Các dự án trọng điểm giao thông: Báo cáo hay, ra đến hiện trường bất ổn

Chia sẻ Facebook
23/11/2022 13:21:19

Ngày 22/11, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (đoạn qua địa bàn Đồng Nai) và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).


Sốt ruột về tiến độ

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), đến nay toàn tuyến qua Đồng Nai đã cơ bản thông suốt, hệ thống cầu đã thi công xong. Hiện nay, các nhà thầu đang tiếp tục công đoạn thảm nhựa mặt đường.

Kiểm tra thực tế tại công trường thi công dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã rất sốt ruột do công trường thi công còn rất ngổn ngang, trong khi tổng thời gian theo tiến độ chỉ còn 1 tháng 10 ngày, nếu gặp mưa thì dễ dẫn tới vỡ kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra thực địa dự án cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng còn chỉ ra, số liệu báo cáo tiến độ thực hiện dự án khác xa so với thực tế. “Báo cáo có vẻ rất ổn nhưng đi hiện trường thì thấy không ổn. Đây là công trình trọng điểm và khi kiểm tra thực địa, tôi rất sốt ruột về tiến độ dự án do quá trình thi công không đạt yêu cầu”, ông Thắng nói.

Trong 2 năm tới, Bộ GTVT còn phải đưa về đích 6 đoạn cao tốc Bắc – Nam khác thuộc giai đoạn 1, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và cầu Mỹ Thuận 2.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án đã phải lùi tiến độ hoàn thành thêm một quý (đến 30/4/2023). Dự án chậm tiến độ cũng không chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn vì lỗi chủ quan của các nhà thầu và Ban Quản lý dự án. Do đó, ông yêu cầu phải loại bỏ tất cả các nhà thầu thực hiện không đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị: Tất cả các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, nhân lực, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu làm khẩn trương và quyết liệt nhất.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra thực địa dự án sân bay Long Thành tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư), đến nay tổng khối lượng đào đắp gói thầu san nền thoát nước thực hiện đã đạt gần 27 triệu m3.

Hiện nay, công trường vẫn duy trì 1.574 máy móc, thiết bị và 1.849 nhân sự phục vụ thi công. Các đơn vị thi công đang tập trung triển khai ở khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và những khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4 theo đúng kế hoạch, đảm bảo khởi công đồng bộ các hạng mục chính từ Quý IV/2022. Trong đó, gói thầu phần thân nhà ga hành khách đã hoàn thành thiết kế và đang lựa chọn nhà thầu để khởi công vào cuối tháng 12/2022.


Giải bài toán nhiều ẩn số

Thi công đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, một trong 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 phải hoàn thành trong năm nay. Ảnh: Thành Vũ

Các dự án cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn nước rút, nhưng trời liên tục đổ mưa, cùng những vướng mắc trước đó mãi gần đây mới được giải quyết, khiến sức ép dồn lên số ít ngày còn lại của năm.

Quốc hội, Chính phủ giao Bộ GTVT phải hoàn thành xây dựng 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) trong năm nay, gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Trong các dự án này, tới nay chỉ có đoạn Cam Lộ - La Sơn chắc chắn về đích đúng hạn, các đoạn còn lại vẫn còn nhiều bỏ ngỏ. Quyết tâm chính trị của Bộ GTVT đã được đưa ra, xử phạt, thúc ép, động viên, phát động thi đua; các giải pháp mạnh tay như “cắt” nhà thầu, chuyển khối lượng từ nhà thầu yếu kém sang nhà thầu tốt hơn đã được tiến hành.

Thi công tại nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giao quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Thắng

Nếu các dự án cao tốc trên không về đích đúng hạn trong năm nay, rõ ràng không thể đẩy hết trách nhiệm lên Bộ GTVT, khi các dự án chậm tiến độ đến từ rất nhiều nguyên nhân, phần lớn nguyên nhân đó lại tới từ địa phương và đơn vị khác ngoài Bộ GTVT. Điển hình là về giải phóng mặt bằng (GPMB), dù tách ra làm trước, ngân sách trung ương chuyển tiền cho các địa phương từ năm 2018, nhưng phải tới đầu tháng 11 này các địa phương mới GPMB xong toàn bộ (mất gần 5 năm).

Ngay với việc di dời đường điện, tới giữa tháng 10 vừa qua, vẫn còn một số điểm vướng cột điện chưa di dời để thi công cao tốc… Trong rất nhiều đoạn chậm GPMB này, có nhiều vị trí nhà thầu thi công cao tốc phải xử lý nền đất yếu, đòi hỏi mất nhiều thời gian. Bên cạnh mặt bằng chậm trễ, vấn đề thiếu mỏ vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền, kéo dài nhiều năm do vướng thủ tục, chậm được địa phương xử lý, dù Quốc hội, Chính phủ đã cho cơ chế đặc thù. Thực tế này cũng khiến các dự án cao tốc nhiều thời điểm không có vật liệu để thi công.

Thời tiết miền Trung nửa cuối năm 2021 và năm nay mưa kéo dài đã liên tục làm gián đoạn việc thi công. Những ngày này, nhà thầu đang phải tạm dừng thi công chờ tạnh ráo. Bên cạnh đó, với giá vật liệu xây dựng tăng liên tục 2 năm qua, nhưng chậm được địa phương công bố cập nhật để Bộ GTVT điều chỉnh giá cho các nhà thầu cũng khiến tiến độ thi công đã chậm còn… trễ thêm. Khi không ít nhà thầu thua lỗ, họ đã thi công cầm chừng chờ giá xuống, thậm chí chấp nhận bị huỷ hợp đồng vì không thể thi công tiếp để gánh thêm lỗ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy từng chia sẻ với PV Tiền Phong, GPMB chậm vẫn là cản trở lớn nhất tới các dự án giao thông. Mặt bằng do địa phương triển khai, thiếu mặt bằng làm tiến độ dự án chậm nhưng trách nhiệm lại quy về Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, ông xem khá kỹ các phát biểu của tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng sau khi nhậm chức. Về giải ngân đầu tư công cho các dự án giao thông, đặc biệt đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho rằng, chưa bao giờ ngành giao thông có số vốn đầu tư công lớn như bây giờ. “Vấn đề giải ngân đầu tư công, tiến độ các công trình đã là thử thách rất lớn với ông Nguyễn Văn Thể, nay với người thay thế càng căng thẳng hơn. Đặc biệt, với giao thông, ngoài đạt tiến độ còn phải đảm bảo chất lượng”, ông Hùng nói.

Chia sẻ Facebook