Các lớp thiền định Pháp Luân Đại Pháp trực tuyến giúp mọi người thoát khỏi căng thẳng giữa đại dịch
Trong bối cảnh đại dịch virus Vũ Hán, mọi người buộc phải tự cách ly tại nhà và tìm cách áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để duy trì sức khỏe tổng thể, kiểm soát sự lo lắng của mình. Một trong số đó là môn tu luyện cổ xưa Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công.
Các tình nguyện viên của môn thực hành tâm linh này gọi việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chính là “linh đan diệu dược” có thể giúp con người vượt qua căng thẳng.
Thời gian gần đây, họ đang cung cấp các nhóm hội thảo trực tuyến miễn phí cho những ai muốn thực hành môn thiền định này.
Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cổ xưa bao gồm 5 bài tập công pháp, trong đó có thiền định. Đồng thời đọc các bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách dạy làm người tốt dựa trên các nguyên tắc Chân, Thiện, Nhẫn.
Môn tu luyện được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, đã thu hút hơn 70 triệu người chỉ riêng ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990, nhờ vào những lợi ích sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất.
Ngày nay, Pháp Luân Đại Pháp vẫn đang không ngừng phổ biến trên toàn thế giới với hơn 100 triệu người từ mọi tầng lớp xã hội luyện tập.
Tận dụng mạng xã hội trực tuyến giữa đại dịch
Kể từ năm 2017, Anne Yang cùng một nhóm những tình nguyện viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ, đã tổ chức các buổi hướng dẫn thiền định Pháp Luân Công miễn phí tại các địa điểm công cộng địa phương, cũng như trung tâm cộng đồng và thư viện công cộng.
Tuy nhiên, với sự bùng phát của virus corona chủng mới, các buổi tập này đã bị gián đoạn, buộc họ phải tìm ra cách thay thế mới, chính là tạo ra các buổi hướng dẫn trực tuyến.
Trao đổi với tờ Epoch Times qua email, cô Yang, đến từ Bắc Virginia cho biết, cô đã đăng thông tin về các buổi gặp mặt hàng tuần hoặc hàng tháng lên Eventbrite, một trang web quản lý sự kiện và bán vé có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các buổi gặp gỡ trực tiếp nay phải chuyển thành trực tuyến do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được đưa ra nhằm giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Và điều này vô tình cũng làm ngăn trở việc các học viên Pháp Luân Đại Pháp chia sẻ lợi ích sức khỏe to lớn của môn tập này cho những người muốn học.
Trên thực tế, cô Yang nhận thấy các buổi hội thảo trực tuyến như vậy không chỉ có một số người địa phương tham gia, mà cả những người từ khắp nơi trên thế giới cũng đăng ký. “Sau khi chúng tôi chuyển sang trực tuyến, cũng có những người từ các quốc gia khác tham gia, như Tây Ban Nha”, cô Yang nói.
Đồng thời tại Úc, một doanh nhân 29 tuổi tập luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2009 cũng quyết định tổ chức một lớp hướng dẫn trực tuyến bằng cách live trực tiếp trên Facebook.
Amy Duncan là một người kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chức năng và rèn luyện tư duy trực tuyến “Mind Mindset for Health”. Cô cho biết mình từng phải chịu đựng chứng lo lắng bất an cho đến khi cô bắt đầu học môn Pháp Luân Đại Pháp. Duncan cũng cho biết do COVID-19, cô không thể thực hiện các buổi hướng dẫn trực diện, vì vậy cô đã chọn cách mở các lớp hướng dẫn trực tuyến cho mọi người có điều kiện tham gia.
“Tôi muốn giúp những người có nguyện vọng học Pháp Luân Đại Pháp cũng như tôi đây, có cơ hội được thụ hưởng những lợi ích từ môn tập này”, cô Duncan nói.
Ở Ấn Độ cũng vậy, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức các buổi tập trực tuyến thông qua các ứng dụng hội nghị video sau khi cả nước có lệnh phong tỏa. Cho đến nay, họ đã thực hiện được hơn 10 buổi tập vào những ngày cuối tuần.
“Tôi phát hiện các ứng dụng hội nghị video là một cách thuận tiện để kết nối với những người có nguyện vọng học môn tập này”, cô Archana Thakeria, điều phối viên của các hoạt động Pháp Luân Đại Pháp ở Ấn Độ cho biết.
Mặc dù việc phong tỏa đã khiến mọi người không thể gặp gỡ trực tiếp, nhưng ông Thakeria phát hiện rằng, đây hóa ra lại là “trong cái rủi có cái may”. Cô cho biết việc sử dụng công nghệ cũng đã cho phép cô và các học viên Pháp Luân Đại Pháp hợp tác hiệu quả với nhau hơn dù “bất kể khoảng cách” nào.
Tổ chức các lớp thiền định trực tuyến cho người muốn tham gia
Cô Duncan đã một mình tổ chức 5 buổi học trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp. Cô đã quảng bá các buổi học trên trang Facebook cá nhân của mình và trên một nhóm Facebook có tên là “Cùng nhau Thiền định trong thời gian cách ly” – group này đã được tạo ra vào khoảng thời gian khi dịch virus bùng phát.
Việc tổ chức bất kỳ buổi hướng dẫn trực tiếp hay trực tuyến nào cũng đòi hỏi người tổ chức phải theo dõi những thắc mắc của người mới tới học. Đối với Thakeria, người chịu trách nhiệm tổ chức buổi tập luyện, cô đã nhận được sự giúp đỡ của Sumaya Hazarika, một siêu mẫu thời trang trẻ, người từng xuất hiện trong các buổi chụp hình cho các tạp chí thời trang như Harpers Bazaar và Vogue, đồng thời cô cũng là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Với đặc thù công việc luôn gặp gỡ nhiều người của mình, Hazarika cho biết cô hiểu rất rõ giai đoạn cách ly hiện tại khó khăn như thế nào khi nhiều người trong chúng ta bị mắc kẹt ở nhà một khoảng thời gian dài. Do đó, cô đã nhanh chóng tham gia hướng dẫn người mới và phát hiện rằng bản thân cô cũng được thụ ích.
“Bài tập thiền định Pháp Luân Đại Pháp thực sự là một ‘linh đan diệu dược’ để đối phó với căng thẳng và lo âu”, Hazarika nói. Nhiều người tò mò về nguồn gốc [Pháp Luân Đại Pháp] vì họ chưa từng được nghe về điều đó. Cũng có rất nhiều người trong số họ tò mò về các tư thế và nguyên lý đằng sau đó.
Ở Ấn Độ, một hội thảo đặc biệt được tổ chức cho thanh thiếu niên và trẻ nhỏ; các lớp học dành cho giới trẻ sẽ được điều chỉnh làm sao để tạo được sự thú vị cho người trẻ tham gia.
“Chúng tôi đã làm một vài điều thú vị như dạy xếp giấy origami hình hoa sen và kể các câu chuyện cổ tích về Hoa sen cho trẻ em, đồng thời dạy chúng tầm quan trọng của các giá trị đạo đức”, Thakeria cho biết, bọn trẻ rất thích các buổi hướng dẫn và một số thậm chí còn mời bố mẹ tham gia.
Shreya, một cô bé 12 tuổi đến từ Karnataka, một tiểu bang ở tây nam Ấn Độ, đã quyết định tham gia buổi hướng dẫn sau khi nghe chú của em kể về những lợi ích mà chú nhận được từ buổi tập. Kể từ khi học 5 bộ công pháp, Shreya đã thực hiện nó thường xuyên và nhận thấy nó “thật sự tốt”.
“Cháu cảm thấy tâm trí của mình điềm tĩnh và an hòa hơn”, leo Shreya nói.
Tuy nhiên, cô bé không phải là người duy nhất được hưởng lợi; phó hiệu trưởng của một trường Montessori ở Kathmandu, Nepal, cũng có trải nghiệm tương tự.
Một ngày nọ, Kalpana Lohani, 32 tuổi, tình cờ đọc được một bài liên quan đến Pháp Luân Đại Pháp trên dòng thời gian Facebook của cô. Sau đó, cô đã tò mò về môn tập này và quyết định đăng ký buổi hướng dẫn ngay lập tức.
“Tôi cảm thấy tuyệt vời và may mắn vì tôi đã biết đến môn tập này”, Lohani nói. “Hiện tại, tôi tập tất cả 5 bài tập vào mỗi sáng. Tôi cảm thấy bản thân trở nên điềm tĩnh và an hòa hơn. Tôi cũng ngủ ngon hơn”.
Trong khi đó, các buổi hướng dẫn trực tiếp của Duncan trung bình có khoảng 25 người tham dự mỗi lần, chủ yếu gồm những người mới bắt đầu học hoặc những người chưa từng nghe về Pháp Luân Đại Pháp.
Cô cho biết những người tham dự đều cảm thấy sự khác biệt. “Họ cảm thấy được năng lượng từ việc tập luyện các bài tập Pháp Luân Đại Pháp. Có một người phụ nữ trong buổi hướng dẫn từng cho biết, cô ấy cảm thấy chứng viêm khớp đã thuyên giảm”, Duncan nói.
Mặc dù các buổi trực tuyến chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn các bài tập, nhưng các tình nguyện viên cũng cung cấp thêm thông tin và nguồn tài liệu cho người tham gia để họ có thể tiếp tục học tại nhà. Trong thời gian đó, những người hướng dẫn vẫn tiếp tục theo dõi và giúp đỡ người tới tham dự sau buổi hướng dẫn.
“Sau khi tham dự các buổi hội thảo trực tuyến, một vài người tham gia muốn học các bài tập Pháp Luân Đại Pháp để thực hành thường xuyên hơn. Đối với họ, chúng tôi đã nghĩ đến việc sẽ tổ chức tập luyện trực tuyến hàng ngày”, Yuvraj Telang cho biết. Anh cũng là một tình nguyện viên được Thakeria nhờ đến để hỗ trợ việc theo dõi hướng dẫn các người tập.
Kim chỉ nam về đạo đức
Trong khi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế về lệnh cách ly xã hội, Yang và nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp khác cũng dần quay trở lại các công viên để tiếp tục tập luyện và trực tiếp hướng dẫn cho những người đang quan tâm môn tập.
Về phần Duncan, cô cũng có kế hoạch tổ chức thêm nhiều buổi học trực tuyến khác trong tương lai tùy thuộc vào tình hình đại dịch; Thakeria và nhóm tình nguyện viên của cô trước mắt cũng sẽ tiếp tục các buổi hướng dẫn trực tuyến vào cuối tuần.
Nhưng dù bất kể là các buổi hội thảo sẽ được tiến hành trực diện hay trực tuyến, những tình nguyện viên này hy vọng rằng, những người học các bài tập này sẽ có thể thu được lợi ích từ nó trong thời điểm bất ổn định này.
“Tôi đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sự tồn tại và bây giờ lại càng hiểu rõ hơn về những định hướng nào là tốt nhất cho cuộc sống của tôi”, Duncan nói, cô đã từng muốn “thay đổi thế giới,” nhưng sau đó cô nhận ra mình đã đi sai đường.
“Tôi nhận ra rằng trước khi tôi muốn thay đổi thế giới, tôi cần phải tu sửa chính mình. Và đó là điều duy nhất mà tôi phải tự chịu trách nhiệm, cũng như điều duy nhất tôi có thể kiểm soát là chính bản thân mình”, Duncan chia sẻ.
“Điều quan trọng nhất đối với tôi là phải tập trung vào hành vi và nhân cách của chính mình, tạo ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh”.
Mai Trang (Theo Epoch Times )