Các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất bắn hạ vệ tinh của tỷ phú Elon Musk

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:18:16

Báo Daily Mail của Anh đưa tin các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhìn nhận hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX có thể là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh.

Ảnh minh họa - Digitnews


Trích dẫn một bài đăng trên tạp chí Công nghệ Quốc phòng Hiện đại của Trung Quốc hồi tuần trước, tờ Daily Mail cho biết các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần phát triển khả năng vô hiệu hóa vệ tinh Starlink của tập đoàn SpaceX do ông Elon Musk điều hành.

Theo đó, Trung Quốc cần tăng cường khả năng chống vệ tinh để theo dõi và phá hủy các vệ tinh Starlink quay quanh Trái đất nếu cần.

Nghiên cứu do ông Ren Yuanzhen, nhà nghiên cứu thuộc Viện Theo dõi và Viễn thông Bắc Kinh trực thuộc Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Quân Giải phóng Nhân dân, đứng đầu.

Bài báo viết: "Nên áp dụng linh hoạt các phương pháp tiêu diệt để làm cho vô hiệu hóa chức năng của vệ tinh Starlink, cũng như phá hủy hệ điều hành của chúng".

Starlink là hệ thống vệ tinh hoạt động theo kiểu chòm sao bao gồm ít nhất 2.400 vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất thấp, nhằm hỗ trợ khả năng truy cập thông tin băng thông rộng. Mặc dù mục tiêu chính của nó là cung cấp dịch vụ Internet cho các nước đang phát triển hoặc nhưng nơi truy cập không ổn định, các vệ tinh này cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự.

Starlink đã được thử nghiệm cho mục tiêu chiến đấu trong cuộc xung đột Ukraine, nơi các lực lượng vũ trang của chính phủ Kiev sử dụng nó để tấn công pháo binh và trinh sát của Moskva.

Theo nhóm của ông Ren, thông qua kết nối Starlink, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ có thể tăng cường khả năng truyền dữ liệu của họ gấp 100 lần. Điều này có thể khiến hệ thống vệ tinh của SpaceX trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.

Ông Ren Yuanzhen tin rằng Trung Quốc cần nâng cao khả năng tiêu diệt vệ tinh để có thể tấn công toàn bộ hệ thống Starlink. "Chòm sao Starlink tạo thành một hệ thống phi tập trung. Cuộc đối đầu này không phải là của các vệ tinh riêng lẻ, mà là của cả hệ thống. Điều đó đòi hỏi một số biện pháp chi phí thấp, hiệu quả cao", các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.

Mặt khác, Trung Quốc được cho sở hữu thiết bị "sát thủ" vệ tinh với cánh tay robot có thể tấn công vệ tinh của quốc gia khác.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2019 đã từng cảnh báo về các loại vũ khí chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc. Theo cộng đồng tình báo Mỹ, Moskva và Bắc Kinh có khả năng cao đã đầu tư sáng chế ra vũ khí laser nhằm gây rối loạn và phá hủy vệ tinh.

SpaceX trước đó đã ký một thỏa thuận với Lầu Năm Góc để phát triển công nghệ mới dựa trên nền tảng Starlink nhằm phát hiện và theo dõi vũ khí siêu vượt âm. Giữa tháng 1/2022, tập đoàn công nghệ vũ trụ của người giàu nhất hành tinh – Elon Musk - cũng đã giành được hợp đồng vận chuyển quân nhu và viện trợ nhân đạo trên khắp thế giới bằng cách sử dụng tên lửa đẩy.

Ngoài ra, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang có kế hoạch thay thế hệ thống vệ tinh hiện tại của cơ quan này trên quỹ đạo bằng hệ thống vệ tinh do các công ty tư nhân xây dựng.

NASA đang ngày càng muốn dựa nhiều hơn vào các công ty vũ trụ tư nhân để thúc đẩy các hoạt động của mình và muốn tăng cường các hoạt động thương mại trong các lĩnh vực từ viễn thông vũ trụ đến lĩnh vực đưa con người lên quỹ đạo.

Trong số những hợp đồng trên, dự án Kuiper của Amazon giành được hợp đồng trị giá 67 triệu USD, trong khi dự án Starlink của SpaceX nhận được hợp đồng trị giá 70 triệu USD.

Chia sẻ Facebook