Các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực hàng không làm ăn ra sao?
Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.
Báo cáo đã đưa ra đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2021.
Về hàng không, trong năm 2021, thị trường hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu và đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới. Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đã nhận định đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất để lại những hậu quả lâu dài nhất cho ngành hàng không thế giới.
Theo báo cáo của IATA, ước tính tổng thiệt hại về lợi nhuận của các hãng hàng không toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay là hơn 200 tỷ USD, một số hãng hàng không của các quốc gia đã bị phá sản.
Thị trường hàng không Việt Nam năm 2021 tính chung tổng lượng khách thị trường quốc tế chỉ đạt 489 nghìn khách, bằng 1,4% so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch (năm 2019), thị trường hàng không nội địa đạt 14,58 triệu khách bằng 39% so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch (năm 2019).
TCT Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không, là hãng hàng không quốc gia, do ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19 và mặt bằng giá vé giảm mạnh do cạnh tranh và thừa tải cung ứng trên thị trường nội địa, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của VNA tiếp tục sụt giảm so với năm 2020; tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2021 của công ty mẹ đạt 20.109 tỷ đồng, giảm 39,5% so với năm 2020; công ty mẹ phát sinh lỗ sau thuế 11.848 tỷ đồng, mức lỗ tăng so với năm 2020 là 4.153 tỷ đồng; đến thời điểm ngày 31/12/2021, công ty mẹ lỗ lũy kế 18.870 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất cũng sụt giảm so với năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty năm 2021 là 29.752 tỷ đồng, giảm 29,89% so với năm 2020; mức lỗ hợp nhất sau thuế phát sinh năm 2021 là 13.279 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế hợp nhất đến thời điểm ngày 31/12/2021 là 21.961 tỷ đồng.
Số nộp NSNN công ty mẹ VNA tiếp tục sụt giảm mạnh so với năm 2020, tổng số tiền đã nộp NSNN là 214,6 tỷ đồng (tương đương giảm 51% so với năm 2020), chủ yếu do các khoản nộp thuế TNDN, thuế TNCN và thuế nhà thầu nước ngoài đều giảm mạnh do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, người lao động bị giảm thu nhập; do tình trạng thua lỗ, năm 2021 công ty cũng không có cổ tức chia cho cổ đông Nhà nước nộp về ngân sách.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty mẹ rất thấp (0,19 lần), nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 26.149 tỷ đồng và khoản phải trả ngắn hạn của công ty mẹ là 12.848 tỷ đồng.
Kiểm toán độc lập có ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VNA và cho rằng khả năng hoạt động liên tục của VNA sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
TCT Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV) là doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không cũng bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid - 19.
Năm 2021, sản lượng tổng lượt hạ cất cánh thương mại giảm 38,24% so với năm 2020; sản lượng hàng hóa bưu kiện tăng 13,13% nhưng sản lượng hành khách giảm 52,32% so với năm 2020. Do đó, tổng doanh thu (theo số liệu công ty mẹ) năm 2021 giảm 30,5%, đạt 8.120 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 45,7%, đạt 1.125 tỷ đồng; đã nộp NSNN 1.006 tỷ đồng, giảm 55,1%, chủ yếu từ các khoản thuế. ACV không có khoản cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước trong năm 2021 nộp về NSNN do ACV đang đề xuất tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu giai đoạn 2021-2023.
Theo số liệu hợp nhất, tổng doanh thu của ACV đạt 8.016 tỷ đồng (giảm 20% so với năm 2020); lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 990 tỷ đồng (giảm 50% so với năm 2020); số phát sinh phải nộp NSNN là 777 tỷ đồng (giảm 53% so với năm 2020).
Năm 2022, Chính phủ thực hiện các biện pháp khôi phục hoạt động vận tải hàng không, kích cầu du lịch, mở cửa quốc tế từ tháng 03/2022, thị trường hàng không đã có khởi sắc; trong đó hoạt động vận tải hàng không nội địa phục hồi mạnh thậm chí vượt sản lượng cùng kỳ 2019 nhưng thị trường quốc tế vẫn chưa phục hồi.
Theo đánh giá chung của IATA, dự kiến đến tận 2040, dung lượng khách vẫn thấp hơn 6% so với dự báo trước dịch; Trung Quốc dự kiến chỉ bắt đầu mở cửa từ cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 và dịch bệnh đang có dấu hiệu tăng trở lại ở châu Âu và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine nên dự báo thị trường quốc tế vẫn chưa thể sớm phục hồi.
Ngoài ra, giá nhiên liệu bay tăng cao đột biến và ảnh hưởng của tỷ giá ngoại tệ cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành hàng không. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt tàu bay so với nhu cầu khai thác trong giai đoạn mới phục hồi, thiếu hụt phi công, cơ sở hạ tầng sân bay trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác dẫn đến tắc nghẽn, giờ bay khai thác chưa được tối ưu cũng khiến cho doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn trong giai đoạn phục hồi.