Các nhà khoa học lên kế hoạch "hồi sinh" loài động vật tuyệt chủng từ năm 1936
Gần 100 năm sau khi tuyệt chủng, hổ Tasmania có thể sẽ được sống lại một lần nữa.
Với việc áp dụng những tiến bộ trong di truyền học, truy xuất DNA cổ đại và phương pháp sinh sản nhân tạo, các nhà khoa học hiện đang lên kế hoạch để hồi sinh thylacine - một loài thú ăn thịt có túi, thân sọc. Loài động vật này từng sống trong các khu rừng rậm tại Úc và đã tuyệt chủng từ năm 1936.
Andrew Pask - giáo sư tại Đại học Melbourne, người đứng đầu tổ chức Thylacine Integrated cho biết: “Chúng tôi đồng ý mạnh mẽ rằng trước hết, ta cần bảo vệ các loài động vật hiện còn tồn tại khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, tiếc là chúng ta không thấy sự suy giảm số lượng loài vật trên thế giới chậm lại. Công nghệ chúng tôi đang nghiên cứu có thể được áp dụng trong trường hợp xấu nhất, khi các loài đã bị mất đi”.
Với kích thước bằng một con chó sói, thylacine đã biến mất cách đây khoảng 2.000 năm hầu như ở khắp mọi nơi, ngoại trừ đảo Tasmania của Úc. Benjamin - con thylacine cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt đã qua đời vào năm 1936 tại Vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania.
Kế hoạch “hồi sinh” lại loài động vật này bao gồm nhiều bước phức tạp, kết hợp khoa học và công nghệ tiên tiến. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng một bộ gen hoàn chỉnh của thylacine và so sánh nó với bộ gen của dunnart – một loài thú ăn thịt có túi, họ hàng gần nhất của loài này còn tồn tại. Sau đó, các nhà khoa học sẽ lấy các tế bào sống từ dunnart và chỉnh sửa mọi điểm khác biệt trên DNA sao cho giống nhất với loài thylacine. “Về cơ bản, chúng tôi đang thiết kế lại tế bào của dunnart để trở thành tế bào hổ Tasmania” – Pask cho biết. Sau khi một tế bào được chỉnh sửa thành công, các kỹ thuật sinh sản sẽ được áp dụng để biến nó trở thành một sinh vật sống hoàn chỉnh.