Các ngân hàng Phố Wall sắp đạt 1.000 tỷ USD lợi nhuận
Các ngân hàng Phố Wall không chỉ gây ấn tượng bằng quy mô lợi nhuận lớn mà còn nhờ khả năng vượt qua các vụ bê bối và phát triển mạnh trở lại.
Các ngân hàng Phố Wall sắp đạt 1.000 tỷ USD lợi nhuận
Theo Bloomberg, anh Malick Diop bắt đầu làm việc tại Ngân hàng Morgan Stanley vào năm 2009, thời điểm các ngân hàng lớn đang cố gắng hoàn trả các gói cứu trợ của người đóng thuế và xoa dịu cơn thịnh nộ của công chúng. Tuy nhiên, vào 4 năm sau, sóng gió đã qua và thời kỳ phát triển quay trở lại.
Thập kỷ của các ngân hàng
“Chúng ta đã vượt qua khủng hoảng tài chính. Bây giờ là lúc để những giao dịch mới được tiến hành”, anh Diop cho biết. Trong những năm sau đó, anh đã thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng cũng đánh dấu những cột mốc mới.
Thập kỷ nghìn tỷ USD đầu tiên của 6 ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ sắp đến gần. Đây không phải là 1.000 tỷ USD tổng doanh thu mà là lợi nhuận thuần túy. 6 ngân hàng này bao gồm JPMorgan , Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này bao gồm bán cổ phiếu và trái phiếu, giao dịch các công cụ tài chính, tư vấn về tiếp quản công ty, quản lý tài sản, xử lý các khoản thanh toán và cho vay…
“Trong một thập kỷ công chúng giận dữ với ngân hàng, những quy định trở nên khắt khe hơn, các cuộc xung đột địa chính trị, đại dịch và một số biến động bất ổn trên thị trường, các ngân hàng đã có thể đối phó với tất cả những điều đó và còn kiếm được 1.000 tỷ USD ”, ông Betsy Duke, cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhận định.
Để thoát ra khỏi các cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhiều ngân hàng đã phải trả giá đắt. Vào năm 2014, Bank of America đã đồng ý với khoản dàn xếp cao kỷ lục trị giá 16,7 tỷ USD để chấm dứt các cuộc điều tra về các hoạt động thế chấp kém chất lượng, vượt qua mức 13 tỷ USD của JPMorgan .
Các nhân viên của Wells Fargo, dưới áp lực phải đáp ứng các chỉ tiêu công việc, đã thiết lập hàng triệu tài khoản ảo. Vụ bê bối này đã ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động kinh doanh của công ty.
Tại Malaysia, Ngân hàng Goldman Sachs đã hoàn thành việc huy động hàng tỷ đôla Mỹ vào năm 2013 cho một quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước có tên 1MDB. Sau đó, quỹ này đã bị chiếm dụng bởi một nhóm bao gồm cả cựu thủ tướng.
Sự trợ giúp từ chính sách thuế
Năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh miễn giảm thuế cho nhiều doanh nghiệp và một bộ phận người dân Mỹ, trong đó đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người giàu.
Năm đó đánh dấu một bước phát triển mới của Phố Wall. Các ngân hàng từng kiếm được ít hơn 70 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, con số này đã được nâng lên thành 120 tỷ USD nhờ việc chính phủ cắt giảm thuế, tăng lãi suất, các hoạt động giao dịch của ngân hàng cũng vì thế mà gia tăng.
Các ngân hàng có thể được coi là người luôn luôn chiến thắng vì vai trò của họ trong nền kinh tế. Họ là những người trung gian khi vừa đi vay và cho người khác vay. Ông Rodgin Cohen, Chủ tịch cấp cao của Sullivan & Cromwell |
"Các ngân hàng có thể được coi là người luôn chiến thắng vì vai trò của họ trong nền kinh tế. Họ là những người trung gian khi vừa đi vay và cho người khác vay”, ông Rodgin Cohen, Chủ tịch cấp cao của Sullivan & Cromwell, nói.
Việc kiểm đếm lợi nhuận trong 10 năm qua đã làm lu mờ “bóng ma” lạm phát và các vụ sáp nhập ngân hàng lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.
Tuy nhiên, những công ty khổng lồ khác, đặc biệt là ở Thung lũng Silicon, đã làm quá tốt để Phố Wall không thể khẳng định sự độc quyền về thành công. Chỉ riêng Apple, công ty này đã kiếm được hơn nửa nghìn tỷ USD .
Các ngân hàng sẽ dùng lợi nhuận để đầu tư cho sự đổi mới, đặc biệt là công nghệ và các dịch vụ bao gồm điểm thưởng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã bổ sung thêm hơn 200 tỷ USD vào quỹ dự trữ vốn để khiến những cuộc khủng hoảng như năm 2008 ít có khả năng lặp lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng đầu tư tại Mỹ sẽ không thể tồn tại qua năm 2008 nếu không có những chính sách hỗ trợ về thuế. Bên cạnh đó, sự can thiệp của chính phủ đã thúc đẩy nền kinh tế đi lên trong thời kỳ đại dịch, mang lại những khoản lợi nhuận kỷ lục cho ngành ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngân hàng đã tập trung vào một nhóm khách hàng hẹp hơn. Họ đã chậm cập nhật các đợt tăng lãi suất cho người gửi tiết kiệm và đánh cược rằng khách hàng sẽ không chuyển sang dùng dịch vụ của các đối thủ nhỏ hơn.
“Cuối cùng, vận may của các ngân hàng phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của khách hàng. Lợi nhuận 'khủng' của họ sẽ giảm xuống nếu nền kinh tế suy thoái”, ông Rodgin Cohen chia sẻ.
Thanh Vũ