Các nền kinh tế châu Á có xác suất suy thoái ra sao?
Theo Bloomberg, rủi ro suy thoái gia tăng tại một số nền kinh tế châu Á, vốn trước đó nâng lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát.
Rủi so suy thoái tại một số nền kinh tế châu Á tăng lên trong bối cảnh lạm phát cao buộc nhiều ngân hàng trung ương đẩy mạnh nâng lãi suất, theo khảo sát mới nhất của Bloomberg .
Sri Lanka, quốc gia đang chìm sâu trong khủng hoảng, có tới 85% khả năng rơi vào suy thoái trong năm tới, tăng 33% so với kết quả lần khảo sát trước đó, đồng thời cao nhất trong khu vực.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg cũng nâng xác suất suy thoái đối với các nền kinh tế như New Zealand, Đài Loan, Australia và Philippines lên lần lượt 33%, 20%, 20% và 8%. Ngân hàng trung ương tại các quốc gia này trong thời gian qua đã tăng lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát.
Xác suất suy thoái tại một số nền kinh tế châu Á. Ảnh: Bloomberg.
Khả năng rơi vào suy thoái của một số nền kinh tế châu Á khác không thay đổi. Trong đó, xác suất với Trung Quốc được giữ nguyên là 20%, trong khi của Hàn Quốc và Nhật Bản là 25%.
Xác suất một cuộc suy thoái ở khu vực Đông Nam Á thấp so hơn so với mặt bằng chung khu vực. Khả năng Việt Nam và Thái Lan rơi vào suy thoái là 10%, Phillipines là 8%, Indonesia là 3%.
Ấn Độ sở hữu kết quả thấp nhất với 0%.
Các quốc gia châu Á được nhận định có sức chống chọi suy thoái tốt hơn so với châu Âu và Mỹ.
Giá năng lượng tăng cao có tác động không nhỏ tới Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới các quốc gia còn lại tại lục địa già, Steven Cochrane, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics Inc, chia sẻ.
Nhìn chung, xác suất châu Á lâm vào suy thoái dao động từ 20% đến 25%, trong khi Mỹ là khoảng 40% và châu Âu là 50-55%.
Mô hình dự báo của Bloomberg Economics cho kết quả xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 38%, dù trước đó vài tháng, rủi ro suy thoái tại Mỹ không tồn tại.
Theo Trọng Đại