Cách bán hàng của doanh nghiệp chế biến sâu

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 08:59:15

Việc bán hàng không chỉ đơn thuần là bán một sản phẩm hay dịch vụ mà đi kèm với nó là một câu chuyện, một nhóm những tiện tích hay giải pháp vượt cả sự mong đợi của người tiêu dùng.


Tại Hội thảo với chủ đề "How to sell", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC, thành viên Tập đoàn PAN), đã có những chia sẻ về cách thức bán hàng của doanh nghiệp thực phẩm chế biến sâu. Người Đồng Hành giới thiệu tới bạn đọc bài viết. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

Nền kinh tế tuyến tính là biến các tài nguyên thiên nhiên thành vật liệu, sản phẩm cơ bản. Nền kinh tế “nâu” dựa vào các nguồn năng lượng hoá thạch để phát triển mà bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Chúng được thay thế bằng mô hình kinh tế "xanh" và tuần hoàn, trong đó, tăng trưởng kinh tế đi đôi với sự phát triển của môi trường và gắn với trách nhiệm xã hội, đã trở thành xu thế mới của thế giới.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta.

Đi kèm với đó, những mong muốn về sản phẩm của người tiêu dùng cũng ở  mức cao hơn. Đơn cử như tại EU, trước khi đưa ra quyết định mua hàng, người tiêu dùng sẽ tìm hiểu xem trong quá trình sản xuất, thực phẩm đó có gây phát thải ra môi trường hay không? Hay quá trình khai thác thuỷ sản có làm cạn kiệt tài nguyên hoặc ảnh hướng đến cuộc sống của những sinh vật khác như rùa biển hay san hô không? Bao bì sản phẩm có thân thiện với môi trường không?

Ngày nay, cụm từ như “nuôi gà nhân đạo” nghĩa là không nhốt hoàn toàn mà có không gian để gà thư giãn; giết tôm cá bằng điện để giảm thiểu stress hay đau đớn; nuôi bò, heo có nghe nhạc, massage… đã ngày càng phổ biến. Không những vậy, những đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ một cách dễ dàng thông qua việc quết QR trên bao bì hay sản phẩm cũng là mong muốn của người tiêu dùng ngày nay.

Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản phải nắm bắt được xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng để có kế hoạch, cải tiến trong hoạt động quản trị, quá trình sản xuất và cách thức bán hàng cũng như tiếp cận khách hàng một cách phù hợp, sao cho sản phẩm chất lượng nhưng vẫn có giá thành phải chăng.

Trước những đòi hỏi của thị trường, thực tế của ngành cung ứng thực phẩm và chế biến sâu khiến doanh nghiệp nhận thức được rằng tầm quan trọng của việc bán hàng phải được hình thành ngay từ khi thiết kế nhà xưởng. Nghĩa là nhà xưởng phải được thiết kế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; công nghệ máy móc hiện đại với tối đa khâu tự động hoá hoặc chuyển đổi số; Điều này giúp doanh nghiệp có được năng suất tốt nhất, sử dụng ít lao động, không những vậy còn có thể giảm thiểu tối đa những rủi ro từ ý thức, kỷ luật kém của người lao động có thể gây ra.

Trong quá trình hợp tác, kinh doanh, đơn vị sản xuất và bên mua hàng đều mong muốn làm sao có thể đưa sản phẩm của mình tới nhiều khách hàng nhất với sự tín nhiệm, ưa chuộng và có sức cạnh tranh tốt. Muốn vậy, sản phẩm đương nhiên phải có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh và mang lại nhiều giá trị.

Thước đó của việc bán hàng thành công chính là doanh số, lợi nhuận, thương hiệu của doanh nghiệp được nhiều người biết đến và sản phẩm của công ty ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Đó cũng là cách để doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những phân tích vừa nêu đều phù hợp với hoạt động sản xuất thực phẩm để tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.

Với thị trường trong nước, việc bán hàng của doanh nghiệp phụ thuộc vào quy mô, hệ thống phân phối, hoạt động marketing hay tỷ lệ chiết khấu, chương trình khuyến mại… nhưng căn cơ hơn cả vẫn là yếu tố chất lượng sản phẩm như thơm ngon, bổ dưỡng hay giá cả phải chăng… Những chiêu trò quảng cáo đầy hấp dẫn có thể tạo ra mãi lực, thúc đẩy doanh số trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, nếu chỉ có vậy thì việc bán hàng khó bền vững trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thông thái.

Với hoạt động xuất khẩu, trường hợp doanh nghiệp chưa đủ khả năng tự xây dựng hệ thống phân phối, phải tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử hoặc hệ thống của đơn vị khác sẵn có thì việc bán hàng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nội lực của doanh nghiệp, bao gồm việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì mẫu mã ngày càng tinh tế, giá thành ngày càng cạnh tranh so với đối tác nước ngoài và luôn coi trọng hoạt động hậu mãi.

Cha ông ta có câu “phi thương bất phú”. Tuy câu này chưa hẳn là hoàn chỉnh nhưng qua đó cho thấy việc bán hàng của từng cá nhân, doanh nghiệp cũng như việc mở rộng giao thương của quốc gia có ý nghĩa vô cùng to lớn cho phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hội thảo “How to sell” diễn ra ngày 20/8 vừa qua nằm trong chuỗi hội thảo định kỳ do Tập đoàn PAN tổ chức dành cho các CEO công ty thành viên.

Hội thảo được cho là có chủ đề đơn giản nhưng vẫn đảm bảo chiều sâu, đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp phải tường tận sản phẩm, dịch vụ; đưa ra được quyết định đúng đắn, tận dụng cơ hội và mở rộng kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát của nền kinh tế cũng như nâng tầm vị thế ngành hàng Việt trên bản đồ thế giới.


TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta

Chia sẻ Facebook