Các sân bay Âu, Mỹ khổ sở chuyện chậm trễ giữa cao điểm du lịch

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 08:40:46

Các sân bay ở Mỹ, Anh, Úc, Đức, Hà Lan, Pháp… đang khổ sở vì tình trạng ùn tắc, chậm trễ. Đang vào mùa cao điểm du lịch, nhưng các sân bay vừa thiếu nhân sự vừa gặp tình trạng nhân viên bãi công.

Người đi máy bay chờ làm thủ tục ở sân bay quốc tế John F. Kennedy tại New York, ngày 2-7 - Ảnh: REUTERS


Sân bay ùn tắc trước Quốc khánh Mỹ


Theo Đài Fox, trong ngày 2-7, có tới 1.745 chuyến bay ở Mỹ bị hoãn trong bối cảnh nhiều người dân đi nghỉ cuối tuần nhân dịp lễ Quốc khánh Mỹ. Trước đó, ngày 1-7, trên toàn quốc có 535 chuyến bị hủy.


Dự đoán có khoảng 47,9 triệu người Mỹ sẽ đi du lịch trong thời gian từ 1-7 đến 4-7, trong đó khoảng 3,55 triệu người ​​sẽ đi bằng máy bay.


Trong tuần qua, tại Mỹ, hàng ngàn chuyến bay đã bị gián đoạn dù các hãng hàng không đã cắt giảm 15% số chuyến bay được lên lịch trước. M ột số hãng hàng không đã đưa ra những khoản đền bù lớn cho bất kỳ ai sẵn sàng hủy vé. Delta Air Lines thông báo sẽ bù cho hành khách lên đến 10.000 USD để hủy vé đã đặt trước.


Khách kẹt ở sân bay châu Âu


Theo trang Express của Anh, khủng hoảng tại các sân bay trên toàn châu Âu đã khiến hành khách không thể bay đi nghỉ hoặc trở về sau kỳ nghỉ ở nước ngoài.

Các sân bay lớn ở Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha… đều báo cáo tình trạng chậm chuyến, xếp hàng dài để làm thủ tục.

Nhà ga số 3 của sân bay Copenhagen, sau khi các phi công thông báo họ sẽ đình công nếu xung đột trong công việc không được giải quyết trong ngày 2-7-2022 - Ảnh REUTERS


Theo Express, tình trạng hỗn loạn ở sân bay hiện nay có thể kéo dài đến hết mùa hè. Các hãng hàng không tiếp tục phải cắt giảm từ 5-10% chuyến bay đã lên kế hoạch. Trong khi nhu cầu đi lại của người dân tăng, tình trạng đình công và thiếu nhân sự đang làm tăng thêm áp lực cho ngành du lịch và hàng không toàn cầu.


Bồ Đào Nha

Sân bay Lisbon của Bồ Đào Nha hôm 2-7 có 65 chuyến bay bị hủy. Hành khách phải chờ đợi tại sân bay nhiều giờ mà không có nơi nghỉ ngơi hay các giải pháp thay thế.

Theo hãng hàng không quốc gia TAP, tình trạng hủy chuyến bắt nguồn từ việc một máy bay tư nhân bị nổ lốp khiến sân bay phải đóng cửa đường băng.

ANA, cơ quan quản lý sân bay của Bồ Đào Nha, cho biết đây cũng là hậu quả của vấn đề rộng hơn là "tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay ở châu Âu".

Tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến, người dân xếp hàng dài dằng dặc đã xảy ra trong nhiều tuần qua đến nay ở các sân bay lớn trên khắp nước Anh. Các sân bay như Heathrow, Gatwick, Stansted đều bị thiếu nhân viên do họ đã sa thải nhiều người trong đại dịch COVID-19.

Hành khách xếp hàng trước quầy làm thủ tục bay của Hãng hàng không Eurowings tại sân bay quốc tế Duesseldorf, Đức ngày 1-7-2022 - Ảnh: AFP

Có khoảng 20% vị trí dành cho nhân viên an ninh, nhân viên mặt đất, nhân viên tổ bay đang trống. Viện Kinh tế Đức xác định nước này đang thiếu khoảng 7.200 nhân viên mặt đất và tiếp viên hàng không.


Tình trạng thiếu nhân sự là hậu quả trực tiếp của đại dịch COVID-19. Theo báo Bild , Đức đang có kế hoạch bổ sung thêm 2.000 - 3.000 nhân viên tạm thời từ nước ngoài. Cuối tuần trước, hành khách tại các sân bay Duesseldorf và Cologne cho biết họ phải xếp hàng dài tại các cổng an ninh. Sân bay Hamburg phải vật lộn để cất giữ hành lý "mắc kẹt" của du khách.

Một loạt cuộc đình công của nhân viên an ninh, tiếp viên hàng không, nhân viên phụ trách hành lý và cả phi công ở Bỉ về vấn đề lương thấp trong khi giá sinh hoạt tăng cao đã khiến sân bay Brussels rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Sân bay Brussels đã buộc phải hủy nhiều chuyến bay. Có thể nhiều cuộc biểu tình nữa sẽ diễn ra và tiếp tục khiến hoạt động của sân bay bị gián đoạn nặng nề hơn.


Tây Ban Nha

Hành khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục của hãng Ryanair ở nhà ga số 2, sân bay El Prat ở Barcelona ngày 1-7-2022 - Ảnh: AFP

Ngày 2-7, hoạt động của hai hãng hàng không giá rẻ EasyJet và Ryanair tại Tây Ban Nha tiếp tục bị đình trệ khi đại diện tổ chức công đoàn USO của Ryanair thông báo sẽ tiếp tục đình công thêm 12 ngày nữa.

Thông báo cho biết sau 6 ngày đình công, lãnh đạo 2 hãng hàng không chưa đáp ứng yêu cầu của nhân viên và không đàm phán theo luật pháp Tây Ban Nha, buộc công đoàn phải kêu gọi kéo dài đình công.

Các thành viên phi hành đoàn của 2 hãng Ryanair và EasyJet ở Tây Ban Nha, nơi có khoảng 1.900 nhân viên, bắt đầu đình công từ ngày 24-6 để yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Riêng trong 3 ngày đầu đình công đã có hơn 200 chuyến bay đến và đi từ Tây Ban Nha bị hủy và gần 1.000 chuyến bay bị chậm khởi hành.

Hàng chục chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Charles de Gaulle ở thủ đô Paris, nơi lực lượng cứu hỏa đang tiến hành đình công từ hôm 30-6. Việc này buộc nhà chức trách phải đóng cửa một số đường băng để phòng ngừa hỏa hoạn.

Sân bay Cam Ranh hiện có công suất 6,65 triệu khách/năm, quy hoạch đến năm 2030 đạt 8 triệu khách/năm nhưng năm 2019 đã đón 10 triệu lượt khách. Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh quy hoạch sân bay Cam Ranh lên 25 triệu khách/năm.

Chia sẻ Facebook