Các tàu chở khí đốt không cập cảng, chấp nhận lênh đênh ngoài khơi châu Âu để chờ giá tăng

Chia sẻ Facebook
21/10/2022 13:56:40

Với lượng khí đốt lớn đang chờ để cập cảng, giá khí đốt ở châu Âu lại chịu áp lực đi xuống, Nhờ đó, các thương nhân bán khí đốt càng có thêm cơ hội chờ giá tăng và để tàu đứng ngoài khơi lâu hơn.

Hàng chục tàu chở khí đốt tự nhiên đang lênh đênh ngoài khơi châu Âu. Nhiều trong số những con tàu này đang chờ cập bến để dỡ hàng, trong bối cảnh châu Âu đang nỗ lực tích trữ năng lượng trước mùa đông không có khí đốt của Nga.

Theo Felix Booth - trưởng bộ phận LNG của hãng dữ liệu vận tải và năng lượng Vortexa, 35 tàu chở dầu đang dừng hoặc di chuyển chậm quanh khu vực Tây Bắc châu Âu và bán đảo Iberia. 6 trong số các tàu chở dầu cỡ đại được thả neo ở Vịnh Cadiz của Tây Ban Nha và một số khác ở eo biển Manche.

Châu Âu đang trải qua cú sốc năng lượng lớn chưa từng có kể từ những năm 1970, sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt. Trước đây, Nga cung cấp một lượng lớn khí đốt mà lục địa này sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và cả ngành điện. Mâu thuẫn với Ukraine đã “cắt đứt” dòng chảy này, khiến giá năng lượng tăng mạnh, buộc một số doanh nghiệp phải giảm sản lượng và có thể phải cắt điện luân phiên nếu nguồn cung sụt giảm quá nhiều.

Nguyên nhân khiến các tàu phải chờ ở ngoài khơi là do châu Âu có quá ít nhà ga đủ khả năng để tiếp nhận khí đốt nhập khẩu, hầu hết đều đến từ Qatar và Mỹ. Theo các chủ tàu, khối lượng khí đốt đến châu Âu tăng cao trong những tháng gần đây, khi các công ty dịch vụ tiện ích châu Âu nỗ lực tích trữ trước thời điểm mùa đông đến gần.

Ngoài việc các tàu bị tắc nghẽn ngoài khơi thì phần lớn các khu lưu trữ tại các nhà ga đã kín chỗ. Enagás SA - công ty điều hành mạng lưới truyền dẫn khí đốt của Tây Ban Nha, mới đây cho biết hoạt động nhập khẩu LNG sẽ bị chậm trễ ít nhất cho đến tháng 11 vì khối lượng khí đốt ở trong kho đang rất lớn.

Theo WSJ, việc các lô hàng khí đốt chưa thể cập cảng cũng cho thấy châu Âu phần nào thành công trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mùa đông này. Song, cơ sở hạ tầng năng lượng của châu lục này lại không đủ để đáp ứng. Hiện tại, những con tàu siêu trọng, mỗi tàu chở đủ năng lượng để sưởi ấm cho hàng triệu ngôi nhà mỗi tháng, đang trở thành những cơ sở lưu trữ khí đốt tạm thời ở ngoài khơi.

Massimo Di Odoardo - phó chủ tịch phụ trách bộ phận khí đốt của hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: “Thị trường đang bị xáo trộn.”

Khí LNG được chuyển sang thể rắn qua môi trường siêu lạnh để có thể vận chuyển trên các tàu. Tuy nhiên, các tàu này cần đưa đến các trạm đầu mối để đưa LNG sang thể khí và tiếp tục vận chuyển theo đường ống.

Ngoài Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sở hữu 1/3 năng lực tái khí hoá của châu Âu, với các trạm ở trên 6 bên cảng bao gồm Barcelona, Huelva và Gijón. Các quốc gia Tây Bắc châu Âu đang nỗ lực để xác định vị trí và kết nối các trạm đầu mối nhằm giảm bớt khó khăn. Một số quốc gia như Đức và Ý đang xây dựng các trạm mới nhưng chưa thể đi vào hoạt động trong thời gian sớm.

Đặc biệt, Vịnh Cadiz là địa điểm phù hợp để tàu chờ đợi khi các bên bán khí đốt quyết định địa điểm và thời gian dỡ hàng. Vùng biển này nằm giữa các cảng Tây Bắc châu Âu và Địa Trung Hải, cho phép họ di chuyển dễ dàng theo 1 trong 2 hướng.

Tình trạng các tàu “chất đống” ngoài khơi cũng tạo rủi ro cho châu Âu. Nếu giá đột ngột tăng ở châu Á, các thuơng nhân có thể quyết định giao khí đốt của họ đến đó.

Song, Toby Copson - trưởng bộ phận giao dịch toàn cầu của Trident LNG trụ sở tại Trung Quốc, nhận định rằng giá thị trường hiện sẽ không có xu hướng như vậy.

Ngoài ra, nhu cầu ở châu Á cũng không thay đổi. Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa nới lỏng quy định phòng dịch Covid-19.

Trong bối cảnh hiện tại, chi phí thuê tàu vận chuyển LNG đã tăng phi mã lên mức cao kỷ lục do châu Âu đổ xô tích trữ khí đốt. Ví dụ, lộ trình tàu đến châu Á và quay lại Vùng Vịnh ở Mỹ để lấy lô hàng mới sẽ có giá rất cao đối với các thương nhân không “chốt giá” từ nhiều tháng trước.

Hiện tại, các thương nhân có thể thu lời lớn khi chờ đợi để được dỡ hàng ở ngoài khơi châu Âu. Họ có thể tính giá khí đốt cao hơn nếu dỡ hàng trong những tháng tới, thay vì giao trong vài tuần tới.

Các kinh doanh này được gọi là “contango” (bù hoãn mua). Đây là trường hợp trong đó giá tương lai của một hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai cho hàng hóa đó. Ở trường hợp này, phần lớn nguyên nhân là do lượng khí đốt đang được lưu trữ với khối lượng lớn và nhu cầu vào mùa đông chưa tăng cao.

Thị trường thay đổi nhanh đến mức các thương nhân có thể kiếm tiền chỉ bằng cách chờ đợi, dù giá thuê tàu tăng vọt. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng đang đặt cược khả năng lượng tiêu thụ sẽ tăng lên, từ đó nguồn cung giảm và đẩy giá lên cao.


Tham khảo WSJ

Chia sẻ Facebook