Các quỹ quản lý tài sản lớn toàn cầu chưa tin vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đang trên đà phục hồi đều đặn suốt hai tháng qua, lấy lại được một phần những gì đã mất trong thị trường giá xuống của năm 2022. Tuy nhiên, một số quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới vẫn không tin rằng đà phục hồi gần đây sẽ kéo dài.
Các quỹ quản lý tài sản lớn toàn cầu chưa tin vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán
Mỹ và rủi ro từ Fed
S&P 500 của Phố Wall đã tăng 13% từ đáy gần nhất, Stoxx 600 của châu Âu thậm chí ghi nhận mức tăng lớn hơn. Nếu đà tăng tiếp tục cho tới cuối tháng 11/2022, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2021 thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu có hai tháng tăng điểm liên tiếp (tháng 10 và tháng 11/2022).
Thị trường cổ phiếu tại Mỹ, châu Âu tăng điểm trong quý 4/2022
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang rất cảnh giác mà chưa vội ăn mừng. Họ nhìn thấy những mối đe doạ khác từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách tăng lãi suất để giải quyết vấn đề lạm phát cao dai dẳng. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo cuộc suy thoái kinh tế sắp tới sẽ kéo giảm lợi nhuận của khối doanh nghiệp.
Wei Li, giám đốc chiến lược đầu tư tại quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock, cho biết: “Các thị trường đang kỳ vọng áp lực lạm phát, bằng một cách thần kỳ nào đó, sẽ biến mất. Giờ vấn đề chỉ còn là thời gian cho tới khi mọi người tin và hiểu rõ thông điệp của Fed cũng như thực tế kinh tế đang suy thoái”.
Nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế lạm phát thông qua tăng lãi suất là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu giảm trong năm 2022, còn động lực giúp duy trì đà phục hồi gần đây là tâm lý kỳ vọng rằng thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất đã qua. Phiên giá cổ phiếu tăng mạnh nhất là ngày 10/11, khi S&P 500 tăng 5.5% sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tăng ít hơn dự kiến của các chuyên gia kinh tế.
Việc lạm phát suy yếu đã khiến giới đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ không cần tăng lãi suất mạnh như trước, từ đó kích thích dự báo lạc quan hơn về lợi nhuận trong tương lai của khối doanh nghiệp. Biên bản họp chính sách tháng 11/2022 của Fed cũng cho thấy hầu hết quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ ủng hộ việc tăng lãi suất chậm lại sau 4 lần tăng 0,75% liên tiếp trong năm nay.
Trên các thị trường hợp đồng tương lai lãi suất, giới đầu tư đang dự báo Fed sẽ thực hiện một vài đợt giảm lãi suất sau khi đưa lãi suất lên đỉnh trong mùa xuân năm 2023. Tuy nhiên, trong biên bản cuộc họp tháng 11/2022, Fed không tiết lộ về cuộc tranh luận xung quanh việc hạ lãi suất, còn các quan chức lại nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.
Giới đầu tư kỳ vọng Fed giảm lãi suất từ sau mùa xuân 2023
Dan Gerard, chuyên gia chiến lược về đa tài sản tại State Street, dự đoán: “Thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng cho tới hết chu kỳ số liệu tiếp theo (tức là đợt báo cáo số liệu kinh tế vào giữa tháng 12) nhưng trong năm 2023, khi mọi người nhận ra rằng Fed sẽ không sớm hạ lãi suất thì thực tế về lạm phát sẽ rõ ràng hơn”.
Một số nhà đầu tư tin rằng các thị trường đang không phản ánh đủ tác động của việc chi phí đi vay tăng mạnh và tăng trưởng kinh tế suy yếu tới lợi nhuận của khối doanh nghiệp. Giới phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ tăng 5.7% trong năm 2023 bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế, theo FactSet.
Tuy nhiên, theo ông Li của BlackRock, giới phân tích, vốn là những người tập trung vào các doanh nghiệp riêng lẻ, đã phản ứng chậm hơn so với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế vĩ mô.
Châu Âu và rủi ro từ Trung Quốc
Tại châu Âu, Stoxx 600 tăng 15% từ đáy gần nhất vào cuối tháng 09/2022. Thị trường chứng khoán tại Pháp và Đức thậm chí tăng mạnh hơn.
Cũng giống như ở Mỹ, những người gần đây lo ngại về lạm phát cũng nhận được một số tin tức tích cực hơn, với giá sản xuất tại Đức giảm lần đầu tiên sau hai năm. Các chuyên gia kinh tế vẫn đang dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế, nhưng việc giá khí đốt tự nhiên giảm (sau khi lên cao kỷ lục vào tháng 08/2022) đã giúp làm dịu các dự báo.
Châu Âu cũng được cho là sẽ hưởng lợi trong bối cảnh xuất hiện tin đồn rằng Trung Quốc có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu năm 2023.
Seema Shah, giám đốc chiến lược toàn cầu tại Principal Asset Management, đã phát biểu tại một hội nghị của FT vào tháng 11/2022 rằng các công ty Đức đang cực kỳ hấp dẫn xét về định giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong tuần trước đã dấy lên những rủi ro mới. Một số thành phố ở Trung Quốc bị phong tỏa trở lại khi số ca nhiễm COVID-19 đạt mức kỷ lục, trong khi Nga đe dọa hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho Tây Âu.
“Chúng tôi đã tính toán đến rủi ro mất điện và phân phối năng lượng theo định mức, nhưng thị trường chứng khoán ở châu Âu có vẻ đã mua quá mức. Về cơ bản, bức tranh lợi nhuận vẫn rất ảm đạm. Tôi dự đoán đà tăng này sẽ không thể kéo dài”, Tim Drayson, trưởng bộ phận kinh tế tại LGIM cho biết.
Vẫn lạc quan
Trong khi nhiều nhà đầu tư thận trọng về triển vọng dài hạn, một số người tin rằng đợt phục hồi hiện tại vẫn được duy trì trong một thời gian nữa.
Andrew Slimmon, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Morgan Stanley Investment Management, cho rằng đà tăng vọt của cổ phiếu sau báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ có nghĩa là sẽ rất ít nhà đầu tư mạo hiểm bán ra trước lần công bố báo cáo lạm phát vào giữa tháng 12/2022.
Lợi nhuận của khối doanh nghiệp có thể được duy trì trong thời gian lâu hơn dự đoán của những người bi quan nhất nhờ kho tiền mặt dự phòng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như làn sóng tái cơ cấu công ty trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
“Tôi nghĩ rằng thị trường sẽ tăng cho tới cuối năm nay. Năm 2023 có thể sẽ rất giống với năm nay”, ông Slimmon nói.
Kim Dung (Theo FT)