Các nước ASEAN “ghìm cương” lạm phát

Chia sẻ Facebook
30/05/2022 23:15:38

Nhiều giải pháp đã và đang được các nước ASEAN triển khai thông qua công cụ tài khóa, tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát.


Lạm phát tại một số nước Đông Nam Á (ASEAN) trong tháng 4/2022 tăng cao, với biên độ nhanh trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm, năng lượng tăng mạnh.

Tại Lào, tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất 6 năm, hay Singapore, chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức kỷ lục 11 năm.


Theo các chuyên gia, đến nay, tình trạng gia tăng lạm phát vẫn chưa khiến đà tăng trưởng của các nước ASEAN bị chệch hướng do guồng máy sản xuất đang phục hồi nhanh khi mở cửa hậu COVID-19, cũng như sự quay trở lại của du khách quốc tế.

Nhiều nước ASEAN là những nhà xuất khẩu nông sản lớn như: gạo, dầu cọ, thịt gà… nên giá thực phẩm khó có thể tăng cao như tại Mỹ hay châu Âu.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở Quezon, Philippines. (Ảnh: Xinhua)

Tuy nhiên cuộc chiến Nga - Ukraine nếu kéo dài sẽ gây áp lực rất lớn lên chi phí năng lượng tại khu vực, do hầu hết các nước đều phải nhập khẩu mặt hàng này.

"Chúng tôi dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong những tháng tới, phần lớn do các lĩnh vực liên quan năng lượng gồm vận tải, điện…. Bên cạnh đó, lạm phát dịch vụ cũng sẽ gia tăng do việc mở cửa trở lại. Mọi chi phí cùng tăng sẽ làm giảm niềm tin và sức mua của người tiêu dùng, đè nặng lên sự phục hồi của tiêu dùng tư nhân", ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, cho biết.

Để kiềm chế lạm phát, công cụ tài khóa được đa phần các nước ASEAN sử dụng. Chuyên gia Brian Lee Sun Rong lấy ví dụ, Philippines đang phân phối chuyển khoản tiền mặt vô điều kiện cho 50% hộ gia đình nghèo nhất trong thời hạn một năm. Thái Lan đã hạ giá điện trong 3 tháng cho đến tháng 8 năm nay. Indonesia và Malaysia cho đến nay vẫn duy trì trợ cấp giúp hạn chế chi phí vận tải.

Trong khi đó, sức ép từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tăng lãi suất cũng đã khiến nhiều ngân hàng trung ương tại khu vực khu vực phải "nối gót".

Ngân hàng Trung ương Malaysia hôm 11/5 đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 4 năm từ 1,75% lên 2%.

Quyết định tương tự cũng đã được Ngân hàng Trung ương Philippines thực hiện, với mức tăng 25 điểm cơ bản.

"Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, thặng dư cán cân vãng lai có thể bảo vệ các nền kinh tế mới nổi tại ASEAN nói riêng và châu Á chung khỏi áp lực thoái vốn ở giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt tiền tệ dẫn dầu bởi FED và sắp tới là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, các nước ASEAN cần linh hoạt hơn nữa, bởi công cụ tài khóa sẽ chỉ nên thực hiện tạm thời, nếu kéo dài sẽ gây thâm hụt ngân sách. Việc bình thường hóa công cụ tiền tệ cũng cần chủ động hơn bởi chính chưa ai nói trước được lạm phát sẽ ra sao", ông Brian Lee Shun Rong nhận định.

Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các nền kinh tế tại ASEAN.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ lạm phát tại khu vực Đông Nam Á được dự báo ở mức 3,7% trong năm nay.

Tại Đông Nam Á, tỷ lệ lạm phát đang lên cao tại nhiều nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và có nguy cơ thụt lùi quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Chia sẻ Facebook