Các quỹ phòng hộ lỗ 18 tỷ USD vì đà tăng của cổ phiếu công nghệ

Chia sẻ Facebook
02/05/2023 14:52:47

Những quỹ phòng hộ đặt cược cổ phiếu công nghệ Mỹ giảm giá đã thua lỗ 18 tỷ USD, khi Big Tech ghi nhận tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy đà phục hồi của cổ phiếu.

Các quỹ phòng hộ lỗ 18 tỷ USD vì đà tăng của cổ phiếu công nghệ

Crispin Odey và James Hanbury là hai trong số những nhà quản lý quỹ phòng hộ bị thua lỗ khi Nasdaq Composite tăng 16% trong năm nay, do họ mạnh tay đặt cược một số cổ phiếu trong đó giảm giá.

Microsoft và Meta là hai công ty vừa công bố mức thu nhập tốt hơn mong đợi, góp phần tạo nên đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ vốn chỉ tập trung vào một số gã khổng lồ công nghệ. Với mức tăng này, tổng giá trị thị trường của 5 công ty công nghệ lớn nhất tăng 1.9 ngàn tỷ USD kể từ đầu năm 2023, tương đương mức tăng 31%.

Sự đảo chiều của cổ phiếu công nghệ diễn ra sau một giai đoạn khó khăn vào năm 2022, khi lãi suất tăng khiến các công ty tăng trưởng cao phải bỏ chạy. Đồng thời gây áp lực lên các nguồn thu cốt lõi của Big Tech, như chi tiêu cho công nghệ thông tin và quảng cáo kỹ thuật số, đã đè nặng lên lĩnh vực này, khiến nhiều công ty công nghệ phải mạnh tay cắt giảm việc làm.

Peter Hillerberg, đồng sáng lập của Ortex – công ty đã tính toán ra mức tổng thiệt hại 18 tỷ USD của các quỹ phòng hộ, cho biết: “Đà phục hồi của lĩnh vực công nghệ đã gây ra tổn thất đáng kể cho những người bán khống”.

Tesla, công ty từ lâu đã gây khó khăn cho những người bán khống, lại một lần nữa khiến các nhà đầu cơ phải đau đầu trong năm nay khi giá cổ phiếu của họ tăng 33%.

Theo S&P Global Market Intelligence, các khoản bán khống, phần lớn do các quỹ phòng hộ thực hiện, chiếm 2.1% số cổ phiếu đang lưu hành của Tesla, tăng từ mức 0.87% vào đầu năm nay.

Theo tài liệu của nhà đầu tư mà Financial Times thu thập được, các vụ cá cược chống lại cổ phiếu Tesla gây ra 0.4 điểm % trong khoản lỗ quỹ châu Âu của nhà quản lý quỹ phòng hộ Crispin Odey và 2.19 điểm % với quỹ Brook Absolute Return của ông Hanbury trong quý đầu tiên của năm nay.

Với cổ phiếu của Meta Platforms, các khoản bán khống gần đây đã lên mức cao nhất, chiếm 0.6% số cổ phiếu lưu hành của công ty, tăng gần gấp đôi. Màn đặt cược chống lại cổ phiếu Meta của Odey European gây ra 0.7 điểm % trong khoản lỗ của họ.

Nhiều cổ phiếu công nghệ, kể cả những cổ phiếu có lợi nhuận ít ỏi, đều ghi nhận mức tăng rất lớn trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, bởi lãi suất cực thấp khiến dòng tiền trong tương lai của các công ty này trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư. Sau đó, lạm phát gia tăng vào năm 2022, kèm theo lãi suất tăng mạnh, đã khiến xu hướng đó bị đảo ngược.

Cho đến nay, những công ty lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất, ghi nhận mức tăng nhỏ hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư bất ngờ với đà phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu chất bán dẫn.

Với lạm phát vẫn ở mức cao, nhiều nhà quản lý từng dự đoán làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ sẽ tiếp tục trong năm nay. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn hai năm giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1987, bởi nhà đầu tư săn lùng tài sản trú ẩn an toàn và kỳ vọng vào khả năng hạ lãi suất. Những yếu tố này đẩy cổ phiếu công nghệ tăng trở lại.

“Chúng tôi ước rằng mình đã đọc bản tin hàng quý trước kỹ hơn một chút, vì kỳ vọng lạm phát ngắn hạn tiếp tục giảm đáng kể, và điều này kích thích giá các tài sản có kỳ hạn dài hơn”, ông Hanbury cho biết, đề cập đến các tài sản như cổ phiếu công nghệ.

Theo Ortex, những quỹ phòng hộ bán khống cổ phiếu bán dẫn đã thua lỗ 8 tỷ USD trong năm nay, còn các nhà đầu tư đặt cược vào doanh nghiệp lưu trữ và phần cứng công nghệ lỗ 4.6 tỷ USD. Khoản bán khống đối các ngành khác của lĩnh vực công nghệ Mỹ cũng bị thua lỗ hơn 5 tỷ USD.

Ông Hanbury, người từng kiếm được nhiều lợi nhuận vào năm ngoái từ các vị thế bán khống, nói với nhà đầu tư rằng ông đã giảm bớt các khoản bán khống của mình trước khi bắt đầu năm 2023, và hành động này đã giúp giảm bớt khoản lỗ của quỹ. Ông đã loại bỏ hoàn toàn khoản đặt cược chống lại Tesla sau những khoản thua lỗ trong năm nay.

Các nhà đầu tư khác cũng đang lạc quan hơn về công nghệ Mỹ, một dấu hiệu cho thấy tâm lý đối với lĩnh vực này đang thay đổi. Theo Bank of America, các cổ phiếu công nghệ đã ghi nhận dòng tiền đổ vào lớn nhất ba tháng vào tuần trước, trong đó, quỹ phòng hộ là những người đứng đầu.

Stephen Yiu, quản lý quỹ Blue Whale Growth, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang ủng hộ các công ty công nghệ, nhưng trên cơ sở có chọn lọc hơn. Các cổ phiếu mà chúng tôi đã bán hết trong năm ngoái, như Amazon và Google, đã phục hồi, nhưng chúng tôi tin rằng triển vọng của họ sẽ không cải thiện nhiều trong trung hạn”.

“Những gì chúng tôi vẫn nắm giữ là Microsoft, Nvidia và cổ phiếu chất bán dẫn như ASML, những công ty đã hoạt động khá tốt. Vì vậy, việc nói chúng tôi đã để lỡ cơ hội đầu tư vào cổ phiếu công nghệ là một kết luận sai lầm, nhưng chúng tôi mong đợi một hiệu quả khác biệt của họ trong vài năm tới”.

Kim Dung (Theo FT)

Chia sẻ Facebook