Các doanh nhân Đức cảnh báo về việc rút lui khỏi thị trường Trung Quốc
Sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai và năng động nhất thế giới – khá phức tạp.
CEO của một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức hôm 10/11 đã cảnh báo không nên rút khỏi thị trường Trung Quốc, đồng thời thừa nhận rằng việc Berlin xác định lại mối quan hệ kinh tế - chính trị trong tương lai với Bắc Kinh là đúng đắn.
Trong một bài viết đăng trên nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung số ra ngày 10/11, CEO của 8 tập đoàn lớn, bao gồm Siemens, BASF, Bosch và Schaeffler, đã chỉ ra rằng nhà máy của họ ở Trung Quốc – giống như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới – đều có đóng góp đáng kể vào khả năng cạnh tranh của họ, và rằng Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ hai và năng động nhất thế giới. “Vì vậy sự hiện diện của chúng tôi tại đó đặc biệt quan trọng vì lợi ích của sức mạnh kinh tế Đức”, các vị CEO nhận định.
Tiềm năng của thị trường Trung Quốc mang lại cơ hội mở rộng quy mô nhanh hơn và thành công hơn cho họ so với các thị trường khác, từ đó đảm bảo vấn đề việc làm ở nước Đức, các vị doanh nhân lập luận.
“Bất chấp những thách thức đến từ Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng động lực tăng trưởng cơ bản của nó sẽ vẫn còn”, họ cho biết. “Việc rút khỏi Trung Quốc sẽ cắt đứt chúng tôi khỏi những cơ hội này”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang khuyến khích các công ty đa dạng hóa, nhưng không ngăn cản việc kinh doanh với Trung Quốc. Trước chuyến công du một ngày tới Trung Quốc hôm 4/11, ông cho biết: “Chúng tôi không muốn tách khỏi Trung Quốc” nhưng “chúng tôi sẽ giảm bớt việc phụ thuộc vào một bên nào đó trên tinh thần đa dạng hóa thông minh”.
Trong bài báo hôm 10/11, các CEO đồng tình rằng “chúng ta phải đa dạng hóa rủi ro”, ví dụ như đối với chip bán dẫn, pin và nguyên liệu thô.
Đường lối cứng rắn hơn
Trong những tuần gần đây, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức đang trở thành tâm điểm chú ý khi các quan chức Đức tìm cách cân bằng các mối quan hệ kinh doanh ngày càng bền chặt với Trung Quốc, nhằm tránh lặp lại những sai lầm đã xảy ra với Nga, nước từng cung cấp hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên cho Đức và hiện không còn cung cấp nữa.
Hơn một triệu việc làm của Đức phụ thuộc trực tiếp vào thương mại với Trung Quốc, và nhiều việc làm khác cũng phụ thuộc gián tiếp vào đối tác khổng lồ này, trong khi gần một nửa số doanh nghiệp sản xuất của Đức phụ thuộc vào Trung Quốc trong một phần chuỗi cung ứng của họ.
Trước đó, hôm 9/11, chính phủ liên minh của Thủ tướng Scholz đã chặn thỏa thuận bán một công ty bán dẫn của Đức cho một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết công ty Elmos Semiconductor, có trụ sở tại Dortmund, là một trong những công ty bị từ chối chấp thuận đầu tư nước ngoài.
Elmos đã thông báo gần một năm trước rằng họ có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) của mình, chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, thành một thực thể riêng biệt và sẽ được mua lại bởi Silex Microsystems, một công ty Thụy Điển thuộc 100% sở hữu của tập đoàn Sai Microelectronics của Trung Quốc.
Thương vụ trị giá 85 triệu Euro cần được chính phủ Đức phê duyệt vì nó liên quan đến việc một công ty nước ngoài mua một công ty của Đức.
“Trong lĩnh vực bán dẫn, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ chủ quyền công nghệ và kinh tế của Đức và châu Âu”, ông Habeck nói với các phóng viên hôm 9/11. “Tất nhiên, Đức đang và sẽ vẫn là một địa điểm đầu tư rộng mở, nhưng chúng tôi cũng không hề ngây thơ”.
Ngoài Elmos, một thương vụ nữa với Trung Quốc cũng đã bị chính phủ Đức chặn lại. Ông Habeck từ chối nêu tên công ty này, nhưng tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức đã đưa tin rằng điều này có thể có liên quan đến ERS Electronic, một công ty chuyên về công nghệ làm mát có trụ sở tại Bavaria.
Một phát ngôn viên của ERS cho biết, công ty đã thảo luận về “khoản đầu tư của một công ty cổ phần tư nhân Trung Quốc”, nhưng nói thêm rằng họ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ chính phủ Đức về một quyết định nào.
Tuần trước, trước khi lên đường tới Bắc Kinh, ông Scholz đã cho phép COSCO, một công ty vận tải quốc doanh của Trung Quốc, mua 25% cổ phần trong một nhà ga container thuộc cảng Hamburg - cảng quan trọng nhất của Đức, thay vì 35% theo kế hoạch trước đó .
Minh Đức (Theo ABC News, NY Times)