Các quốc gia châu Phi đề nghị về tài trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu trước COP27

Chia sẻ Facebook
12/09/2022 06:10:39

Lãnh đạo của 20 quốc gia châu Phi đã kêu gọi các quốc gia giàu hơn duy trì những cam kết viện trợ của họ để châu lục này có thể ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.


Các Bộ trưởng châu Phi đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một thông cáo chung khi kết thúc một diễn đàn kéo dài ba ngày ở thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 9/9 và hai tháng trước, khi Ai Cập tổ chức cuộc họp trù bị cho hội nghị khí hậu COP27 quan trọng ở Sharm El-Sheikh vào tháng 11.


"Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết của họ liên quan đến khí hậu và tài chính phát triển, đồng thời thực hiện những cam kết tăng gấp đôi viện trợ thích ứng biến đổi khí hậu , đặc biệt là đối với châu Phi", 24 nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố kết thúc.


Lục địa đen chỉ phát thải khoảng 3% lượng khí thải CO 2 toàn cầu, cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon lưu ý trong tuần này, nhưng các nước châu Phi lại nằm trong số những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nhất, đặc biệt là tình trạng hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng hơn.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết, việc viện trợ tài chính là cần thiết vì "tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu và tổn thất tự nhiên đối với lục địa châu Phi".


Châu Phi không chỉ có "lượng khí thải carbon thấp" mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hồi khí nhà kính, bao gồm cả ở lưu vực Congo, nơi có rừng mưa nhiệt đới lớn thứ hai thế giới sau Amazon.

(Ảnh: The Lancet)

Thông cáo kêu gọi các nước giàu đáp ứng và mở rộng các cam kết về khí hậu, đồng thời cho rằng các nước nghèo nên phát triển kinh tế đồng thời nhận được nhiều viện trợ hơn để có thể thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Tài trợ để giúp các nước nghèo hạn chế phát thải và tăng cường khả năng phục hồi của những quốc gia này sẽ là một nội dung quan trọng tại COP27.

Mục tiêu lâu dài đối với các quốc gia phát triển là chi 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp những nước dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa được đáp ứng.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, lục địa này sẽ cần tới 1,6 nghìn tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2030 cho các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu và thích ứng với những tác động bất lợi.

Kevin Chika Urama, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Phi, cho biết, châu lục này phải đối mặt với khoảng cách tài trợ khí hậu khoảng 108 tỷ USD mỗi năm.

Hiện châu Phi phải đối mặt với 2 thách thức đáng kể. Đây là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiệt độ tăng cao, đồng thời 600 triệu cư dân vẫn chưa được sử dụng điện.

Chia sẻ Facebook