Các sếp "Cơ hội cho ai? - Whose chance?" phản ứng thế nào khi nhân viên trẻ "bật sếp"?

Chia sẻ Facebook
28/08/2022 13:24:01

Chia sẻ quan điểm khi tuyển dụng ứng viên thuộc Gen Z (những người sinh từ 1995-2012), các Sếp Cơ Hội Cho Ai đều cởi mở cho rằng đây là thế hệ người lao động rất tiềm năng. Do đó, doanh nghiệp đừng ngại trao cho các bạn niềm tin, trao công việc và cơ hội được quyết định. Ai cũng có thể sai, sai thì sửa, đó mới là lúc họ phát huy hết khả năng trong công việc.

Chiều 25/8 vừa qua, Lễ công bố phát sóng chương trình thực tế số 1 về việc làm "Cơ hội cho ai? - Whose chance?" mùa thứ 4 đã diễn ra với sự góp mặt của các vị Sếp quyền lực gồm: Sếp Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group, Sếp Lê Đức Thuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA), Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang ELISE, Sếp Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Tập đoàn ASIM, Sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Sếp Nguyễn Trung Dũng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị & Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần DH FOODS.

Chương trình còn có sự góp mặt của các đại diện của Hội đồng Thẩm định & Tư vấn, những chuyên gia đã tham gia vào vòng Tuyển sinh công khai, góp phần vào việc sàng lọc nên những ứng viên chất lượng, cá tính cho chương trình mùa 4: Doanh nhân – Hoa hậu Ngọc Diễm, Doanh nhân Minh Beta, nhà sáng lập Beta Group, Doanh nhân Trần Ngọc Anh – Nhà sáng lập và Chủ tịch công ty cổ phần bất động sản công nghệ MGI (MGI PropTech), Doanh nhân đồng thời là chuyên gia nhân sự, ông Park Moon Hwa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BPO Mắt Bão.


Khi ứng viên Gen Z bật lại, Sếp ứng xử ra sao?

Qua buổi chia sẻ, các Sếp đã có những thảo luận thú vị về chất lượng các ứng viên mùa trước, và đặc biệt chia sẻ thêm những góc nhìn mới về các ứng viên thuộc thế hệ Gen Z. Trước câu hỏi, với thế hệ Gen Z hiện nay có nhiều bạn quá tự tin, không nhẫn nại, hay nhảy việc và thích "bật sếp", Sếp Trí không ngại ngần chia sẻ: "Tôi nghĩ đa phần các doanh nghiệp hiện tại, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, đều nhìn về khách hàng tiềm năng của mình là Gen Z hết. Để mà có được những sản phẩm, dịch vụ thu hút được Gen Z thì mình phải hiểu Gen Z. Sau đấy là mình phải có Gen Z làm việc trong công ty của mình, để các bạn có thể tư vấn, truyền năng lượng ngược lại vào công ty.

Việc phải ngồi trong văn phòng 8 tiếng/ ngày, 5 ngày/ tuần, thời nay suy nghĩ này không còn phù hợp với các bạn Gen Z nữa. Các bạn có thể làm việc trên đường, thông qua mạng xã hội, cách giao tiếp với công việc của các bạn rất khác. Đừng trách suy nghĩ của các bạn Gen Z sao không giống các Sếp. Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta đang cần những con người như thế, cần sự năng động và luồng gió mới như thế bước vào bên trong công ty. Là Sếp, mình phải hiểu được Gen Z, đừng bắt người ta phải theo mình!".

Theo Sếp Trí, sau mùa 4 thì nhiều người nhận thấy vấn đề đặt ra là các ứng viên là nếu tuyển dụng một nhân viên truyền thông trên mạng xã hội, thì các Sếp sẽ tuyển một người có bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay tuyển một người có 1 triệu lượt xem trên TikTok. Câu chuyện lựa chọn ở đây không có đúng và sai, nhưng nó là một không gian để các Sếp và ứng viên có thể tự do thảo luận, để các bạn cảm thấy thân thiện với các Sếp hơn. Đừng áp đặt các bạn phải có cái này, có cái kia.

Còn Sếp Dũng có góc nhìn hóm hỉnh hơn: "Mình nghĩ mình cũng còn là Gen Z (cười). Trong công ty, các bạn luôn nói là anh Dũng trẻ nhất, anh Dũng vui tính nhất. Công ty tôi hiện tại có những bạn sinh năm 2000, 2001. Có những bạn sinh đầu những năm 90, nhưng làm với tôi 10 năm rồi thì thời đấy các bạn cũng còn trẻ lắm. Tôi nghĩ đối với các bạn trẻ, mình nên trao cho các bạn niềm tin, trao công việc và cơ hội được quyết định. Ai cũng có thể sai, sai thì sửa, không bao giờ tôi đặt ra vấn đề là không được sai.

Sếp Nga tiết lộ rằng con trai của chị cũng là Gen Z. Mùa này là mùa thứ 4 mà Sếp Nga ngồi ghế "nóng" chương trình và trong mùa này chị đã được tiếp xúc rất nhiều với những ứng viên bằng lứa với con mình. "Đối với con trai tôi, thì tôi là người già rồi đấy. Các bạn Gen Z có lẽ hơi hơi khinh thường những người già rồi (cười lớn). Vì vậy, khi lên chương trình, các Sếp nên thể hiện bản thân nhiều một chút, để hàng triệu khán giả truyền hình, trong đó có Gen Z cũng được xem nhiều. Sau đó, các bạn sẽ không hỏi ngược lại mình, không "bật" mình nữa, giống như con trai tôi vậy", Sếp Nga hài hước.

Đi làm không hài lòng với Sếp, nghỉ việc hay tiếp tục?

Trước câu hỏi, các ứng viên tham gia chương trình nói và phản biện rất tốt, được các Sếp khen ngợi nhiều và chiêu mộ về doanh nghiệp của mình. Nhưng khi đi làm thực tế, các bạn cảm thấy không phù hợp và muốn nghỉ việc. Vậy các Sếp sẽ đối mặt với bạn ứng viên mà mình đã khen trên chương trình như thế nào?

Sếp Trí cho rằng các bạn có thể thấy việc tuyển dụng bình thường diễn ra ở các công ty, những cuộc phỏng vấn kéo dài từ 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ, sai số lên đến 60-70%. Vì trong những cuộc phỏng vấn ấy, đa phần ứng viên sẽ tìm mọi cách để phô bày tất cả những gì tốt đẹp nhất của bản thân. Thế nên, việc sau khi phỏng vấn, ứng viên được đánh giá rất tốt, nhưng khi vào làm thực tế lại không phù hợp là sai số mà bộ phận tuyển dụng của các doanh nghiệp đều nhìn nhận được.

"Còn về chương trình Cơ hội cho ai mùa này, để ứng viên đi đến vòng ghi hình, thì các bạn phải trải qua một vòng của Hội đồng Thẩm định. Các chuyên gia trong Hội đồng sẽ đánh giá và sàng lọc về nhiều yếu tố, từ năng lực, thái độ, tư duy của ứng viên. Thế nên, chương trình này tính về xác suất để có ứng viên tốt cho các Sếp là tăng hơn so với phỏng vấn thông thường. Nhưng cho dù tăng đến thế nào thì cũng không thể tăng đến 100% được. Việc một ứng viên khi phỏng vấn được đánh giá tốt nhưng khi vào làm lại không phù hợp là chuyện hết sức bình thường. Bất kỳ phương pháp tuyển dụng nào cũng có xác suất đấy", Sếp Trí đưa quan điểm.

Sếp Thuấn có chia sẻ khá cởi mở, anh cho rằng thông thường với vị trí Chủ tịch thì rất ít khi phỏng vấn nhân viên hoặc vị trí quản lý cấp thấp. Đến với mùa 4, Sếp Thuấn xác định vị trí nào còn thiếu trong doanh nghiệp, thì sẽ đưa trưởng bộ phận của vị trí ấy đi theo ghi hình cùng. Qua đó cả đọi sẽ cùng thảo luận rồi mới đưa ra quyết định.

Đối với ứ́ng viên Trung Hiếu (mùa 3), người được chốt lương hơn 47 triệu đồng/ tháng, là mức lương cao nhất mùa 3. Trước câu hỏi khi đi làm thực tế tại doanh nghiệp, anh đối mặt như thế nào khi đồng nghiệp đều biết mức lương của mình. Trung Hiếu cho biết khi chuẩn bị đi làm, anh không quan tâm lắm đến mức lương của mình như thế nào, mà chỉ quan tâm đến bản chất môi trường làm việc.

"Trong chương trình, có thể thấy là tôi đã không lựa chọn mức offer cao nhất. Mức lương chỉ là một trong những nhân tố để mình đi làm. Tôi quan trọng Sếp như thế nào, môi trường làm việc ra sao, cái ngành đấy nó có xu hướng phát triển đối với bản thân mình hay không?.

Trong lĩnh vực của chúng tôi, nếu chia sẻ với ai đó về mức lương là sẽ bị đuổi việc, vì đó là bảo mật. Nhưng riêng đối với tôi thì ngược lại, vì tham gia chương trình, nên mọi người đều biết lương cứng của tôi là bao nhiêu (cười). Nhưng tôi không quan tâm lắm. Trong cuộc đời đi làm, có lúc tôi làm lương cao hơn như này, có lúc chấp nhận thấp hơn vì một lý do gì đó.

Khi mình đi làm, thì trong doanh nghiệp không thể tránh khỏi việc có người nói ra, nói vào. Công ty tôi, nhân sự còn khá trẻ nên tỉ lệ ý kiến rất thấp. Hiện nay, có thể có người ý kiến gì tôi, nhưng tôi chưa trực tiếp nghe. Là một người quản lý, tôi nghĩ mình không nên cầu toàn, mà phải nên lắng nghe ý kiến của mọi người. Vì luôn trong tâm thế đó, nên tôi cho rằng việc có ý kiến trái chiều là hết sức bình thường", Trung Hiếu hài hước chia sẻ.

Chia sẻ Facebook