Cách 23,3 tỷ km, sau 45 năm, tàu triệu đô bất ngờ gửi dữ liệu bí ẩn: Chuyện gì đã xảy ra?
Rốt cục con tàu vũ trụ của NASA ở khoảng cách 23,3 tỷ km đã gửi dữ liệu gì mà các nhà khoa học chưa thể giải mã.
Con tàu trị giá hàng triệu USD này chính là Voyager 1 của NASA . Voyager được Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chế tạo. Con tàu được phóng đi vào ngày 5/9/1977 và hiện vẫn đang theo đuổi sứ mệnh để định vị và nghiên cứu biên giới của hệ Mặt Trời, đồng thời truyền thông tin về Trái Đất.
Voyager 1 đã bay qua Sao Mộc vào năm 1979 và di chuyển tới Sao Thổ vào cuối năm 1980. Tốc độ di chuyển của khoảng 61.152 km/h, con tàu này đã vượt qua nhật quyển (biên giới của hệ Mặt Trời với không gian giữa các vì sao) vào tháng 8/2012.
Việc tàu Voyager 1 tiến vào vùng không gian giữa các vì sao được coi là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại, tạo thêm cơ hội cho giấc mơ chinh phục không gian của con người.
Thế nhưng sau 45 được phóng đi vào vũ trụ, con tàu Voyager 1 mới đây bất ngờ gửi lại dữ liệu bí ẩn và điều này khiến các nhà khoa học ‘bối rối’.
Cụ thể, vào ngày 18/5/2022, NASA đã bất ngờ nhận được một tập hợp thông tin bí ẩn từ tàu Voyager 1. Các nhà khoa học đã cố gắng giải mã thông tin nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công.
Kể từ khi tàu Voyager 1 được phóng thành công vào vũ trụ năm 1977, nó đã bay trong không gian được 45 năm và hiện đang nằm cách xa Trái Đất tới 23,3 tỷ km. Tàu Voyager 1 hiện là tàu thăm dò xa nhất trên thế giới do con người tạo ra.
Mặt khác, do khoảng cách của tàu Voyager 1 với Trái Đất quá xa, thường mất khoảng 2 ngày kể từ khi nhận được thông tin cho đến khi hồi đáp. Do đó có nghĩa là thông tin mà NASA nhận được không phải là thời gian thực.
Nhóm nghiên cứu do bà Suzanne Dodd dẫn đầu, đồng thời là người quản lý dự án Voyager 1 và 2 trong 38 năm tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, đang cố gắng tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra với con tàu này trong vũ trụ.
Tàu Voyager 1 có gặp nạn không?
Tàu Voyager 1 bất ngờ gửi dữ liệu bí ẩn, khó lý giải ở khoảng cách xa tới 23,3 tỷ km khiến nhiều người cho rằng con tàu này có thể đang gặp nạn và nguyên nhân là do người ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng này, bà Suzanne Dodd phủ nhận và vẫn đang tìm kiếm nguyên nhân thật sự. Bởi Voyager 1 đã hoạt động trong vũ trụ trong gần 45 năm nên cũng sẽ không thể tránh khỏi những vấn đề về "lão hóa".
Ngoài ra, tàu Voyager 1 đang cố gắng du hành qua hệ Mặt Trời vào thời điểm này. Vị trí đó có từ trường của Mặt Trời và môi trường giữa các ngôi sao đang tương tác theo những cách chưa được hiểu rõ. Do đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu của tàu Voyager 1.
Bà Suzanne Dodd cho biết, Voyager 1 vẫn chưa được phát hiện là đã xâm nhập vào bất kỳ vùng không an toàn nào, nên con tàu vẫn đang "khỏe mạnh".
"Voyager 1 và 2 đều đã gần 45 tuổi và vượt xa những gì các nhà hoạch định sứ mệnh dự đoán", bà Suzanne Dodd nói.
Nhưng vì sao con tàu này lại truyền về dữ liệu mà các nhà khoa học không thể hiểu được? Nguyên nhân bí ẩn vẫn đang được nghiên cứu.
Dù chưa biết bao lâu mới có thể tìm được nguyên nhân nhưng các chuyên gia sẽ không từ bỏ việc giải mã thông tin kỳ lạ này.
Tín hiệu bí ẩn và "lời hồi đáp" từ Trái Đất?
NASA cho biết, trong khi Voyager 1 vẫn hoạt động bình thường, các dữ liệu từ hệ thống kiểm soát và kết nối với Trái Đất của con tàu này (viết tắt là AACS) dường như không khớp với chuyển động và định hướng của con tàu. Điều này cho thấy rằng tàu Voyager 1 đang nhầm lẫn về vị trí của nó trong không gian.
Thực tế hệ thống AACS rất cần thiết để Voyager 1 gửi dữ liệu cho NASA về môi trường giữa các vì sao ở xung quanh nó, bởi ăng-ten của tàu luôn hướng về Trái Đất.
NASA cho biết, trong khi Voyager 1 bất ngờ gửi dữ liệu kỳ lạ thì tàu Voyager 2 vẫn đang hoạt động bình thường.
Theo các kỹ sư của NASA, hệ thống AACS của tàu Voyager 1 đang gửi dữ liệu được tạo ngẫu nhiên, và đó không phản ánh những gì đang thực sự xảy ra trên tàu.
Có một thách thức lớn đối với nhóm kỹ sư của NASA. Theo bà Suzanne Dodd, đó là thông điệp của NASA phải mất tới 20 giờ 33 phút để có thể đi đến vị trí hiện tại của Voyager 1. Vì vậy, một thông điệp khứ hồi giữa NASA và con tàu Voyager 1 mất tới 2 ngày.
Tàu Voyager 1 và 2 có thể di chuyển xa đến đâu?
Bộ đôi tàu Voyager 1 và 2 có nhiều phát hiện lớn và quan trọng kể từ khi được phóng vào không gian năm 1977 với nhiệm vụ khám phá hệ Mặt Trời. NASA cho biết, tổng chi phí của hai dự án tàu Voyager này là 988 triệu USD.
Bộ đôi tàu Voyager tuy có thiết kế giống nhau nhưng hoạt động ở trên hai quỹ đạo riêng biệt. Mỗi con tàu này đều có một đĩa mạ vàng để lưu giữ những hình ảnh và âm thanh của sự sống trên Trái Đất.
Đặc biệt, các đầu dò của tàu Voyager đều được gắn nhiều thiết bị khoa học hiện đại, chẳng hạn như máy dò plasma, máy quay truyền hình, cảm biến hồng ngoại…
Ngoài ra, tín hiệu mà bộ đôi tàu vũ trụ này sử dụng để truyền tới Trái Đất chỉ với công suất là 20 watt, tương đương với công suất của bóng đèn tủ lạnh.
Voyager 1 là tàu vũ trụ đầu tiên cung cấp hình ảnh chi tiết về Mặt Trăng của Sao Mộc và Sao Thổ. Năm 2012, con tàu này bay ra khỏi hệ Mặt Trời, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến vào khoảng không liên sao. Trong khi đó, Voyager 2 lại tiếp tục khám phá Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Tuy nhiên, đến ngày 10/12/2018, Voyager 2 đã rời khỏi hệ Mặt Trời.
Trong gần 45 năm qua, bộ đôi con tàu này đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu, trong đó có nhiều phát hiện quan trọng trong công cuộc khám phá vũ trụ của nhân loại.
Sau khi rời khỏi hệ Mặt Trời, đến nay, hai con tàu này của NASA vẫn đang hoạt động tích cực.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bộ đôi tàu vũ trụ nổi tiếng này sẽ bay được xa đến đâu?
Voyager 1 hiện là tàu vũ trụ bay xa nhất trong vũ trụ do con người tạo ra, với khoảng cách so với Trái Đất là 23,3 tỷ km.
Tính đến cuối 2019, Voyager 1 di chuyển với tốc độ hơn 61.000 km/h. Với tốc độ này, theo ước tính của các chuyên gia, trong hơn 38.200 năm nữa, con tàu này sẽ cách sao AC 79 3888 trong chòm sao Ursa Minor khoảng 1,7 năm ánh sáng.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, trong khoảng 40.000 năm tới, con tàu này sẽ cách sao Ross 248 thuộc chòm sao Andromeda là 1,7 năm ánh sáng.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, trước khi đến gần được các ngôi sao trên, có thể sẽ mất dấu hai con tàu vũ trụ này.
Gần 45 năm du ngoạn trong vũ trụ đã vượt ngoài kỳ vọng. Năng lượng mà con tàu có thể tạo ra liên tục sụt giảm. Do đó, nhóm các nhà khoa học đã phải tắt một số thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì một số để tiến hành nghiên cứu nhật quyển và không gian liên sao lâu nhất có thể. NASA hy vọng rằng có ít nhất một thiết bị khoa học ở trên mỗi con tàu vẫn có thể hoạt động cho đến năm 2025.
Bài viết tham khảo nguồn: NASA, Space, Businessinsider
Camera xuyên băng phát hiện dòng sông có đầy sinh vật bí ẩn, chuyên gia: "Chúng đã ăn gì?"