Các đồng minh NATO muốn gửi thêm viện trợ phòng không cho Ukraine

Chia sẻ Facebook
06/04/2024 04:59:56

Thứ Năm, các thành viên NATO nhất trí sẽ tận dụng triệt để kho vũ khí của mình để gửi thêm các hệ thống phòng không tới Ukraine.

Sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gặp mặt những người đồng cấp từ các nước thành viên NATO và yêu cầu cung cấp thêm các hệ thống phòng không, nhất là các tên lửa cho hệ thống Patriot của Mỹ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát biểu: “Các nước hiểu rõ sự gấp gáp”.

“Các nước thành viên sẽ kiểm tra kho vũ khí của mình rồi tìm phương hướng để có thể cung cấp thêm các hệ thống, nhất là Patriot và tất nhiên cũng sẽ đảm bảo những hệ thống đã cung cấp từ trước có thêm không chỉ đạn dược mà cả các bộ phận (cần thiết)”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, việc có thêm viện trợ cho Ukraine là đặc biệt quan trọng trong khi các nước như Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang giúp Nga củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Tại một cuộc họp báo, trích nhu cầu về các hệ thống phòng không, cũng như pháo và đạn dược, Blinken đã phát biểu: “Dựa trên những thông tin tôi có được trong ngày hôm nay, tôi tin rằng tất cả các nước, bao gồm cả Mỹ, sẽ kiểm tra kỹ lưỡng và sẽ cố gắng gấp đôi nếu cần thiết, để có được những gói viện trợ mà Ukraine cần”.

Các quan chức đều không đề ra cam kết hoặc mục tiêu viện trợ rõ ràng.

Trước đó, tại buổi lễ với bánh ngọt và đoàn diễu hành ở Brussels, Kuleba phát biểu: “Tôi không muốn phá hỏng lễ sinh nhật của NATO, nhưng tôi cảm thấy cần phải thay người Ukraine gửi một thông điệp về tình hình các cuộc tấn công của Nga tại quốc gia tôi”.

Trong đêm thứ Năm, một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã làm hư hại nhiều khu dân cư tại Kharkiv và một cơ sở năng lượng tại vùng này.

Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis phát biểu: “Những trận chiến quan trọng nhất của NATO vẫn nằm trong tương lai, và chúng ta cần phải sẵn sàng”.

Một quan chức NATO cho biết, Nga có thể đang điều động thêm 30.000 binh lính mỗi tháng, có thể chấp nhận tổn thất và tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, Nga vẫn thiếu đạn dược và các đơn vị di chuyển cần thiết để thành công trong một chiến dịch tấn công lớn.

Vào ngày thứ Tư, các bộ trưởng tại NATO đã nhất trí sẽ bắt đầu lên kế hoạch để góp phần lớn hơn trong phối hợp cung cấp viện trợ tới Ukraine giúp quốc gia này chiến đấu với Nga.

Ảnh: REUTERS/Johanna Geron/Sưu tầm.

Ông Blinken cho biết: “Đây vẫn là một thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra trong những tuần tới, và tôi tin rằng mọi người sẽ chứng kiến thành quả tại hội nghị thượng đỉnh khi chúng tôi họp mặt tại Washington vào tháng 7”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhiều tín hiệu cho thấy đề xuất quỹ 100 tỷ euro dài 5 năm do Stoltenberg đưa ra có thể được tán thành bởi các thành viên NATO. Hungary đã đưa ra tín hiệu cho thấy sẽ phản đối và các thành viên khác đã cảnh báo không nên đề ra những nỗ lực song song, tương tự những nỗ lực viện trợ cho Ukraine song phương hoặc từ Liên minh Châu Âu.

Thông điệp tới Washington

Các lãnh đạo châu Âu đang lo ngại về tương lai của liên minh này trong trường hợp ông Donald Trump đánh bại tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này. Bên cạnh đó cũng lo ngại về gói viện trợ cho Ukraine trị giá hàng tỷ USD đang bị trì hoãn tại Thượng viện Mỹ.

Ông Stoltenberg cho biết: “Châu Âu cần Bắc Mỹ hỗ trợ cho nền an ninh của mình”.

“Đồng thời, Bắc Mỹ cũng cần châu Âu. Các đồng minh châu Âu cung cấp quân đội tầm cỡ thế giới, mạng lưới thông tin tình báo rộng rãi và những lợi thế đặc thù trong ngoại giao, khiến sức mạnh của Mỹ được nhân lên nhiều lần”.

NATO khởi điểm với 12 nước thành viên từ Bắc Mỹ và châu Âu, được thành lập nhằm đáp lại những lo ngại ngày càng lớn về khả năng Liên Xô có thể đề ra mối đe dọa quân sự cho các quốc gia dân chủ tại châu Âu trong Chiến Tranh Lạnh.

Liên minh này được thành lập với phương châm phòng thủ chung và hành động tấn công bất kỳ thành viên nào cũng sẽ bị coi là hành động tấn công nhằm vào toàn thể liên minh, mang lại cho Tây Âu sự bảo trợ quân sự từ Mỹ.

Liên minh này đã chiếm vai trò chủ đạo trên trường quốc tế sau khi Nga tổ chức chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, khiến chính phủ các nước châu Âu một lần nữa nhìn nhận Moscow là mối đe dọa lớn cho nền an ninh.

Hai thành viên mới nhất của NATO, Phần Lan và Thụy Điển, đã tham gia liên minh này nhằm phản hồi trực tiếp trước chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Tại Moscow, phát ngôn viên của Kremlin đã khẳng định, Nga và NATO đã bước vào giai đoạn “đối đầu trực tiếp” vì sự bành trướng của liên minh này.


Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)

Chia sẻ Facebook