Các quốc gia G7 sẽ có lập trường cứng rắn hơn khi giao thương với Trung Quốc
Các Bộ trưởng Thương mại nhóm G7 tuyên bố, họ sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về thương mại.
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Ngày 15/9, sau cuộc họp hai ngày tại Cung điện Neuhardenberg ở Đông Berlin, Đức, các Bộ trưởng Thương mại nhóm G7 tuyên bố, họ sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc về thương mại. Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi này là bởi vì các quốc gia ngày càng cảnh giác trước hành vi gây hấn của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế.
Embed from Getty Images
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck tiết lộ, G7 đã đồng ý thực hiện lập trường cứng rắn hơn và phối hợp hơn đối với Trung Quốc về thương mại, bởi vì “sự ngây thơ về Trung Quốc đã chấm dứt”.
Ông cho biết, các cuộc thảo luận về Trung Quốc là “một phần trong nỗ lực để đảm bảo các tiêu chuẩn thương mại quốc tế cao” trong thương mại quốc tế và để ngăn Bắc Kinh sử dụng “sức mạnh kinh tế” của mình trong việc cưỡng ép các quốc gia khác.
Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh: “Thời mà chúng ta cho rằng ‘Thương mại, dù bất cứ chuyện gì xảy ra,’ bất kể các tiêu chuẩn xã hội và nhân đạo, là điều mà chúng ta không nên tiếp tục nữa.”
Bộ trưởng Harbeck cũng lưu ý, Đức sẽ thuyết phục EU xây dựng “một chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và phản ứng như những người châu Âu đối với các biện pháp cưỡng chế mà Trung Quốc thực hiện để bảo vệ nền kinh tế của họ.” Ông tin rằng “các quốc gia đối tác khác cũng sẽ hành động như vậy.”
Các thành viên nhóm G7 gồm Hoa Kỳ, Đức, Anh, Canada, Pháp, Ý, và Nhật Bản. Đức hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7.
Không nhân nhượng nữa
Phát biểu với tờ The Epoch Times hôm 16/9, Tiến sĩ Su Tzu-yun, Giám đốc Viện Quốc phòng và các bộ phận nghiên cứu an ninh thuộc Học viện Quốc phòng Đài Loan, nhận định , phát biểu của Bộ trưởng Harbeck dựa trên nhận thức rõ ràng của Đức về sự bành trướng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chính sách ngoại giao chiến lang của nước này nhằm cố gắng chơi lá bài nạn nhân. “Thứ hai, không còn ngây thơ nữa có nghĩa Đức sẽ từ bỏ chính sách nhân nhượng của thời [Thủ tướng] Angela Merkel.”
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thường bị cáo buộc đã thực hiện “chính sách thương mại thân thiện” đối với Trung Quốc và không có đủ cứng rắn đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi bà còn nắm quyền. Số liệu thống kê của Đức cho thấy, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong sáu năm liên tiếp.
Tiến sĩ Su lưu ý, Đức đã phụ thuộc vào Nga về năng lượng và phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại. Sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung năng lượng cho Tây Âu. Theo Tiến sĩ Su, Đức đã học được bài học này một cách khó khăn [không nên tin vào chính quyền Trung Quốc], và đã điều chỉnh rõ ràng định hướng chiến lược của mình.
Bộ trưởng Habeck cũng kêu gọi châu Âu không nên ủng hộ sáng kiến kinh tế “Một vành đai, Một con đường” của chính quyền cộng sản Trung Quốc bởi vì điều này sẽ cho phép Bắc Kinh nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược của châu Âu và gây ảnh hưởng lên chính sách thương mại của châu Âu. Ông cũng ủng hộ việc giám sát chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc vào châu Âu, đồng thời phản đối công ty nhà nước Trung Quốc COSCO Shipping mua lại cảng container “Blessed Land” của Hamburg.
Cấp thiết gắn kết nhân quyền và ngoại giao với thương mại
Sau cuộc họp tại Berlin, các bộ trưởng nhóm G7 đã tiếp tục đưa ra một tuyên bố chung. Mặc dù không nêu tên Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về “các hành vi không công bằng, chẳng hạn như tất cả các hình thức cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, hạ thấp các tiêu chuẩn môi trường và lao động để đạt được lợi thế cạnh tranh, các hành động bóp méo thị trường của các doanh nghiệp nhà nước và các khoản trợ cấp công nghiệp có hại, bao gồm các khoản trợ cấp dẫn đến dư thừa công suất.”
Tuyên bố chung của G7 cũng cam kết sẽ tiếp tục tìm cách cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới, mà Trung Quốc đã được chấp thuận là thành viên vào năm 2001.
Ông Lee Cheng-hsiu, một nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Đài Bắc nhấn mạnh với tờ The Epoch Times hôm 16/9, “trong quá khứ, họ [G7] chỉ than phiền và phản đối bằng lời nói về các hành vi bất hợp pháp của các công ty Trung Quốc, nhưng không có biện pháp đối phó thực sự nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐCSTQ ngày càng hung hăng hơn trong cộng đồng quốc tế, sử dụng lợi thế kinh tế và thương mại của mình để gây sức ép đối với các nước nhỏ hơn, bao gồm một số quốc gia cộng sản cũ ở Trung và Đông Âu. Phương Tây không thể chấp nhận điều đó thêm nữa.”
Ông Lee khuyến nghị, mặc dù không dễ dàng, nhưng các quốc gia phương Tây nên buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm bằng cách gắn kết nhân quyền và ngoại giao với thương mại. “Các quốc gia phương Tây phải giữ lập trường bảo vệ nhân quyền của mình.”
Nhật Minh (Theo The Epoch Times)
G7 kêu gọi Trung Quốc ngừng 'hành động đe dọa' xung quanh Đài Loan Các Bộ trưởng thuộc khối G7 đã ra tuyến bố chung vào ngày 3/8 để đáp lại phản ứng quân sự và ngoại giao của ĐCSTQ với Đài Loan.