Các nhà hoạt động nhân quyền: Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là vi hiến
Ông Ngô Thiệu Bình nói rằng ĐCSTQ muốn trấn áp, đàn áp ai, thì trước tiên sẽ bôi nhọ người đó, vậy nên ĐCSTQ “vu khống Pháp Luân Công”.
Tháng 7 vừa qua, nhân việc ông Từ Gia Tân – Bí thư kiêm Chủ tịch Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm, bị đưa vào danh sách những thủ phạm bức hại Pháp Luân Công được đệ trình lên chính phủ của 38 quốc gia, ông Ngô Thiệu Bình – một luật sư nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, đã bình luận về tính vi hiến của cuộc đàn áp kéo dài 23 năm này.
Ngày 20/7/2022, Minghui.org – một cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công ở bên ngoài Trung Quốc, cho biết người tập Pháp Luân Công từ 38 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm chính của cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ của họ, yêu cầu cấm những người này và gia đình họ được phép nhập cảnh, cũng như đóng băng tài sản của họ. Trong đó, ông Từ Gia Tân, Bí thư kiêm Chủ tịch Tòa án Cấp cao tỉnh Cát Lâm, là một thủ phạm mới được đưa vào danh sách.
Báo cáo chỉ ra rằng hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất của ông Từ Gia Tân là vào năm 2020, Tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm đã ban hành “Thông báo tăng cường hơn nữa việc xét xử các vụ án hình sự về tà giáo” số 226. Đây là một văn bản bất hợp pháp và vi hiến, nhằm tước bỏ quyền tố tụng của người tập Pháp Luân Công, khiến cuộc đàn áp trở nên trầm trọng hơn.
Từ năm 2020 – 2021, dựa trên công văn số 226, thẩm phán của Tòa án Đức Huệ ở thành phố Trường Xuân đã tước quyền bào chữa của 12 người tập Pháp Luân Công, tước quyền lắng nghe xét xử của người nhà họ, và tước quyền đọc hồ sơ của luật sư bào chữa. Tất cả 12 người đều bị kết án oan, với mức án từ 2-10 năm tù.
Bình luận về sự việc này, ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền người Hoa tại Hoa Kỳ, nói với tờ Epoch Times rằng “Công văn số 226 là một tài liệu phi pháp và quy định vô hiệu lực. Tài liệu này là thủ đoạn chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc”.
Công văn số 226 của Tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm là vi hiến
Ông Ngô Thiệu Bình cho rằng công văn số 226 vi phạm Hiến pháp và luật Lập pháp do chính Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng, cũng như trực tiếp vi phạm luật Luật sư và luật Thẩm phán:
“Theo luật Lập pháp, tòa án cấp cao ở cấp địa phương không có quyền xây dựng luật và quy định, cũng như không có quyền giải thích luật trong lĩnh vực tư pháp, chưa kể quy định này còn trực tiếp vi phạm luật cấp trên, nên đây là văn bản trái luật, là quy định vô hiệu lực.
Nhưng ĐCSTQ luôn nói một đằng làm một nẻo. Trong mắt ĐCSTQ, luật và quy định do chính họ xây dựng chỉ như một tờ giấy vụn. Trong cuộc sống thực tế, các văn bản thường lớn hơn luật, quan chức cấp quận không to bằng quản lý tại địa phương.”
Ông Ngô Thiệu Bình chỉ ra rằng ĐCSTQ “cai trị bằng văn bản” chứ không phải “cai trị bằng pháp quyền” . Mặc dù ĐCSTQ đã trải qua hơn 40 năm “cải cách và mở cửa” , nhưng họ chưa bao giờ thoát khỏi “sự man rợ”. “Họ là kẻ hủy diệt nền văn minh, là vật cản cho tiến bộ xã hội.”
Bình luận về việc gán nhãn “tà giáo” cho Pháp Luân Công, ông Ngô Thiệu Bình nói rằng ĐCSTQ muốn trấn áp, đàn áp và bắt giữ bất cứ ai, thì trước tiên sẽ bắt đầu bôi nhọ người đó, vậy nên ĐCSTQ “vu khống Pháp Luân Công” . Ông cũng nhắc lại khẩu hiệu của ĐCSTQ trong cuộc đàn áp này là “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, tiêu diệt thể xác”.
Ông Ngô Thiệu Bình nhấn mạnh: “Dưới sự giáo dục và tuyên truyền tẩy não của ĐCSTQ, nhiều người ở Trung Quốc không thể tiếp cận với sự thật và dễ bị ĐCSTQ lừa gạt.”
22 năm bị đàn áp: Những cống hiến ít biết của Pháp Luân Công cho nhân quyền và tự do
Luật sư nhân quyền Trung Quốc nói gì khi bào chữa cho Pháp Luân Công
Trước khi ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, không có bất kỳ điều luật hay quy định nào nói rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo”. Ngày 25/10/1999, khi Giang Trạch Dân, bấy giờ là tổng bí thư ĐCSTQ, được phóng viên của Le Figaro của Pháp phỏng vấn, ông đã tự ý gọi Pháp Luân Công là “tà giáo”.
Tờ Epoch Times đưa tin, khi bào chữa vô tội cho người tập Pháp Luân Công, ông Trương Tán Ninh, giáo sư của Trường Luật thuộc Đại học Đông Nam, một luật sư nhân quyền nổi tiếng tại Trung Quốc, đã nói:
“Việc đàn áp Pháp Luân Công hoàn toàn là quyết định nhất thời của Giang Trạch Dân. Trước khi có quyết định này, Pháp Luân Công đã tồn tại 8 năm. Trong thời gian đó, không một công dân hay đơn vị nào đến tố cáo, hoặc báo cáo về sự nguy hại của Pháp Luân Công đối với xã hội và với bản thân người tập. Điều này cho thấy Pháp Luân Công không có hại.”
“Luật pháp Trung Quốc quy định, gây nguy hại cho xã hội mới vi phạm hình sự, không gây nguy hại cho xã hội thì không vi phạm hình sự. Vì vậy, trên thực tế, việc Giang Trạch Dân tố cáo Pháp Luân Công là tà giáo là không có giá trị.”
“Giang Trạch Dân, cựu bí thư ĐCSTQ, đã công khai gọi Pháp Luân Công là một tổ chức ‘tà giáo’ trên tờ báo Le Figaro của Pháp khi ông ta đang nắm quyền. Điều này rõ ràng đang làm suy yếu việc thực thi luật pháp của quốc gia.”
Giới nhân quyền quốc tế: “ĐCSTQ dán nhãn tà giáo để đàn áp”
Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Trung Quốc năm 2017 có tên “Trận chiến vì linh hồn Trung Quốc”, tổ chức nhân quyền Freedom House cho biết: “Trong một hồ sơ nội bộ ngày 7/6 (1999), Giang Trạch Dân đã ban hành rõ ràng chỉ thị yêu cầu tiêu diệt Pháp Luân Công”. Quyết định này “không nhất quán với kết luận điều tra trước đây của cơ quan tình báo an ninh trong nước, rằng Pháp Luân Công không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào” . Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã “tìm cách mô tả Pháp Luân Công là một ‘tà giáo’ có hại cho xã hội.” Trong khi đó, “các học giả quốc tế đã nhiều lần kết luận rằng Pháp Luân Công không có đặc điểm của một tà giáo”.
Bản báo cáo của Freedom House dẫn lời David Ownby, một học giả nổi tiếng về tôn giáo, cho biết: “Ngay từ đầu, việc dán nhãn Pháp Luân Công là ‘tà giáo’ là nhằm mục đích gây hiểu lầm. Từ đó, chính quyền Trung Quốc sẽ lợi dụng luận điệu này nhằm xóa bỏ sức hút của Pháp Luân Công và ảnh hưởng từ hoạt động của những người tập bên ngoài Trung Quốc.”
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2017 rằng ĐCSTQ gán nhãn cho các nhóm tín ngưỡng như Pháp Luân Công, Kitô giáo và các nhóm khác là ‘tà giáo’ . Báo cáo giải thích thêm: “Các thành viên của các nhóm này có thể bị kết án tù chung thân”.
Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từng viết:
“Pháp Luân Công không phải là một tà giáo”.
“Lời nói dối lớn nhất của Giang Trạch Dân là ‘Pháp Luân Công là tà giáo’. Điều này gợi nhớ đến việc chính phủ Rwanda truyền bá các thông điệp chống lại người Tutsi thiểu số thông qua các kênh truyền thông của đảng, trước khi phát động cuộc diệt chủng trên toàn quốc từ tháng 4 – 6/1994.”
“Những người cách mạng Bolshevik ở Nga đã làm điều tương tự với danh sách ‘kẻ thù của đảng’ do chính họ liệt kê sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Đức Quốc xã của Hitler sau năm 1933, cũng áp dụng điều này, để chống lại các nhóm thiểu số khác nhau, đặc biệt là người Do Thái ở Đức.”
“Kể từ năm 1999, một nhóm truyền thông nhà nước do ĐCSTQ kiểm soát đã liên tục tiến hành các cuộc tuyên truyền độc hại nhắm vào Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc, khiến nhiều người dân Trung Quốc và người nước ngoài ngây thơ tiếp nhận những lời dối trá của ĐCSTQ về Pháp Luân Công và các vấn đề khác.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công tu luyện. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được phổ biến rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an Trung Quốc, trước năm 1999, số lượng người tập Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Mặc dù vậy đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Bình Minh biên tập
Phim tài liệu về Pháp Luân Công được Canada đề cử tranh giải Oscar
Mời xem video :