Các khu vui chơi đông nghịt trẻ em, sao Hà Nội vẫn 'đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường'?
Chuyên gia cho rằng không nhất thiết phải đợi tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường. Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lại khẳng định: 'Phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường'. Phụ huynh, học sinh nói gì?
Hiện đa số các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời đã được Hà Nội cho phép mở cửa trở lại.
Theo ghi nhận, những khu vui chơi dành cho trẻ tại các trung tâm thương mại, công viên, phố đi bộ... đã rất tấp nập. Đa phần phụ huynh đưa trẻ tới đây đều mong muốn con mình được thư giãn sau thời gian dài phải ở trong nhà với "bốn bức tường cùng màn hình máy tính".
Tuy nhiên, trái với cảnh tấp nập tại các khu vui chơi, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội vẫn đóng cửa im lìm "để phòng dịch". Điều này khiến phụ huynh và giới chuyên gia có nhiều tâm tư, đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế thành phố Hà Nội khẳng định dịch COVID-19 đã "qua đỉnh".
'Con muốn được tới trường'
Cùng mẹ vui chơi tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, em Ngô Thành Long (học sinh lớp 4K Trường tiểu học Khương Mai, Hà Nội) cho biết rất vui khi được ra ngoài chơi đùa thoải mái sau thời gian dài hạn chế.
"Hôm nay được ra ngoài chơi con thấy rất vui, nếu được đi học thì chắc chắn sẽ vui hơn rất nhiều. Ở nhà không có gì để làm cả, suốt ngày con chỉ ngồi bên máy tính. Tới trường được ngồi học cùng các bạn, được tham gia các hoạt động tay chân, được vận động, chứ con học online chỉ ngồi 1 chỗ nên con rất buồn", Long nói.
Em Chu Bi (lớp 3 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân) nói: "Học ở trường con vào chữ nhiều hơn, học online con khó vào chữ hơn, nên con muốn được đến trường đi học thay vì phải học online".
Phụ huynh mong ngóng
Chị Trương Thanh Hương (36 tuổi, Hà Nội) có 2 con nhỏ đang học lớp 1 và lớp 4 (đều trong độ tuổi mà Hà Nội chưa cho phép tới trường học trực tiếp) cho biết rất mong muốn các con được sớm tới trường.
"Các con tới trường học bao giờ cũng thoải mái học tập hơn, phát triển mọi mặt hơn thay vì học tại nhà. Tuy nhiên vì dịch bệnh vẫn phức tạp nên khi các con đi học, tôi vẫn mong nhà trường có các biện pháp phòng dịch bảo đảm để an toàn", chị Hương cho hay.
Chị Nguyễn Thị Tâm (34 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: "Tất nhiên tôi rất muốn cho các con tới trường học trực tiếp, đi học sẽ có mối quan hệ với các bạn và thầy cô, được hướng dẫn kỹ càng hơn. Còn ở nhà chỉ chăm chăm vào điện thoại, máy tính.
Ở tuổi các con, học online thì phải có thêm người lớn ngồi cạnh để kèm cặp, kiểm soát. Ngoài ra khi các con ngồi nhiều trước máy tính thì ảnh hưởng tới mắt, nhiều lúc các bé còn đeo tai nghe trong thời gian quá dài, lâu ngày ảnh hưởng tới thính giác, thần kinh".
Không nhất thiết phải tiêm vắc xin mới cho trẻ tới trường
Tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói: "Phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nhất nhiết phải đợi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mới cho trẻ tới trường.
Trao đổi vớ i Tuổi Trẻ Online sáng 29-3, bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết không cần đợi tiêm đủ mới cho trẻ tới trường.
"Theo tôi là không cần tiêm mới cho trẻ đi học, tiêm xong rồi trẻ cũng bị mắc COVID-19 như thường. Thực tế có thể thấy hiện nay các trẻ mắc COVID-19 đều có triệu chứng rất nhẹ, chuyện đi học không liên quan gì tới tiêm chủng cả.
Bây giờ học sinh ở nhà nhưng người lớn bị nhiễm COVID-19 thì trẻ con cũng bị lây, nên đi học với ở nhà không quyết định nhiều tới việc trẻ có bị nhiễm COVID-19 hay không. Việc cho trẻ tới trường là rất quan trọng, cần thiết. Hiện riêng ở TP.HCM, theo tôi tìm hiểu, các em học sinh đi học bị nhiễm COVID-19 thì chưa có trường hợp nào ảnh hưởng tới tính mạng, các em dương tính thì sẽ được nghỉ học ở nhà", bác sĩ Khanh nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - nói việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vắc xin mới cho trẻ đến trường.
Ông lý giải, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...
"Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ.
Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà", ông nói.
Ông Phu nói thêm, hiện ở nhiều quốc gia, đối với trẻ chưa tiêm vắc xin và không tiêm vắc xin, các nhà chức trách cũng đã cho phép và hối thúc trẻ tới trường.
"Phải tiêm được vắc xin mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói. Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh băn khoăn vì dịch giảm, trẻ vẫn ở nhà.