Các quốc gia thận trọng với chính sách tiền tệ năm 2023

Chia sẻ Facebook
02/01/2023 17:09:00

Theo chuyên gia, thay vì đi hết tốc lực với việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, các ngân hàng trung ương sẽ cần phải có kỹ năng hơn trong việc cân bằng giữa giá cả và tăng trưởng.

Các quốc gia thận trọng với chính sách tiền tệ năm 2023

Theo trưởng chiến lược gia thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại JP Morgan Asset Management - Tai Hui, đối với các ngân hàng trung ương, năm 2022 có vẻ như vẫn là một năm thuận lợi. Nhưng xét đến những gì có thể xảy ra vào năm 2023 thì nguy cơ mắc sai lầm chính sách ở các nước có thể gia tăng.

Năm 2023 bắt đầu, bối cảnh kinh tế đang trở nên phức tạp hơn và đây có thể là một phép thử thực sự đối với việc ra quyết định của các ngân hàng trung ương

Ông Tai Hui cho rằng, năm 2022 là một năm tăng trưởng mạnh và lạm phát cao đối với Hoa Kỳ và châu Âu. Làn gió phục hồi từ việc mở cửa lại nền kinh tế và kích thích tài chính, đặc biệt là ở Hoa Kỳ đã thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường việc làm và các nhu cầu khác.

Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng, giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu. Sự kết hợp của lạm phát ở cả cung và cầu đã dẫn đến mức tăng giá mạnh nhất trong hơn 40 năm. Để giải quyết vấn đề này, chính sách bắt buộc từ các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển rất đơn giản, họ tăng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu và kiềm chế áp lực lạm phát.

“Điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các tổ chức khác ở cả các thị trường phát triển và mới nổi đã thực hiện các chính sách của họ khi cần thiết.  Riêng Trung Quốc và Nhật Bản là những trường hợp ngoại lệ, do những thách thức kinh tế của Trung Quốc từ đại dịch Covid-19 và sự phục hồi tiêu dùng chậm chạp của Nhật Bản.

Năm 2023 bắt đầu, bối cảnh kinh tế đang trở nên phức tạp hơn và đây có thể là một phép thử thực sự đối với việc ra quyết định của các ngân hàng trung ương và khả năng giao tiếp với thị trường của họ”, ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia, có một số vấn đề của năm 2022 và cần đặc biệt chú ý ở năm 2023 như:

Thứ nhất, lạm phát đang giảm. Sự sụt giảm gần đây của giá lương thực và năng lượng, đặc biệt là dựa trên mức cao nhất của năm 2022, cho thấy tác động của những mặt hàng này đối với lạm phát chung sẽ yếu hơn nhiều, thậm chí có tác động tiêu cực. Tại Mỹ, đà tăng giá của các mặt hàng khác cũng đang chậm lại. Trong báo cáo lạm phát tháng 11/2022, giá các mặt hàng cốt lõi như ô tô, chăm sóc sức khỏe và thiết bị điện đã thực sự giảm.

Nhưng vẫn chưa rõ giá sẽ giảm nhanh như thế nào đối với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Cơ quan thiết lập lãi suất của Fed nhận thấy lạm phát sẽ giảm xuống 3,1% trong quý 4 năm sau, sau đó xuống 2,5% vào quý 4/2024. Các mức lạm phát trên mục tiêu này có thể buộc ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian tới và cũng lâu hơn.

Lạm phát ở Trung Quốc và phần còn lại của châu Á hiện không còn là một thách thức nữa. Điều này một phần là do các nền kinh tế này chậm hơn phương Tây từ 12-18 tháng trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch. Chính phủ của họ đã chi tiêu ít hơn để hỗ trợ nền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại đã bắt đầu ở Đông Nam Á vào đầu năm nay và có khả năng sẽ chuyển sang giai đoạn hoàn chỉnh cho phần còn lại của khu vực trong năm mới. Các nhà hoạch định chính sách châu Á sẽ cần cảnh giác về áp lực lạm phát gia tăng.

Thứ hai, trái ngược với tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng ở các thị trường phát triển, đà tăng trưởng của các nước này đang chậm lại. Hiệu ứng chậm trễ từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang xuất hiện. Xét cho cùng, không thể giảm lạm phát mà không hạ nhiệt nhu cầu.

Điều chưa biết là nền kinh tế sẽ chậm lại bao xa sau khi lãi suất tăng mạnh trong năm qua. Tại Hoa Kỳ, chi tiêu của các công ty và thị trường nhà đất đã bị thu hẹp lại và đó là nguyên nhân gây ra 11 trong số 12 cuộc suy thoái kể từ Thế chiến thứ 2 đến nay.

Hiện Anh và châu Âu có lẽ đã rơi vào suy thoái, mặc dù họ đã thành công trong việc dự trữ khí đốt tự nhiên cho những tháng mùa đông. Thách thức đối với các ngân hàng trung ương sẽ là hạ nhiệt nhu cầu đủ để giảm lạm phát, nhưng không gây ra quá nhiều thiệt hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Đối với Trung Quốc, xu hướng là giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo, do tăng trưởng yếu và nhu cầu giúp phục hồi kinh tế sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn.

Riêng Nhật Bản đang ở trong tình thế bấp bênh nhất. Lạm phát của quốc gia này đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, mặc dù không nơi nào kịch tính bằng tỷ lệ được thấy ở Mỹ và châu Âu. Lạm phát Nhật Bản đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng trước, so với 6% ở Mỹ và 6,6% ở khu vực đồng Euro. Điều này đã thuyết phục Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Song, áp lực thị trường đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản và đồng yên yếu hơn, có nghĩa là ngân hàng trung ương cần thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật để giảm bớt sự bóp méo thị trường, điều mà họ đã làm vào ngày 20/12 bằng cách mở rộng phạm vi giao dịch được phép đối với trái phiếu chính phủ 10 năm từ +/- 0,25 điểm % đến +/- 0,5 điểm %.

Diễm Ngọc


Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Chia sẻ Facebook