Các ngân hàng trung ương châu Á chi hàng tỷ USD ngăn đồng nội tệ thoái giá
Sau nhiều năm tích trữ một lượng lớn ngoại tệ, các ngân hàng trung ương châu Á đang dùng số tiền này để ngăn đồng nội tệ mất giá.
Theo Bloomberg, dự trữ ngoại hối Thái Lan đã giảm về 221,4 tỷ USD tính đến ngày 17/6, mức thấp nhất sau 2 năm. Số liệu hàng tháng cũng cho thấy dự trữ của Indonesia hiện thấp nhất kể từ tháng 11/2020, trong khi dự trữ tại Hàn Quốc và Ấn Độ chạm đáy hơn 1 năm. Kho dự trữ ngoại hối của Malaysia thậm chí còn chứng kiến đà giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.
“Một số quốc gia có thể đã sử dụng lượng tiền dự trữ để ổn định nội tệ. Họ biết sẽ khó đảo ngược đà suy yếu của nội tệ so với USD, nhưng vẫn làm vậy để xoa dịu tình hình”, Rajeev De Mello, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại GAMA Asset Management, Geneva nói.
Được biết, giá một số đồng tiền tệ châu Á đang ở mức thấp nhất sau nhiều năm. Peso Philippines hôm qua xuống thấp nhất kể từ năm 2005. Rupee Ấn Độ tuần trước cũng chạm mức thấp kỷ lục. Đà giảm này được dự báo có thể sẽ còn kéo dài sau động thái của FED, theo Goldman Sachs.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các ngân hàng trung ương bắt đầu tích trữ USD để bảo vệ đồng nội tệ phòng thời kỳ biến động lớn. Tuy nhiên, năm nay, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, các ngân hàng này buộc phải đảo ngược quá trình mua USD. Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia đã cam kết giảm biến động của nội tệ.
Một cuộc "Chiến tranh tiền tệ đảo ngược" theo đó nổ ra, tức các nước tìm cách nâng giá đồng nội tệ để cải thiện sức mua, bởi một đồng tiền mạnh sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa. Trong khi đó, trước đây, giới chức các nước này thường tìm cách phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng.
"Các ngân hàng trung ương châu Á có xu hướng nương theo chiều gió, sử dụng các biện pháp can thiệp ngoại hối để điều chỉnh tỷ giá hối đoái”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế châu Á tại HSBC nhận xét. "Muốn đảo ngược xu hướng, họ sẽ cần nhiều hơn nữa. Đồng USD chỉ yếu đi khi các nhà đầu tư biết rõ khi nào chu kỳ thắt chặt của FED chấm dứt".
Kể từ đầu năm đến nay, đồng USD đã tăng giá 7% sau FED quyết định nâng lãi suất chống lạm phát. Những lo ngại dai dẳng rằng chính sách này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế đã khiến đồng bạc xanh của Mỹ trở thành kênh đầu tư trú ẩn an toàn.
Ngay sau đó, một loạt các ngân hàng trung ương cũng có động thái tương tự để ngăn đồng tiền mất giá và bảo vệ sức mua người tiêu dùng. Cụ thể, ngày 16/6/2022, Thụy Sĩ, quốc gia vốn nổi tiếng với chính sách giữ giá đồng nội tệ, đã bất ngờ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tuyên bố có thể tiếp tục nâng cao lãi suất chừng nào lạm phát tại đây hạ nhiệt. Ủy ban Chính sách tiền tệ của BoE theo đó nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 1,25%, mức lãi suất chủ chốt cao nhất của Anh kể từ tháng 1/2009. Như vậy, tính từ tháng 12/2021, BoE đã tăng lãi suất 5 lần và trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế