Các tập đoàn đa quốc gia chật vật vì lệnh phong tỏa ở Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 10:00:58

Hãng cà phê Starbucks Corp, nhà sản xuất đồ thể thao Adidas AG và tập đoàn khách sạn IHG cho biết doanh thu tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể.


Các đợt phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc đang tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng cho mọi thứ từ cà phê đến đồ thể thao và khách sạn. Điều này gây sức ép đối với hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia tại nước này.


Kinh doanh khó khăn


Hãng cà phê hàng đầu thế giới Starbucks Corp, nhà sản xuất đồ thể thao Adidas AG và tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels Group IHG là một số trong những doanh nghiệp báo cáo doanh thu tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể, nguyên nhân do người tiêu dùng buộc phải ở nhà và chi tiêu “thắt lưng buộc bụng” hơn khi nền kinh tế trở nên suy yếu.


Doanh số bán lẻ sụt giảm đang gây sức ép lên các thương hiệu tiêu dùng như Starbucks. Doanh thu tại các cửa hàng của hãng ở Trung Quốc trong quý I/2022 đã giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, một phần ba trong số 5.400 cửa hàng của hãng tại nước này đã đóng cửa vào đầu tháng 5.


Giám đốc điều hành Howard Schultz của Starbucks chia sẻ: “Tình hình khiến chúng tôi gần như không thể dự báo kết quả hoạt động tại Trung Quốc trong nửa cuối năm”.


Công ty kinh doanh thức ăn nhanh Yum China Holdings Inc, hãng điều hành các chuỗi cửa hàng KFC, Pizza Hut và Taco Bell tại Trung Quốc, ghi nhận doanh số bán hàng giảm hơn 20% trong tháng 3 và tháng 4 so với cùng kỳ năm trước.


Giám đốc điều hành Remo Ruffini cho biết doanh số bán hàng của Adidas tại Trung Quốc trong quý đầu năm cũng giảm 35%, trong khi doanh thu của hãng thời trang Moncler SPA sụt giảm từ 30% đến 35% trong tháng 4 và tháng 5 so với cùng kỳ năm trước.

Khách hàng gọi cà phê bên ngoài cửa hàng Starbucks ở Bắc Kinh vì lệnh đóng cửa không phục vụ bữa tối. Ảnh: Wsj.


Công ty mỹ phẩm cao cấp Estee Lauder Cos Inc ghi nhận doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm ở mức trung bình một con số (từ 4 đến 6%) trong quý so với một năm trước mặc dù lượng mua hàng trực tuyến tăng 25%, giám đốc điều hành Fabrizio Freda của công ty chia sẻ.


Giám đốc tài chính Jean-Marc Duplaix của tập đoàn thời trang cao cấp Kering thông báo "một phần đáng kể của mạng lưới cửa hàng đã phải đóng cửa". Ông cho biết một sáng kiến marketing quan trọng được lên kế hoạch cho năm nay đã bị gián đoạn, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của hãng tại không chỉ các thành phố đang đối mặt với sự bùng phát Covid-19.


Việc du lịch nội địa bị giảm sút và du lịch quốc tế hầu như ngưng trệ tại Trung Quốc đã dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu đối với các công ty ngành khách sạn. Tập đoàn khách sạn đến từ Mỹ Hilton Worldwide Holdings Inc cho biết doanh thu tại Trung Quốc giảm 45% trong quý I/2022.


Theo công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research, tỷ lệ lấp đầy khách sạn trên toàn Trung Quốc chỉ đạt 34% vào giữa tháng 5, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến ​​thông thường.


Giám đốc tài chính Paul Edgecliffe-Johnson của tập đoàn khách sạn IHG cho biết tài chính trong 3 tháng đầu năm 2022 sẽ mạnh hơn “nếu chúng tôi không bị lực cản từ Trung Quốc”. Doanh thu trên mỗi phòng trống tại Trung Quốc của IHG đã giảm 42% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ vào giai đoạn trước Covid năm 2019.


Tác động của phong tỏa


Nhiều công ty phương Tây trước đây đã dựa vào Trung Quốc như một nguồn thu chính để tăng trưởng, tuy nhiên hiện doanh số bán hàng mạnh mẽ tại Mỹ và các quốc gia đang trở thành nguồn bù đắp cho sự sụt giảm do tiêu dùng yếu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới .


Doanh số bán lẻ của Trung Quốc vào tháng 4 vừa qua đã giảm 11,1% so với một năm trước, trong khi doanh số bán lẻ tại Mỹ vào tháng 4 đã tăng 8,2%.


Các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc suốt 2 tháng qua, với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.


Cô Sandy Guo, vừa bị thôi việc tại bộ phận dịch vụ khách hàng thuộc một ngân hàng quốc tế ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, cho biết đã không còn uống Starbucks nữa.


Cô Guo, 35 tuổi, trước đây thường tham gia các chuyến trượt tuyết nhưng hiện buộc phải giảm các chuyến du lịch khi những khoản đầu tư của cô vào thị trường chứng khoán Thượng Hải bị giảm giá.


Các thành phố lớn bao gồm Thâm Quyến và Thẩm Dương đã bị đóng cửa vào tháng 3. Theo đó Thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, cũng áp đặt lệnh phong tỏa vào tháng 4.


Việc phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải có tác động đặc biệt sâu sắc bởi tầm quan trọng của thành phố đối với nền kinh tế Trung Quốc như một trung tâm kinh doanh, với cảng lớn và là nơi sinh sống của hàng triệu người tiêu dùng giàu có hàng đầu đất nước.


Hầu hết các trung tâm mua sắm và cửa hàng tại thành phố đã đóng cửa trong gần 2 tháng, phần lớn hoạt động thương mại điện tử cũng bị gián đoạn và người tiêu dùng buộc phải ở nhà. Vào đầu tháng này, các nhà chức trách Thượng Hải cho biết sẽ bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn từ tháng 6 nếu các trường hợp nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm.

Việc phong tỏa ở Thượng Hải có tác động đặc biệt sâu sắc bởi tầm quan trọng của thành phố đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Wsj.


Triển vọng


Bất chấp dự báo doanh thu tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý kết thúc vào ngày 30/6, nhiều giám đốc điều hành vẫn tỏ ra lạc quan rằng thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm 2022.


Giám đốc tài chính Edgecliffe-Johnson của tập đoàn khách sạn IHG cho biết đã mở 5 khách sạn tại Trung Quốc trong quý kết thúc vào tháng 3 và sẵn sàng mở thêm 8 khách sạn nữa đang trong giai đoạn chờ cấp phép. Ông nhận định nhu cầu đối với khách sạn sẽ gia tăng vào cuối năm nay khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.


Tập đoàn khách sạn đối thủ Hilton cũng đang có kế hoạch tương tự là mở thêm 20% số phòng khách sạn ở Trung Quốc vào năm nay so với năm 2021. Giám đốc tài chính Kevin Jacobs của tập đoàn Hilton nhận định nhu cầu sẽ tăng cao khi chính quyền dỡ bỏ các hạn chế đối với việc di chuyển của người dân.


Phương pháp tiếp cận “Zero Covid” để ngăn chặn biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao có thể làm gia tăng sức ép kinh tế và gây bức xúc hơn nữa cho một bộ phận người dân đang phản đối các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.


Theo ước tính của công ty nghiên cứu chứng khoán Soochow Securities vào đầu tháng 5, việc thực hiện x ét nghiệm hàng loạt thường xuyên ở các thành phố lớn và phát triển tại Trung Quốc, nơi có khoảng 500 triệu dân, có thể tiêu tốn hơn 1,7 nghìn tỷ NDT (255 tỷ USD) mỗi năm tương đương khoảng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước năm 2021.


Mặc dù vậy, các nhà chức trách Trung Quốc hiện vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid nghiêm ngặt bao gồm cả biện pháp phong tỏa. Một dấu hiệu cho thấy tình hình có thể sẽ không sớm trở lại bình thường khi Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ không đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2023 vào tháng 6 năm tới do ảnh hưởng của đại dịch .


Phạm Hà Thanh (theo WSJ, NY Times)

Chia sẻ Facebook