
Năm 1946, sau khi phục vụ tại nhiều nơi trên khắp thế giới, McNamara rời quân ngũ với quân hàm Trung tá, và được trao tặng Huân chương quân công vì đóng góp vào chương trình Kiểm soát thống kê.
Nhưng khi ấy, cuộc sống riêng của McNamara đang trải qua những ngày sóng gió.
Vợ ông, bà Margaret, mắc phải bệnh bại liệt hiểm nghèo. Bác sĩ cho biết bà sẽ không còn có thể nâng được cánh tay hay đôi chân lên được nữa.
Nhờ sinh lực, ý chí mạnh mẽ và sự sắp đặt của số phận mà cuối cùng Margaret đã vượt qua. Nhưng tiền chữa bệnh thì quá đắt đỏ.
McNamara khi ấy không có tiền. Ông không thể trở lại Harvard, vì ở đó, ông sẽ không thể kiếm đủ tiền để chi trả viện phí cho vợ.
Khi McNamara đang chìm trong bế tắc, thì đội trưởng cũ của ông trong Không quân Mỹ là B. “Tex” Thornton xuất hiện.
Thornton khi ấy vẫn rừng rực lửa nhiệt huyết và ý tưởng. Ông ta gạ McNamara tham gia vào một đội cựu chiến binh mới thành lập, gồm các chuyên gia tài năng của chương trình Kiểm soát thống kê, mục đích là đi chào hàng các công ty lớn đang có nhu cầu tái tổ chức và hiện đại hóa doanh nghiệp: nhưng phải theo hợp đồng trọn gói.
Thornton nói rằng Henry Ford II của hãng Ford đang quan tâm đến đội của ông ta, và đây là một cơ hội không nên bỏ lỡ.
McNamara không thấy mặn mà lắm, nhưng trong hoàn cảnh không thể trở lại Harvard, cuối cùng ông cũng đồng ý trở thành đội phó của Thornton.
Nhóm chuyên gia tài năng này sau đó đã vượt qua hàng loạt các bài kiểm tra khó nhằn nhất của hãng Ford với 4 điểm tuyệt đối về kỹ năng tư duy, 10 điểm tuyệt đối về kỹ năng thực hành; và được lịch sử biết đến với cái tên Whiz Kids lừng danh. 6 trong số các nhân sự của nhóm về sau đã trở thành Ủy viên điều hành cao cấp của Ford, trong đó có 2 người làm Chủ tịch.
Whiz Kids nhanh chóng đưa Ford bứt tốc, giành lại mảng thị trường lớn trước đó đã bị General Motor chiếm lĩnh; và các thành viên cũng nhanh chóng thăng tiến trong Ford.
2 năm sau, đội trưởng Thornton bị đuổi việc do cãi lộn với Phó chủ tịch Phụ trách tài chính; nhưng đội phó McNamara thì đã ở lại, và dù khác biệt với đa số thành viên chủ chốt của công ty về nhiều vấn đề như an toàn lao động, giảm ô nhiễm v.v… McNamara biết cách hợp tác với họ để đưa Ford tiến lên, và liên tục nhận được sự tiến cử.
Đến mùa hè năm 1960, Henry Ford II đề nghị ông nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Và 7 tuần sau, McNamara nhận được lời mời làm Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống đắc cử John F. Kennedy.
Về sau, McNamara biết được rằng, người đã đề xuất tên ông cho Kennedy là nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith. Galbraith biết đến những công việc của McNamara trong quân đội và thành tựu tại hãng Ford… trong khi đó, Tổng thống đắc cử đang muốn tìm kiếm những suy nghĩ sáng tạo của một doanh nhân cho nội các của ông; không quan trọng người đó là đảng phái nào hay quan điểm chính trị ra sao.
Tuổi trẻ binh nghiệp đã khiến bén rễ trong Robert McNamara niềm tự hào và ước muốn phụng sự cho đất nước.
Bởi vậy, cuộc nói chuyện với vợ con có lẽ chỉ để khẳng định lại lựa chọn mà McNamara đã rõ ràng trong tâm. Margaret nói rằng, bà chỉ muốn những gì mà McNamara muốn.
Vậy nên McNamara quyết định rằng, ông sẽ chấp thuận lời đề nghị của Tổng thống đắc cử, miễn là ông thấy mình có thể làm tốt công việc đó.
Kinh nghiệm của McNamara trong lĩnh vực quốc phòng không đủ, nên ông suy nghĩ rằng, để có thể làm tốt công việc này, ông cần Tổng thống đáp ứng hai yêu cầu của mình.
Thứ nhất, McNamara cần phải được toàn quyền bổ nhiệm những cá nhân có năng lực nhất vào các vị trí then chốt trong Bộ Quốc phòng mà không chịu sự can thiệp của bất kỳ ai. Những nhân sự này, bất kể đảng phái, sẽ bổ khuyết cho sự thiếu hụt kinh nghiệm của ông.
Thứ hai, McNamara sẽ không dùng thời gian làm việc để tham gia vào các giao tiếp xã giao tại Washington.
Tất nhiên, thật buồn cười khi dám yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ chấp thuận những đề nghị như vậy trong hợp đồng làm việc; McNamara biết điều đó, nhưng ông cũng biết rõ rằng mình cần phải làm như vậy.
McNamara quyết định sẽ viết một lá thư tay để trình bày rõ quan điểm và mong muốn của mình, và trong buổi gặp tới với Kennedy, ông sẽ đưa nó cho Tổng thống đắc cử đọc, thay vì trình bày miệng.
Và rồi ngày đó cuối cùng cũng đã tới.
Tại nhà riêng của Kennedy ở phố Georgetown, khi McNamara được nhân viên mật vụ đưa vào phòng, ông thấy rằng Tổng thống và em trai ông, Robert, đã ngồi đợi trên ghế sô-pha.
McNamara đưa lá thư của mình cho Kennedy.
Tổng thống cầm lấy lá thư, đọc nó rồi đưa sang cho Robert và hỏi:
“Chú thấy thế nào?”
Robert đọc lướt nhanh lá thư, rồi trả lại cho Tổng thống.
“Em cho thế thật là tuyệt!”
“Anh cũng nghĩ vậy”, Tổng thống nói. “Nào, hãy cùng đi tuyên bố điều đó”.
Thế rồi John Kennedy lấy ra một tập giấy màu vàng và thảo một bản tuyên bố, sau đó ông cùng em trai dẫn McNamara ra hiên phía trước.
Cánh phóng viên đã chờ sẵn ở đó; và Tổng thống đắc cử tuyên bố với giới truyền thông rằng, ông đã chính thức chọn được Bộ trưởng quốc phòng của mình.
Phong Vân (Kể lại theo Hồi ký của Robert McNamara)
Video có sử dụng nội dung từ:
In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam , 1946 (Robert McNamara, Brian Van De Mark). Bản dịch tiếng Việt: Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam , NXB Chính trị Quốc gia (1995)
[VIDEO] “Đế chế tà ác” – Tổng thống Ronald Reagan
“Đế chế tà ác” là bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc trước Hiệp hội Phúc âm Quốc gia Hoa Kỳ ngày 8 tháng 3 năm 1983, thời điểm…