"Các thầy cô cố gắng chấm đều tay, không có độ chênh lệch"
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hứu Độ lưu ý tới khâu kiểm tra giám sát quy trình, thống nhất điểm, quy trình chấm 2 vòng độc lập, vòng chấm thống nhất điểm.
Theo báo cáo của Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thành phố có 12.686 thí sinh dự thi tại 30 điểm thi với 532 phòng thi. Thành phố đã huy động 2.721 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi.
Nhân sự tham gia công tác chấm thi được lựa chọn theo tiêu chuẩn, điều kiện của quy chế thi, quy định và tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, Ban chấm thi tự luận gồm 149 thành viên; Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 26 thành viên.
Khu vực làm phách, khu vực chấm thi được bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc phương tiện kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định; có công an bảo vệ, cán bộ giám sát, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống dịch bệnh và dự phòng các tình huống bất thường khác.
Từ ngày 10/7, Ban làm phách bài thi tự luận bắt đầu làm việc, thực hiện quy trình làm phách, giao nhận bài thi đúng theo hướng dẫn và quy chế thi của Bộ GDĐT. Công tác chấm thi tự luận bắt đầu từ sáng 12/7. Công tác chấm thi trắc nghiệm bắt đầu từ ngày 10/7. Theo đánh giá ban đầu, tiến độ chấm thi diễn ra khá nhanh.
Kiểm tra thực tế tại ban làm phách, ban chấm thi tự luận, ban chấm thi trắc nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, công tác chấm thi được Hội đồng thi tốt nghiệp THPT thành phố Đà Nẵng triển khai bài bản, chặt chẽ, khoa học và sẵn sàng cho chấm thi an toàn. Thể hiện qua việc phân công nhân sự rõ vai rõ việc, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh an toàn, đặc biệt có thêm lực lượng phòng cháy chữa cháy tại điểm chấm thi và điểm làm phách.
Nhấn mạnh phương châm "nhận thức đúng, quyết tâm cao, giải pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm", Thứ trưởng cho rằng, nhận thức về kỳ thi là đòi hỏi minh bạch khách quan, đòi hỏi quyết tâm cao. "Làm thi rất căng thẳng, không thể nói đơn giản mà có kết quả cao. Các thầy cô đi làm thi mang theo trách nhiệm, áp lực lớn, một sai sót nhỏ có thể dẫn tới hậu quả lớn, do đó cần giúp đỡ, chỉ đạo thật kỹ. Trong mọi trường hợp có giải pháp linh hoạt", Thứ trưởng chia sẻ.
Lưu ý về một số điểm nhằm làm tốt công tác chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đầu tiên tới việc phải xác định rõ mục tiêu của kỳ thi là nghiêm túc, công bằng, chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng kết quả của học sinh. Theo Thứ trưởng, không phải chấm thi xong là hết nhiệm vụ, sức ép của các thầy cô ban chấm thi đến từ Hội đồng phúc khảo; nếu số lượng học sinh phúc khảo nhiều, số lượng điểm phải điều chỉnh lớn thì đánh giá ban chấm là chưa thành công.
Thứ trưởng đề nghị Ban chấm thi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chấm, trong đó lưu ý tới khâu kiểm tra giám sát quy trình, thống nhất điểm, quy trình chấm 2 vòng độc lập, vòng chấm thống nhất điểm. "Các thầy cô cố gắng chấm đều tay để giữa giám khảo 1 và giám khảo 2 không có độ chênh lệch. Chất lượng chấm là ở sự đều tay. Để làm được điều đó, người chấm phải thuộc đáp án, có tinh thần trách nhiệm cao, chấm nghiêm túc chặt chẽ", Thứ trưởng nói.
Tăng cường chấm kiểm tra, qua đó phát hiện vấn đề; tăng cường công tác thanh tra giám sát quy trình; chú ý cộng điểm chấm nhằm tránh cộng sai, cộng sót điểm; công tác bảo mật thông tin nội dung bài thi, điểm thi của thí sinh; không chủ quan với công tác phòng dịch… cũng là những lưu ý của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ với các ban chấm thi của Hội đồng thi tốt nghiệp THPT thành phố Đà Nẵng.
"Một hội đồng chấm được coi là thành công khi hoàn thành nhiệm vụ mà không có thầy cô vi phạm quy chế. Sẽ rất đáng tiếc nếu có các thầy cô vi phạm", nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng hy vọng Ban chấm thi Hội đồng thi thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành tốt việc chấm thi, không có giáo viên vi phạm quy chế trong khâu chấm thi.