Các nhà khoa học chỉ đam mê nghiên cứu chứ không có năng lực kinh doanh

Chia sẻ Facebook
23/09/2022 18:31:33

Theo GS.TS Châu Văn Minh, các nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình. Một là chuyển giao công nghệ, hai là tự mình khởi nghiệp.

Thông tin trên được GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu tại hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập” chiều 23/9.

Theo đó, GS.TS Châu Văn Minh cho biết, đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp do bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu khám phá các vấn đề mới và không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.

Nhà nước khuyến khích phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng đặc thù loại hình này có tính rủi ro cao, thường chỉ 3-5% thành công. Có doanh nghiệp không thành công nhiều lần, sau khi thất bại, các nhà khoa học khó có thể quay lại con đường nghiên cứu, vì nhiều lý do.

Trong khi đó, hiện chưa có chính sách đảm bảo cho việc sử dụng các nhà khoa học trong trường hợp triển khai doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công.

GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Ảnh: VGP).

Theo GS.TS Châu Văn Minh, các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro.

Trong khi với cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm nói riêng và của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước nói chung hiện nay khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao.

Mặt khác, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh phí, chủ động đặt hàng nhà khoa học giải quyết vấn đề cụ thể vì e ngại rủi ro và thiếu thông tin. Một số doanh nghiệp chưa tin tưởng vào công nghệ do nhà khoa học hoặc đơn vị trong nước nghiên cứu. Thay vào đó, họ chọn mua công nghệ nước ngoài.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên, theo ông Minh là do thông tin giới thiệu sản phẩm công nghệ của nhà khoa học và đơn vị trong nước tới doanh nghiệp còn hạn chế, do cơ sở dữ liệu rời rạc, chưa đồng bộ. Tổ chức trung gian làm cầu nối cho nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu về năng lực, thiếu liên kết với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Các nhà khoa học chỉ đam mê nghiên cứu chứ không có năng lực, kinh nghiệm kinh doanh.

Để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh chóng hơn vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học và tài sản trí tuệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất 5 kiến nghị.

Trong đó, các cơ quan quản lí nhà nước rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ...

Xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Có chính sách cụ thể để các nhà khoa học đã tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sau 3 đến 5 năm được quay về làm việc ở Viện/ Trường, cơ quan nghiên cứu khoa học (kể cả trong trường hợp không thành công).

Xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối Viện/Trường với doanh nghiệp, nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên mua thiết bị, công nghệ… là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước trong mua sắm công.

Tại hội nghị, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng dẫn lịch sử cho thấy người Việt Nam đủ sức tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ cung cấp cho thị trường.

Ông nhấn mạnh, nguồn cung sản phẩm khoa học công nghệ là rất lớn, nhưng việc chuyển giao công nghệ phải hiểu rộng hơn, bao gồm cả ý tưởng công nghệ và sản phẩm đi cùng công nghệ.

“Các vế cung - cầu và môi trường đều có. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển? Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy luật thì thị trường sẽ phát triển”, ông Dũng nêu vấn đề.


Ông Dũng đề nghị cần có chính sách thúc đẩy nguồn cung sản phẩm khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, tin tưởng đội ngũ khoa học công nghệ, có hình thức tôn vinh phù hợp. Dù doanh nghiệp nước ngoài có vai trò quan trọng, Việt Nam cần quan tâm phát triển doanh nghiệp trong nước, bởi họ đóng góp lớn về mọi mặt, trong đó có nguồn thu ngân sách .

Chia sẻ Facebook