Các vật dụng gia đình có nguy cơ gây ra 'siêu vi khuẩn' mới do tình trạng kháng kháng sinh
Một nghiên cứu cảnh báo rằng các vi khuẩn nguy hiểm có thể trở nên kháng thuốc kháng sinh do một số vật dụng gia đình bị xả xuống cống.
Các sản phẩm như xà phòng và kem đánh răng có thể chứa triclosan , hóa chất chống lại vi khuẩn mà chúng ta tìm cách bảo vệ bản thân khi đánh răng hoặc rửa tay. Tuy nhiên, do số lượng lớn những vật dụng này được thải ra ở Ontario, Canada, vi khuẩn bám trong bùn thải có nguy cơ ngày càng trở nên quen thuộc với hóa chất này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, triclosan đã trở thành chất kháng sinh chủ yếu trong nước thải của thành phố, tác động đến E.Coli , một loại vi khuẩn nhiễm trùng có thể gây đau dạ dày nghiêm trọng và thậm chí suy thận. Vi khuẩn trên có thể lây nhiễm khi chúng ta ăn thực phẩm bị ô nhiễm, uống nước không được xử lý đầy đủ và do tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.
Điều đáng lo ngại là vi khuẩn liên tục tiếp xúc với thuốc kháng sinh có thể trở nên kháng thuốc đến mức phát triển tình trạng "siêu nhiễm", có khả năng khiến chúng "bất khả xâm phạm" đối với các phương pháp điều trị mà chúng ta dựa vào.
Từ năm 2014 đến năm 2016, có 700.000 ca tử vong do kháng kháng sinh trên toàn cầu.
Tác giả chính của nghiên cứu Ontario, Holly Barrett từ Đại học Toronto, cho biết, ngay cả "mức độ rất thấp" của triclosan cũng có thể khiến kháng kháng sinh hình thành theo thời gian.
Bà nói: "Vì có rất nhiều loại kháng sinh khác nhau trong bùn thải, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng phần lớn hoạt tính kháng khuẩn của bùn có thể được liên kết trực tiếp với chỉ riêng triclosan".
Bà Barrett kêu gọi quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng hóa chất này trong các sản phẩm gia dụng và mỹ phẩm, theo chỉ đạo của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Trong năm 2016 và 2017, FDA đã cấm sử dụng triclosan trong các sản phẩm xà phòng, nước diệt khuẩn và thuốc sát trùng tại chỗ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
The Health and Safety Executive (giám sát an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường tại các doanh nghiệp) đã viện dẫn một chỉ định của EU vào năm 2016, trước Brexit, theo đó dỡ bỏ chấp thuận đối với triclosan cùng với hai chất diệt khuẩn khác.
Vào thời điểm đó, triclosan được liệt kê là một "chất gây ô nhiễm cụ thể" theo Chỉ thị Khung về Nước. Một số công ty đã ngừng sử dụng hóa chất này. Ví dụ, hầu hết các nhãn hiệu kem đánh răng đã loại bỏ triclosan ra khỏi thành phần sản phẩm của họ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, triclosan vẫn có thể được tìm thấy trong một số sản phẩm như chai nước rửa tay mà nhiều người đã trở nên quen thuộc hơn kể từ đại dịch COVID-19.
Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng hiện nay đặt ra nhu cầu cần có các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này cũng như phát triển các loại thuốc kháng sinh mới.