Các doanh nghiệp Nhà nước đang chi phối lĩnh vực nào?

Chia sẻ Facebook
26/03/2022 14:20:01

Năng lượng, viễn thông, hạ tầng hàng không, dịch vụ thanh toán… là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, đang có nhóm doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chi phối.

Các doanh nghiệp Nhà nước đang chi phối lĩnh vực nào?

Thủ tướng: Tại sao hiệu quả kinh doanh của nhiều DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ?

Ghi nhận trong báo cáo về vị trí vai trò, kết quả của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết với việc nắm giữ lượng lớn nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước đang đóng vai trò chi phối trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu.

Trong đó, lĩnh vực ghi nhận sự chi phối rõ của nhóm doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là năng lượng, bao gồm sản xuất, khai thác và cung cấp điện, than, khí, xăng dầu…

Chi phối lĩnh vực năng lượng, viễn thông, hàng không…


Cụ thể, trong lĩnh vực điện, các nhà máy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện chiếm khoảng 87% tổng sản lượng điện năng cung cấp cho xã hội. EVN cũng đóng vai trò bảo đảm truyền tải, phân phối điện năng và quản lý vận hành lưới điện nông thôn…

Ở mảng tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, doanh nghiệp Nhà nước hiện giữ vai trò độc quyền. Trong giai đoạn 2016-2020, PVN đã khai thác khoảng 121,14 triệu tấn quy dầu, cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp.

Cùng giai đoạn này, TKV cũng chiếm thị phần chi phối mảng khai thác than, khoáng sản với sản lượng khai thác than đạt 180,3 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 198,5 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ Alumin là 5,78 triệu tấn; đồng tấm đạt 60,6 nghìn tấn…

Với mảng xăng dầu, các doanh ngiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước hiện chiếm hơn 84% thị phần bán lẻ, bao gồm, Petrolimex nắm 50% thị phần; PV Oil nắm 22,5%; Tổng công ty Thalexim chiếm 6% và Mipec chiếm 6%...


Một lĩnh vực cũng ghi nhận sự chi phối của nhóm doanh nghiệp Nhà nước là viễn thông với 90% thị phần thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất nằm trong tay Viettel, VNPT và Mobifone.


Trong lĩnh vực hàng không, dù thị phần bị suy giảm do sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân, Vietnam Airlines vẫn nắm 23% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và 37% nội địa. Nếu tính cả doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước góp vốn (Pacific Airlines), thị phần nội địa của Vietnam Airlines là 49%.


Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ( ACV ) hiện quản lý 22 cảng hàng không trong cả nước (gồm 9 cảng quốc tế và 13 cảng nội địa). Công ty này cũng đang là chủ đầu tư triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1.


Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hơn một nửa thị phần huy động vốn, cho vay toàn ngành đang nằm trong tay các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối như BIDV , VietcomBank, VietinBank, Agribank … Các nhà băng này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách, giữ ổn định thị trường tiền tệ.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết các lĩnh vực về vật liệu xây dựng; vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm, phân lân... hiện đều có sự tham gia của nhóm doanh nghiệp Nhà nước và nắm giữ thị phần chi phối.

Chọn doanh nghiệp để niêm yết thị trường chứng khoán nước ngoài

Chia sẻ tại hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp Nhà nước mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước đang là nhóm hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất so với các doanh nghiệp khác.

Để tiếp tục phát huy vai trò của nhóm doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn.

Ngoài ra, việc thoái vốn cũng cần tập trung vào giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

“Cần thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị thực hiện tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý.

Theo đó, phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp trong việc quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển để nâng cao tính chủ động, linh hoạt và kịp thời thích ứng với cơ chế thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn cũng đề nghị nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trong giai đoạn tới.

Cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính sớm tổng hợp ý kiến, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đồng thời kiến nghị NHNN sớm có cơ chế chính sách để doanh nghiệp Nhà nước tiếp cận được tối đa nguồn vốn vay từ các định chế, tổ chức tài chính quốc tế cho các lĩnh vực dự án ưu tiên (nguồn điện, dầu khí, đường sắt...). Hiện các lĩnh vực này đang vướng quy định trần hạn mức tín dụng đối với nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại trong nước, quy định về bảo lãnh Chính phủ…

Ngoài ra, ông Hoàng Anh cũng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế cụ thể trong việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước sử dụng một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cho các mục đích chi đầu tư phát triển, hạn chế việc chỉ sử dụng cho chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Quang Thắng

Chia sẻ Facebook