Các nhà đầu tư BOT lo bị phá sản

Chia sẻ Facebook
01/11/2022 07:30:44

Dự án làm xong không được thu phí, mở thêm các tuyến đường không thu phí khiến xe né trạm làm cho doanh thu chỉ đạt dưới 30% phương án tài chính… là những nguyên nhân khiến nhiều dự án BOT giao thông bị đưa vào danh sách nợ xấu.


Đó là những vấn đề của các dự án BOT giao thông đang gặp vướng mắc được các nhà đầu tư nêu ra tại cuộc tọa đàm tháo gỡ bất cập dự án PPP (đối tác công tư) hạ tầng giao thông do Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức ngày 31-10.


Theo ông Ngọ Trường Nam - tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, hợp đồng dự án BOT hầm đường bộ đèo Cả cho phép nhà đầu tư thu phí tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đầu tư theo hợp đồng BT) từ năm 2018 để hoàn vốn. Nhưng sau đó, Chính phủ căn cứ nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không cho phép thu phí tuyến La Sơn - Túy Loan.

Tuy vậy, từ năm 2018 đến nay, Nhà nước không có giải pháp bù đắp doanh thu cho dự án hầm đèo Cả khiến nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Nhà đầu tư nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tuân thủ theo hợp đồng BOT đã ký, nếu pháp luật thay đổi thì có giải pháp bù đắp dòng tiền cho dự án nhưng đến nay chưa được" - ông Nam cho biết.


Tương tự, ông Lê Minh Nghĩa - giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà - cho biết sau ba năm thu phí doanh thu dự án chỉ đạt 28% phương án tài chính. Công ty TNHH BOT Phú Hà là nhà đầu tư dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì (nay là cầu Văn Lang) .

Nguyên nhân là sau khi làm xong cầu Văn Lang, tỉnh Phú Thọ làm các tuyến đường mới không thu phí khiến xe đi qua cầu Văn Lang chỉ đạt 30% so với dự báo trong phương án tài chính. Hiện nay doanh thu dự án chưa đủ 35% tiền lãi vay ngân hàng…

"Với tình hình này, sau năm 2023 nhà đầu tư không trụ được nữa. Nếu Nhà nước mua lại dự án là phương án tốt nhất. Trường hợp Nhà nước hỗ trợ 49% giá trị quyết toán công trình (giá trị quyết toán là 1.088 tỉ đồng) thì dự án phải thu phí 42 năm với lãi suất vay ngân hàng 6%" - ông Nghĩa cho biết.


Với dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 , ông Nguyễn Văn Vinh - phó giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, cho biết do không được thu phí trên 25km quốc lộ 3 vì vướng nghị quyết 437 và phản ứng của người dân nên doanh thu của dự án hiện chỉ đạt 8,7% phương án tài chính.

Hiện doanh thu tại trạm thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đạt hơn 2 tỉ đồng/tháng trong khi phương án tài chính 16 - 17 tỉ đồng/tháng. Nhà đầu tư phải huy động tiền duy tu, bảo trì đường vì doanh thu không đủ trả nợ lãi.


Với dự án BOT quốc lộ 91 , ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, cho hay do trạm thu phí T2 phải dừng thu từ năm 2019 và địa phương đầu tư nhiều đường mới khiến xe né trạm thu phí làm doanh thu dự án chỉ còn 30%.

Do doanh thu dự án thấp nên ngân hàng đưa nợ của dự án vào nợ xấu nhóm 5 (có khả năng mất vốn, nghiêm trọng và không được vay vốn tại ngân hàng). Việc này khiến lãnh đạo công ty vay tiền cho cá nhân cũng không được ngân hàng chấp thuận…

Theo PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch VARSI, các nhà đầu tư BOT thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết với Nhà nước nhưng những chính sách ra sau thời điểm ký hợp đồng phủ quyết cam kết của hợp đồng là không hợp lý khi hợp đồng là căn cứ pháp lý cao nhất. Việc thay đổi chính sách khiến nhà đầu tư phải căng mình chịu đựng, còn Nhà nước không thực hiện cam kết hợp đồng.

Ông Chủng cho biết từ 2016 đến nay chỉ có 4 dự án PPP giao thông được hình thành, phải chuyển 5 trong 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2021 từ phương thức PPP không thành công sang đầu tư công.

Việc PPP không còn hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ do những vướng mắc về tín dụng, thể chế chưa hoàn chỉnh gây sự không bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân. Nguyên nhân chính, quan trọng là các nhà đầu tư e ngại từ các vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT thời gian qua chưa được giải quyết, gây mất niềm tin và đẩy nhà đầu tư đơn phương chống chọi dẫn tới nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Giữa tháng 10-2022, Chính phủ đã trình Quốc hội giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại 8 dự án BOT giao thông theo hướng hỗ trợ một phần chi phí và kéo dài thời gian thu phí. Chính phủ kiến nghị trường hợp đàm phán không thành công với nhà đầu tư BOT theo phương án trên, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cho phép Chính phủ sử dụng khoảng 13.115 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư các dự án, chuyển tài sản của đầu tư về sở hữu nhà nước.

Chia sẻ Facebook