Các ngân hàng còn có thể cho vay bao nhiêu từ nay đến cuối năm?
Tính đến ngày 25/10, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5% so với cuối năm ngoái.
Thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, dư địa còn lại từ này đến cuối năm chỉ còn khoảng 2,5%, tương đương quy mô tín dụng 261.000 tỷ đồng. Con số này ít hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm trước.
Hạn mức tăng trưởng còn lại khá hạn hẹp trong bối cảnh NHNN vẫn kiên định với mục tiêu 14% cho cả năm 2022 khi áp lực lạm phát và cuộc lãi suất huy động vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt.
Kể từ đầu năm đến nay, Nhà điều hành đã có hai đợt nới thêm room tín dụng cho một số ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trong đợt mới nhất vào đầu tháng 10, VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Theo tính toán của Chứng khoán VnDirect, sau đợt điều chỉnh này, có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, sau đợt điều chỉnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng trong danh sách theo dõi của nhóm phân tích (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.
Nguồn: VnDirect
Trước đó, trong đợt nới room vào đầu tháng 9, đã có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo VnDirect, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, HDBank, VIB, Agribank...
"Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường", báo cáo của Vndirect cho biết.
Phát biểu trong buổi họp báo ngày hôm nay, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020-2021. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước
Theo ông Hà, tăng trưởng kinh tế của trong 9 tháng đã sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khác mọi năm là huy động vốn năm nay tăng trưởng chậm và hiện nay mới đạt khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24/10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và thứ hai là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo ông Hà, điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và thứ hai là có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, động thái trên cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được. Tất cả các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo.
''Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sau rộng kinh tế quốc tế'', ông Hà nhấn mạnh.