Các hãng bay Việt chật vật sau dịch, nợ, lỗ khủng

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 01:16:13

Dù thị trường đã phục hồi song hoạt động kinh doanh của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air vẫn thua lỗ. Đại dịch Covid-19 đã lắng xuống nhưng rõ ràng các hãng hàng không cần có thêm thời gian để phục hồi.

Theo báo cáo tài chính bán niên của hai hãng hàng không đang niêm yết cổ phiếu là Vietnam Airlines (HVN) và Vietjet Air (VJC), vay nợ tài chính của hai hãng này đều tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.


VNA lỗ lũy kế gần 29.000 tỷ đồng


Nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ tháng 3, mức lỗ của Vietnam Airlines (mã cổ phiếu: HVN) trong 6 tháng đầu năm chỉ còn âm 4.679 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 7.648 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/6/2022, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines là khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ đồng so với thời điểm quý 1/2022.

Dù lỗ luỹ kế còn lớn, nhưng bảng thu nhập của các thành viên HĐQT và Ban điều hành lại tăng so với cùng kỳ năm ngoái tại tất cả các vị trí.

Báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2 của Vietnam Airlines cho thấy, vay và nợ thuê tài chính của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tính đến 30/6 là 29.318 tỷ đồng. Con số này đã giảm 5% so với đầu năm 2022 nhờ sự phục hồi trở lại của thị trường hàng không, nhưng nợ ngắn hạn lại tăng 7% lên hơn 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng nợ vay và thuê tài chính của Vietnam Airlines.

Thuyết minh báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, hãng bay này chỉ trích trước chi phí lãi vay 103,691 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, nhưng chi phí liên quan đến các hợp đồng vay lên đến 399 tỷ đồng trong thời gian này. Gánh nặng lớn nhất là các khoản nợ thuê tài chính khi chi phí trả lãi tiền thuê tài chính lên đến 1.399 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn khoản phải trả ngắn hạn cho nhà cung cấp và các bên liên quan số tiền 18.926 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 2, tăng 23% so với đầu năm.

Trong khi đó, nợ xấu quá hạn khó có khả năng thu hồi lên đến 326,520 tỷ đồng. Trong số này, Vietnam Airlines xác định chỉ 168 tỷ đồng có khả năng thu hồi.


Vietjet Air nợ phải trả tăng mạnh


Còn hãng hàng không tư nhân Vietjet Air (mã cổ phiếu: VJC) , chỉ trong thời gian ngắn, nợ phải trả của Vietjet Air đã tăng mạnh 33% lên 51.672 tỷ đồng (trước đó, tại thời điểm 31/12/2021 nợ phải trả của VJC là 38.954 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 40% so với đầu năm lên 27.534 tỷ đồng.

Trong số các khoản nợ ngắn hạn của VJC, nợ phải trả người bán ngắn hạn là 6.673 tỷ đồng, các khoản phải trả ngắn hạn khác 7.207 tỷ đồng, và vay nợ ngắn hạn 7.752 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn của Vietjet Air. (Nguồn: BCTC quý 2 của Vietjet Air)

Như vậy, nợ phải trả (ngắn hạn và dài hạn) của VJC đã đã vượt 3,9 lần vốn chủ sở hữu. Chỉ tính riêng khoản vay ngắn hạn cũng đã vượt vốn chủ sở hữu của Vietjet Air.

Cũng nhờ sự phục hồi của ngành hàng không, doanh thu bán hàng và cung cấp hàng hoá của VJC trong 6 tháng đầu năm đạt 14.695 tỷ đồng, tăng mạnh 193% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt quý 2 năm nay VJC đã thoát lỗ khi lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 96 tỷ đồng). Nhờ thế lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 76,425 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng vọt gần 500% lên mức 1.179 tỷ đồng, trong đó có 682 tỷ đồng được VJC dùng để trả lãi vay. Trong kỳ, VJC vay thêm 14.137 tỷ đồng, song song với đó, hãng hàng không này cũng đã chi 10.872 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.

Tình hình phát hành trái phiếu của VJC.  Nguồn: BCTC quý 2.

Bên cạnh đó, VJC vay 11.035 tỷ đồng trái phiếu, tăng gần 7 nghìn tỷ đồng so với đầu năm; vay dài hạn 340 tỷ đồng tại MB và các khoản vay dài hạn đến hạn trả là 535 tỷ đồng.


Bamboo Airways gồng gánh thu xếp nợ từ thời lãnh đạo cũ


Với Bamboo Airways, hãng bay này chưa niêm yết nên chưa có báo cáo tài chính công khai. Tuy nhiên đây là thời điểm Bamboo vừa trải qua sóng gió  và lãnh đạo phải gồng mình tìm giải pháp cơ cấu nợ, từng bước thanh toán cho các đối tác.

Ngay sau khi nhà đầu tư mới chính thức bắt tay vào tái cơ cấu hãng, đầu tiên là quyết định 'thay máu' dàn lãnh đạo, để đưa lãnh đạo mới đủ khả năng đảm đương các mục tiêu, chiến lược dài hạn, Bamboo Airways vẫn chồng chất khó khăn.

Khó khăn lớn nhất của Bamboo mà những người kế nhiệm phải đương đầu chính là thu xếp, trả các món nợ từ thời ông Trịnh Văn Quyết.

'Dù có những đối tác chủ nợ sốt ruột nhưng cũng có những người đồng hành, kiên nhẫn chờ đợi hãng bay có thời gian tái cấu trúc và phát triển. Hầu hết các đối tác đồng ý giãn nợ, tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ để đồng hành với hãng trong thời gian khó khăn này' - nguồn tin từ Bamboo Airways cho biết.

Mới đây Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân tiết lộ lần đầu tiên trong lịch sử hãng, doanh thu thương mại đã đạt được những dấu mốc ấn tượng.

Ngay từ tháng 4/2022 chớm hè, lần đầu tiên Hãng xác nhận con số doanh thu vượt 1000 tỷ đồng. Tháng 5, tháng 6, tháng 7 và dự báo cả tháng 8, Bamboo Airways chạm ngưỡng doanh thu gần 2000 tỷ đồng mỗi tháng.


Ngân Giang

Chia sẻ Facebook