Các ngân hàng tính toán gì khi rót hàng nghìn tỷ vào mảng chứng khoán?

Chia sẻ Facebook
04/05/2022 20:02:37

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 10 ngân hàng thương mại có công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng cấp phép cho một số TCTD tham gia thị trường chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Chứng khoán.

Hội đồng quản trị Vietcombank mới đây đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho công ty chứng khoán trực thuộc VCBS từ 1.000 tỷ lên 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện đến từ vốn góp của Vietcombank (1.035 tỷ đồng) và vốn tự có của VCBS (465 tỷ đồng).

Sau khi tăng vốn thành công, VCBS sẽ áp sát hai cái tên trong TOP 10 là ACBS (3.000 tỷ) và Chứng khoán KB (3.001 tỷ).

Động thái tăng vốn cho VCBS của VCB diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng ảnh hưởng tại các công ty chứng khoán.

Mới đây, VPBank đã đánh dấu việc trở lại mảng chứng khoán thông qua việc nhận chuyển nhượng gần 26,2 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán ASC (ASC), tương ứng 97,42% vốn điều lệ.

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ASC đã thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Đồng thời, cổ đông ASC cũng thông qua phương án chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 8.920 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng đầu thị trường. Trong đó, VPBank sẽ chi hơn 8.400 tỷ để mua vào hơn 842 triệu cổ phần của ASC.

Về phía VPBank, cổ đông ngân hàng này cũng đã thống nhất việc bổ sung vốn cho ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa lên tới 20.000 tỷ.

Tại MBS, cổ đông công ty con của MB cũng vừa thông việc chào bán 59,49 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu hơn 79,4% cổ phần, dự kiến MB sẽ rót thêm hơn 470 tỷ đồng để tăng vốn cho MBS.

Trong năm 2021, ACB đã bơm thêm cho ACBS 1.500 tỷ, nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ lên mức 3.000 tỷ đồng.

Trước đó, TPBank cũng đã "kết nạp’’ TPS vào hệ sinh thái và đưa người sang giữ các cương vị chủ chốt tại công ty này từ năm 2019. Không những vậy, TPBank cũng liên tục rót tiền trong các đợt tăng vốn ''khủng’’ vừa qua của TPS nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú đang giữ chức vụ Chủ tịch TPS.


Các lãnh đạo ngân hàng tính toán gì?

Quy định pháp luật không cho phép các tổ chức tín dụng không được trực tiếp đầu tư cổ phiếu, nhưng có thể đầu tư cổ phiếu thông qua thành lập hoặc mua lại các công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu.

Trong khi đó, sự ''bùng nổ'' của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã thúc đẩy các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc tăng cường rót vốn vào các công ty chứng khoán nhằm củng cổ tiềm lực tài chính, gia tăng lợi nhuận.

''Nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư và VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này. Chúng tôi nhận thấy cơ hội cho ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn.", Lãnh đạo VPBank cho biết tại đại hội cổ đông vừa qua.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh, thời gian tới, VPBank sẽ cơ bản mua 100% vốn tại ASCS và đưa công ty trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của VPBank, giúp ngân hàng phát triển đa dạng các dịch vụ.

"Mua công ty chứng khoán là chủ trương chiến lược mà Ban lãnh đạo công ty đã quyết định đưa ra, nhằm quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Quyết định thoái vốn khỏi Chứng khoán VPS mà VPBank đưa ra 5 năm trước đây là hợp lý vào thời điểm đó, do khi đó vốn của ngân hàng không lớn, lại phải tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư", ông Vinh cho biết.

Trả lời câu hỏi nhà đầu tư tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư chiều ngày 15/3, Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cũng khẳng định ngân hàng không có ý định thoái vốn tại MBS, vì đây là hạt nhân giúp MB hoàn thiện cấu trúc tập đoàn tài chính hàng đầu.

Bên cạnh nhu cầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, việc nắm trong tay công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong hoạt động phát hành các loại giấy tờ có giá, đặc biệt trong bối cảnh đây là nhóm phát hành nhiều trái phiếu nhất.

Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, ngân hàng dẫn đầu hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2021 tổng giá trị phát hành đạt hơn 233 nghìn tỷ đồng. Về cổ phiếu, nhóm này cũng là quán quân với trên 10 tỷ cổ phần được đưa ra thị trường.

Với nhu cầu lớn như vậy, việc sở hữu một đơn vị chuyên biệt về mảng chứng khoán sẽ bổ trợ rất lớn cho các ngân hàng trong việc thu xếp và huy động nguồn vốn trong các đợt phát hành giấy tờ có giá.

Thực tế, trong hầu hết những đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu vừa qua, các ngân hàng đều sử dụng công ty chứng khoán trực thuộc làm đơn vị tư vấn và tổ chức đăng ký, lưu ký thậm chí là bảo lãnh phát hành.


Theo Quang Hưng

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook