Các nhà cung cấp của Apple dẫn đầu làn sóng xoay trục khỏi Trung Quốc
Làn sóng rút khỏi Trung Quốc đang gia tăng trở lại giữa các nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan (Trung Quốc) cho những công ty Mỹ vốn đang tìm kiếm cơ sở sản xuất rẻ hơn và ít rủi ro địa chính trị hơn, như Việt nam và Ấn Độ.
Các nhà cung cấp của Apple dẫn đầu làn sóng xoay trục khỏi Trung Quốc
Làn sóng dịch chuyển tái khởi động
Quanta Computer, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng hàng đầu cho sản phẩm MacBook của Apple, vừa ký một thỏa thuận trong tháng 04/2023 để xây dựng nhà máy đầu tiên ở Việt Nam, tại tỉnh Nam Định. Giám đốc Quanta C .T. Huang cho biết tại lễ ký kết tuần trước rằng: “Chúng tôi muốn khởi động nhà máy mới càng nhanh càng tốt”.
Những động thái nhằm đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc như thế này đã được các nhà sản xuất thực hiện trong nhiều năm qua. Động lực chủ yếu đến từ căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đã gia tăng vào năm 2018 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt các loại thuế quan lên hàng hoá của Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài được phê duyệt vào Việt Nam tăng đều đặn, chủ yếu đến từ các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản, lên 38 tỷ USD vào năm 2019, tăng khoảng 80% so với một thập kỷ trước. Xu hướng này dù đã bị đình trệ trong một vài năm khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, song nó đang trở lại.
Kế hoạch đầu tư vào Việt Nam của các nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan (Trung Quốc) rõ ràng phản ánh định kiến của khách hàng Mỹ đối với những gì liên quan tới Trung Quốc.
Cơ sở sản xuất tập trung của Quanta ở Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt doanh thu hơn 41 tỷ USD vào năm 2022. Nhưng vào một năm trước, khi Thượng Hải phải đóng cửa do đợt bùng phát COVID-19, họ phải đóng cửa một nhà máy 40,000 công nhân. Với việc chuỗi cung ứng bị cắt đứt, Quanta không thể tạo ra sản phẩm trụ cột là MacBook Pro, khiến việc giao hàng bị trì hoãn hơn hai tháng và làm gián đoạn các kế hoạch của Apple.
Quyết định mở rộng sang Việt Nam đánh dấu bước đột phá thực sự nhằm giảm sự phụ thuộc lâu nay vào Trung Quốc. Trong ba năm cho đến năm 2025, Quanta dự kiến tăng sản lượng ở bên ngoài Trung Quốc lên khoảng 30% tổng sản lượng, theo ước tính của TrendForce và các nguồn khác.
Số lượng dự án FDI của Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam đã tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2023. “Đặc biệt, miền bắc Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất mới cho các sản phẩm của Apple”, ông Ryotaro Hagiwara, chuyên gia nghiên cứu thực tế tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), cho biết.
Nhà lắp ráp iPhone hàng đầu, Hon Hai Precision Industry, còn được gọi là Foxconn, đang đầu tư mạnh vào tỉnh Bắc Giang. Mùa hè năm ngoái, giới truyền thông trong nước từng đưa tin về kế hoạch của Foxconn nhằm chi thêm 300 triệu USD và thuê 30,000 nhân công tại cơ sở ở Việt Nam, và vào tháng 02/2023, họ đã ký hợp đồng thuê một khu đất rộng 45 ha cho đến năm 2057. Khoảng 30% sản lượng của họ dự kiến được thực hiện bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025, các ước tính cho thấy.
Pegatron, công ty đứng thứ hai về sản lượng iPhone, đã đầu tư lớn vào thành phố Hải Phòng, và Wistron có vẻ cũng sẽ khởi động một nhà máy sản xuất máy tính cá nhân vào năm tới ở Việt Nam.
Ngoài vị trí địa lý giáp Trung Quốc giúp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn cung linh kiện, chi phí lao động thấp cũng là một yếu hấp dẫn lớn của Việt Nam. Theo JETRO, lương cơ bản hàng tháng của công nhân sản xuất trung bình ở Việt Nam là 277 USD , thấp hơn một nửa so với mức trung bình 607 USD của Trung Quốc. Dân số của Việt Nam được dự báo đạt 100 triệu người trong năm nay, điều mà ông Hagiwara cho rằng sẽ thúc đẩy về nhu cầu tiêu dùng.
Việt Nam đã xây dựng mô hình kinh doanh mua linh kiện và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh cung cấp cho Mỹ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút được các khoản đầu tư lớn từ Intel và các công ty lớn của Trung Quốc. Các nhà cung cấp có mạng lưới rộng khắp, như Foxconn, được mong đợi sẽ hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Trong khi đó, đầu tư vào Ấn Độ - quốc gia dự kiến vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối tháng này - cũng đang tăng lên.
Chủ tịch Liu Young của Foxconn đã gặp Thủ tướng Narendra Modi tại Ấn Độ vào cuối tháng 02 năm nay. Ông Liu cho biết nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ cất cánh và Đài Loan (Trung Quốc) cần nắm bắt cơ hội này.
Foxconn hiện lắp ráp iPhone 14 tại thành phố Chennai của Ấn Độ. Họ cũng đã tìm được địa điểm để xây dựng các nhà máy mới ở các bang Karnataka và Telangana.
TrendForce dự đoán đến năm 2028, 30 - 35% tổng số iPhone sẽ được sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Mia Huang cho biết sản xuất tại địa phương là điều cần thiết để khai thác nhu cầu ở Ấn Độ, bởi Delhi lâu nay áp mức thuế cao đối với điện thoại thông minh nhập khẩu.
Làn sóng dịch chuyển lan rộng
Sự thay đổi cũng đang diễn ra trong ngành sản xuất bảng mạch in, vốn là thành phần quan trọng trong máy tính và thiết bị gia dụng. Một giám đốc điều hành trong ngành điện tử Đài Loan (Trung Quốc) cho biết hoạt động sản xuất đã bắt đầu chuyển từ trung tâm hiện tại ở Vũ Hán sang Thái Lan, đồng thời dự đoán rằng Thái Lan cuối cùng sẽ vượt qua Trung Quốc về sản lượng bảng mạch in.
Trung Quốc lâu nay chiếm khoảng một nửa sản lượng bảng mạch in toàn cầu của. Nhưng chỉ trong tháng 03 và tháng 04 năm nay, các nhà cung cấp của Apple là Unimicron Technology và Compeq Manufacturing đã tuyên bố gia nhập thị trường Thái Lan.
Trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 90% vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài của các công ty Đài Loan (Trung Quốc) đều đến những nơi khác mà không phải là thị trường đại lục. Đầu tư vào Đông Nam Á và Ấn Độ tăng gần 5 lần trong năm, trong khi đầu tư vào Trung Quốc giảm khoảng 10%.
Các công ty Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu thâm nhập vào thị trường đại lục từ những năm 1990, và đóng vai trò then chốt trong việc biến đại lục thành công xưởng của thế giới. Ba thập kỷ trôi qua, Đài Loan đang đi đầu trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)