Các kiến trúc sư của Dubai và giấc mơ về chiếc vòng khổng lồ

Chia sẻ Facebook
23/05/2023 15:38:04

Đề xuất này mang tên Downtown Circle, kết hợp quy hoạch đô thị cộng đồng, sang trọng và viễn tưởng. Đây là một thiết kế đầy tham vọng.

Tại Dubai, công ty kiến trúc thể nghiệm ZNera Space đã đề xuất mẫu thiết kế về một cấu trúc hình vòng khổng lồ cao năm tầng vây quanh tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa. Tòa nhà này cao 829.8 mét, gấp đôi tòa tháp Empire State Building.

Kiến trúc sư trưởng của ZNera Space, Najmus Chowdry và Nils Remess, đã tưởng tượng Downtown Circle là một nét kẻ ngang trên đường chân trời đầy những tòa nhà chọc trời của Dubai.

Một đường chân trời luôn chuyển mình

Ông Chowdry và Remess đều phải công nhận rằng, mặc dù thiết kế này có thuyết phục và hiện đại tới mức nào, việc thực hiện chúng vẫn không khả quan về mặt thực tế và tài chính, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Ông Chowdry cho biết: “Nó chỉ có vai trò châm ngòi cho thảo luận. Một thứ có thể khiến mọi người nghĩ lại về phát triển đô thị, nghĩ lại về ùn tắc đô thị… Lời hứa hẹn về một thành phố bền vững”.

Ông Remess cho biết thêm: “Chúng tôi đang làm việc với một số phương diện quan trọng và đã có một cuộc thảo luận về cách mà chúng ta đang phát triển đô thị. Lý do chúng tôi chọn Burj Khalifa là vì tòa tháp này nằm trong một khu đô thị đông dân cư, và chúng tôi muốn giải quyết những vấn đề đi cùng với mật độ dân số cao tại các thành phố đông dân”.

Cấu trúc này được thiết kế với độ cao 550 mét tính từ mặt đất, chu vi hơn 3 km. Chiếc vòng này sẽ được hỗ trợ bởi 5 cột khổng lồ, xây trên các khu đất trống có thể đảm nhiệm mục đích bổ sung khác.

Downtown Circle sẽ sử dụng cả hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng hỗn hợp mặt trời - hydrogen. (Ảnh: ZNera Space)


Ông Chowdry cho biết: “Chúng tôi muốn thiết kế một khu vực tiểu khí hậu trong khu vực trung tâm thành phố Dubai và quây lấy khu vực này nhằm kiểm soát nhiệt độ, giúp khu vực dễ sống hơn trong thời tiết nắng nóng. Những chiếc cột trụ lực có thể được sử dụng làm các cấu trúc lọc khí đô thị”.

Những chiếc cột có thể được tích hợp một thiết kế lọc khói bụi được đưa ra bởi ZNera Space, từng được đề cử trong hạng mục “Dự án Thể nghiệm Tương lai” tại World Architecture Festival 2018.

Thiết kế bền vững cho tương lai

Tại Dubai, nhiệt độ thường xuyên vượt quá mức 40 độ C, và các kiến trúc sư muốn thiết kế của họ trở thành thước đo mới cho tính bền vững của khu vực này.

Ông Chowdry cho biết: “Toàn bộ phần trần sẽ được lợp các tấm năng lượng mặt trời. Chúng tôi cũng muốn tích hợp một công nghệ mà chúng tôi đã sử dụng trong một dự án trước đây, đó là các tấm năng lượng hỗn hợp mặt trời và hydrogen”.

Công nghệ này sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển biến nước thành hydro, từ đó cung cấp điện cho hệ thống điều hòa không khí và toàn tòa nhà.

Thiết kế cũng bao gồm một hệ thống xe điện treo tại phần dưới cấu trúc vòng. (Ảnh: ZNera Space)

Thiết kế này được thảo lên theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể của Dubai về môi trường đô thị bền vững trước năm 2040.

Ý tưởng cũng đề ra một số lựa chọn về các hệ thống giao thông bao gồm một hệ thống xe điện có thể đạt tới vận tốc 100km/h và các cơ sở hạ tầng phục vụ ô tô bay.

Một thành phố “tự duy trì”

Những tham vọng kiến trúc này cũng mang theo một loạt các thử thách về mặt kỹ thuật, như xây dựng một cấu trúc đủ bền vững để chứa các tính năng bên trong, nhưng cũng đủ nhẹ để các cột chịu lực có thể giữ được.

Ông Chowdry cho biết: “Cấu trúc này thực ra khá nhẹ. Tôi mường tượng nó như một chiếc phi cơ vậy, phần ngoài, phần khung, đó là các phần của cấu trúc và bên trong thì trống rỗng”.

“Và sau đó, nó được hỗ trợ bởi những chiếc cột và cấu trúc hình vòng. Chúng tôi chọn cấu trúc hình vòng vì đây là dạng cấu trúc ổn định nhất”.

Đề xuất về Downtown Circle sẽ kết hợp các khu vực dân cư với các khu vực thương mại, doanh nghiệp và các khu vực văn hóa nhằm dựng nên một “thành phố tự duy trì bên trong một thành phố”. Ông Remess cho biết: “Nếu bạn sống trong đó, bạn có thể tới văn phòng, công viên hay về nhà chỉ sau 15 tới 20 phút đi bộ. Tại Dubai, bạn rất khó có thể làm được điều đó”.

Kiến trúc sư trưởng Najmus Chowdry và Nils Remess của ZNera Space mong rằng ý tưởng của họ sẽ khiến mọi người thảo luận về cách xây dựng các khu dân cư cho một tương lai bền vững hơn. (Ảnh: ZNera Space)

Điểm nhấn của phần nội thất của cấu trúc này là một vành đai xanh, được gọi là Skypark, kết nối cả năm tầng cấu trúc.

Ông Chowdry giải thích: “Skypark là cột sống của toàn bộ thiết kế này. Đây sẽ là khu vực không gian xanh đa chức năng cũng như là nơi để mỗi người có thể nghĩ lại về vai trò của nông nghiệp trong tương lai, nhất là tại các thành phố”.

Ông Remess cũng cho biết: “Nếu bạn nhìn qua lịch sử, nông nghiệp có trước, và sau đó chúng ta mới xây dựng thành phố. Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đã mất đi khái niệm đó. Với vành đai xanh bên trong cấu trúc này, chúng tôi muốn đưa ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực về trung tâm thành phố”.

Ý tưởng này đang thu hút nhiều sự chú ý nhưng không phải luôn luôn tích cực. Sau khi các hình ảnh minh họa được đăng tải trên trang Instagram của công ty, một số bình luận đã cho rằng thiết kế này sẽ phá vỡ hình ảnh khu vực quận trung tâm.

Ông Chowdry cho biết: “Một số bình luận trên mạng khá tiêu cực, nhưng mà như một người đã từng nói với chúng tôi, hình ảnh nào đẹp hơn: một ngón tay trống hay là một ngón tay với chiếc nhẫn trên đó? Tôi tin rằng cấu trúc này sẽ thêm vào chiều cao của Burj Khalifa”.


Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)

Chia sẻ Facebook