Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bơm hơn 160 tỷ USD giải cứu ngành bất động sản

Chia sẻ Facebook
25/11/2022 11:14:41

Giới chuyên gia dự đoán các khoản hỗ trợ sẽ chưa dừng lại, có thể sẽ có thêm nhiều nhà phát triển khác được giải cứu.

Các nhà cho vay lớn nhất Trung Quốc chuẩn bị bơm hơn 162 tỷ USD tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản của nước này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với đòn bẩy trong ngành bất động sản - vốn gây ra một đợt lao dốc mạnh.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) - nhà băng lớn nhất đại lục tính theo giá trị tài sản, thông báo sẽ mở rộng hạn mức tín dụng với tổng giá trị 655 tỷ NDT (92 tỷ USD) cho 12 nhà phát triển bất động sản. Các ngân hàng nhà nước khác bao gồm Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC) trong tuần này cũng tung ra các khoản vay mới cho lĩnh vực vốn mắc nợ nhiều.

Mở rộng hoạt động cho vay lúc này là động thái quan trọng với lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc. Ngành này đóng góp hơn 1/4 sản lượng kinh tế của đại lục nhưng rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong hơn 1 năm nay, sau nhiều vụ vỡ nợ của các nhà phát triển sử dụng quá nhiều đòn bẩy, bao gồm Evergrande và nhiều công ty cùng ngành.

Tháng 9 năm ngoái, một cuộc khủng hoảng đòn bẩy đã diễn ra tại Evergrande - công ty với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, đã kích hoạt một đợt lao dốc trên quy mô lớn trong ngành bất động sản. Sau đó, doanh số bán đất và nhà ở đã sụt giảm mạnh trên cả Trung Quốc. Tháng trước, số liệu mới công bố cho thấy doanh số của ngành tiếp tục đi xuống.

Quy định về hạn mức tín dụng mới của chính phủ Trung Quốc chủ yếu nhắm vào các nhà phát triển được coi là ổn định và tránh được những điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng vừa qua. Nhóm này bao gồm: Vanke, Gemdale, Greenland Holdings và Country Garden, đây là những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc tính theo doanh số.

Cho đến thời điểm này, Bắc Kinh đã ngừng cấp những khoản vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản. Thay vào đó, giới chức tập trung vào việc hoàn thành hàng nghìn dự án khu dân cư đã gặp gián đoạn do cuộc khủng hoảng.

ICBC cho biết các khoản vay của ngân hàng này sẽ hỗ trợ “phát triển dự án” và các giao dịch M&A. Ngân hàng cũng phát tín hiệu rằng khoản vốn hỗ trợ có thể được dùng để “hợp nhất” các tài sản trên bảng cân đối kế toán của các nhà phát triển khác cũng đang gặp khó khăn.

Khoản vay này của các ngân hàng quốc doanh được đưa ra sau gói hỗ trợ vào tuần trước, được nhiều người coi là “bước ngoặt” với lĩnh vực bất động sản. Kế hoạch cứu trợ ngành địa ốc của Trung Quốc bao gồm 16 điểm, bao gồm việc giúp nới lỏng thời gian đáo hạn nợ ngân hàng và hỗ trợ phát hành trái phiếu, đã được PBOC công bố chi tiết vào ngày 23/11.

Yan Yuejin - giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house tại Thượng Hải, nhận định sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng nhà nước sẽ giúp vực dậy niềm tin của một lĩnh vực đang gặp khó khăn về thanh khoản. Yan cho biết: “Đến nay, động thái hỗ trợ vẫn đang nghiêng về các công ty ổn định về tài chính”. Tuy nhiên, ông dự đoán có thể sẽ có thêm các nhà phát triển khác nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cuối tháng 11 đến tháng 12, có khả năng là nhóm từ top 20 đến 70 theo doanh số.

Zhang Yu và Li Hao - chuyên gia đến từ ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation (CICC), cho hay: “Chúng tôi dự đoán các chỉ báo cơ bản của ngành bất động sản vào năm 2023 về tổng thể sẽ ổn định. Sang đến năm sau, doanh số bán nhà trên toàn quốc có thể tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi hoạt động đầu tư bất động sản có thể hồi phục với tốc độ chậm hơn tăng trưởng doanh số, và có thể không thay đổi hoặc giảm nhẹ so với năm trước.”


Tham khảo FT

Chia sẻ Facebook