Các hãng vận chuyển ăn nên làm ra trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu: Từ mức phí 98 USD/ngày hiện tăng lên gần 50.000 USD

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 02:23:19

Cước vận chuyển các sản phẩm hóa dầu (clean tanker) chưa từng ở mức cao như hiện tại kể từ đầu năm 2020.

Những gián đoạn trên thị trường nhiên liệu sau khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra đã đẩy cước vận chuyển đường biển đối với các sản phẩm như dầu diesel tăng cao.

Theo dữ liệu của Baltic Exchange, chi phí vận chuyển đối với các loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel – được gọi là các sản phẩm hóa dầu, đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Trên một tuyến đường trọng điểm ở châu Á, các chủ tàu hiện kiếm được hơn 49.000 USD/ngày khi vận chuyển các sản phẩm hóa dầu từ Hàn Quốc đến trung tâm phân phối ở Singapore, trong khi trước đó là 98 USD.

Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến thị trường năng lượng càng trở nên căng thẳng hơn, gây xáo trộn cho dòng chảy thương mại và buộc người mua phải tìm kiếm khắp nơi để có được nguồn cung nhiên liệu thay thế. Theo 2 công ty thuê tàu chở dầu, giá nhiên liệu tăng cao khiến cước vận chuyển không ổn định, nguyên nhân một phần là do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm khiến một số chủ tàu phải điều động một phần của đội tàu sang vận chuyển nhiên liệu nhiều hơn dầu thô.

Cước vận chuyển của các tàu chở dầu thô và sản phẩm hóa dầu.


Cước vận chuyển các sản phẩm hóa dầu (clean tanker) chưa từng ở mức cao như hiện tại kể từ đầu năm 2020. Khi đó, tác động của đại dịch khiến lượng tiêu thụ dầu sụt giảm và buộc các nhà sản xuất nhiên liệu phải xuất khẩu càng nhiều càng tốt để giảm bớt áp lực của các kho chứa. Anoop Singh, trưởng bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại Braemar ACM Shipbroking, cho biết nhu cầu đối với các tàu sử dụng để vận chuyển nhiên liệu dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay.

Singh cho hay: "Quyết tâm của châu Âu trong việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga có thể còn kéo dài lâu hơn mâu thuẫn ở Ukraine. Điều này sẽ khiến các tuyến thương mại trở nên nhộn nhịp hơn." Nga là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất cho châu Âu trước khi quốc gia này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo Fotios Katsoulas và Krispen Atkinson - các nhà phân tích của S&P Global Commodity Insight, kể từ khi mâu thuẫn xảy ra vào cuối tháng 2, các công ty sử dụng ngày càng nhiều tàu cỡ lớn (LR) để vận chuyển các loại nhiên liệu tinh chế. Nhóm nhà phân tích cho hay, lộ trình vận chuyển dài hơn đang làm giảm sức chưa trên tàu và đẩy giá vận chuyển lên cao. Tàu chở dầu cỡ lớn là loại phổ biến nhất và được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm tinh chế và dầu thô.

Cước vận chuyển tăng đột biến cũng đang diễn ra ở cả những khu vực khác. Các chủ tàu vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông đến Nhật Bản trên tuyến đường có tên TC-5 – con đường quan trọng để vận chuyển hỗn hợp naphtha, đã kiếm được hơn 56.000 USD/ngày vào hôm 21/6, trong khi mức thấp nhất là 61 USD/ngày vào tháng 2, theo dữ liệu của Baltic Exchange. Cước vận chuyển từ Mỹ đến Brazil trên tuyến TC-18 cũng ở mức 37.000 USD/ngày, tăng cao so với 3.800 USD/ngày cách đây 4 tháng.


Tham khảo Bloomberg

Chia sẻ Facebook