Các nhà khoa học Việt chiết xuất quả bồ hòn tăng hạn dùng cho mỹ phẩm hữu cơ
Mỹ phẩm hữu cơ chiết xuất từ thiên nhiên có nhược điểm là hạn dùng ngắn, khó bảo quản.
Các nhà khoa học đã tìm ra cách tinh chế Saponin từ bồ kết và bồ hòn để diệt khuẩn, tăng hạn dùng cho sản phẩm.
Nâng cao giá trị cho bồ kết và bồ hòn
TS Lưu Xuân Cường, Viện Đào tạo và Phát triển Công nghệ Hoá dược cho biết, thị trường m ỹ phẩm đang tăng trưởng rất lớn, con người dần có xu hướng chuyển sang sử dụng các mỹ phẩm tự nhiên.
Trong các loại mỹ phẩm như dầu gội, sửa tắm có nhu cầu sử dụng rất lớn. Do vậy việc sử dụng các dược liệu, nguyên liệu tự nhiên trong các sản phẩm này sẽ có tiềm năng thương mại cao.
Việt Nam có khả năng trồng nhiều loại dược liệu, trong đó có bồ kết và bồ hòn. Đây là các cây dễ sinh sống và có thể trồng ở quy mô lớn. Việc sử dụng bồ kết và bồ hòn trong các sản phẩm dầu gội và sữa tắm đã hình thành từ rất lâu và gần đây được phổ biến nhiều. Tuy vậy, việc sử dụng dược liệu saponin thô thường làm sản phẩm không đạt yêu cầu về độ tạo bọt, đặc biệt là thời gian hỏng nhanh.
Dựa trên tình hình đó, Viện Đào tạo và Phát triển Công nghệ Hoá dược đã phát triển công nghệ tinh chế Saponin từ dịch chiết bồ kết thô và bồ hòn.
Saponin là một chất hoạt động bề mặt không ion có nguồn gốc từ tự nhiên, dễ phân hủy sinh học, có đặc tính tạo bọt giống như xà phòng khi lắc trong dung dịch nước.
Với các hoạt tính sinh học hữu ích (kháng nấm, kháng khuẩn và kháng viêm), saponin có nhiều tiềm năng để thay thế cho các chất hoạt động bề mặt tổng hợp có trong các sản phẩm tẩy rửa trên thị trường. Hiện nay, saponin đang được thương mại trên thị trường thế giới dao động từ 20 - 100 USD/kg tùy vào độ tinh khiết.
Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc sản xuất saponin trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn trích ly nguyên liệu thu được saponin thô, giai đoạn tinh chế saponin thô để thu được saponin có độ tinh khiết cao.
Trong công nghệ sản xuất saponin từ nguyên liệu trái bồ hòn, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp lên men bằng nấm men để loại mùi chua và gắt ở dịch chiết bồ hòn, làm dịch chiết trong trẻo hơn (tăng độ tinh cho mẫu dịch), có mùi thơm nhẹ dễ chịu hơn, dễ dàng sử dụng để pha chế vào dược phẩm, mỹ phẩm.
Dịch chiết bồ hòn có pH thấp (khoảng 4 – 5), ức chế sự phát triển của rất nhiều vi sinh vật nhưng lại nằm trong khoảng hoạt động của nấm men. Hàm lượng đường trong dịch bồ hòn cao (khoảng hơn 10%) ngoài ra còn có các khác là phù hợp cho hoạt động lên men của nấm men. Nấm men khá phổ biến, dễ tìm mua, dễ sử dụng và giá thành rẻ.
Có thể sản xuất quy mô công nghiệp
Quy trình tinh chế saponin trong nghiên cứu này trải qua 2 giai đoạn. Giải đoạn 1: Trích ly hoạt chất Saponin từ dịch chiết bồ kết hoặc bồ hòn. Giai đoạn 2: Tinh chế Saponin. Dịch chiết saponin thô sẽ được tinh chế bằng dung môi hữu cơ để loại bỏ tinh bột và đường tạp.
Trong giai đoạn 1, trái bồ kết hoặc bồ hòn sau khi xử lý sẽ được đem đi trích ly với dung môi bằng nước. Quá trình trích ly này có thể diễn ra từ 1 - 2 lần. Sau đó sẽ thu được dịch chiết. Dịch chiết sẽ được cô đặc lại để bắt đầu bước vào giai đoạn tinh chế.
Trong giai đoạn 2, dịch chiết thô sẽ được tinh chế để loại bỏ tinh bột hoặc đường tạp. Quá trình này thường diễn ra với dung môi hữu cơ. Bã của quá trình này sẽ được lọc ra khỏi dung dịch. Sau đó dung môi này sẽ được bay hơi để tạo dịch chiết có hàm lượng saponin cao.
Ưu điểm của quy trình công nghệ theo nhóm nghiên cứu là có khả năng sản xuất quy mô lớn. Sản phẩm saponin tinh chế có độ tinh khiết cao và ổn định, có thể ứng dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm. Điểm mạnh của công nghệ là nguồn nguyên liệu tại chỗ, giá rẻ.
Hiện ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc có nhiều trang trại trồng bồ kết với giá khoảng 90.000 - 150.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với trồng cây ăn trái, người nông dân có thể thu lợi. Quả bồ hòn cũng được người dân trồng rất nhiều mà chưa đem lại giá trị cao.
Saponin là một chất hoạt động bề mặt không ion, có nguồn gốc từ tự nhiên, dễ phân hủy sinh nhật và có đặc tính tạo bọt giống như xà phòng khi lắc trong dung dịch nước. Vì vậy, đây là hợp chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, ít độc hại, có tiềm năng thay thế cho các chất hoạt động bề mặt tổng hợp sử dụng trong các sản phẩm tẩy rửa trên thị trường.
Saponin còn là một hợp chất có hoạt tính chống nấm, kháng khuẩn, kháng viêm… nên được ứng dụng trong các sản phẩm dược, mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, chất tẩy rửa, dược liệu,…