Các doanh nghiệp năng lượng tại châu Âu có thể phải cắt giảm 50% lợi nhuận
Để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng do giá năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp năng lượng tại châu Âu có thể phải cắt giảm đến 50% lợi nhuận.
Ngày hôm qua, trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu, được xem như là một thông điệp liên bang đối với các nước thành viên Liên minh châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp tục đưa ra những chi tiết liên quan việc áp dụng nhóm 5 giải pháp khẩn cấp ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng cao, do Ủy ban châu Âu đề xuất cách đây hơn 1 tuần. Theo đó, các doanh nghiệp năng lượng tại châu Âu có thể phải cắt giảm đến 50% lợi nhuận, để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng do giá năng lượng tăng cao.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các trang trại năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời và các nhà máy điện hạt nhân dự kiến bị áp mức giá trần 180 euro/MWh. Chính phủ các nước thành viên sẽ cắt toàn bộ phần thu cao hơn mức giá này và sử dụng để hỗ trợ người tiêu dùng. Biện pháp này sẽ giới hạn doanh thu của các công ty điện ở mức gần 1/2 mức giá thị trường hiện nay.
Trong khi đó, các công ty sử dụng năng lượng được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc hóa thạch cũng bị tăng thuế với phần lợi nhuận kiếm được, nhằm thu lại cái mà Ủy ban châu Âu gọi là "lợi nhuận ngoài kỳ vọng" do giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao.
Cụ thể, các công ty dầu, khí, than đá và lọc dầu phải đóng "một khoản đóng góp đoàn kết" là 33% phần lợi nhuận tăng thêm chịu thuế trong tài khóa 2022.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, việc áp dụng các giải pháp này giúp các nước châu Âu thu được 140 tỷ euro. Số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp chịu tác động vì giá năng lượng tăng cao.
Về dài hạn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất sớm thiết lập Ngân hàng Hydro châu Âu trị giá 3 tỷ euro nhằm xây dựng thị trường tương lai cho hydro. Đây là loại nguyên liệu sạch được các nước châu Âu đã và đang phát triển, để thay thế hoàn toàn nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch trong sản xuất năng lượng, đáp ứng mục tiêu giảm thiểu khí phát thải của Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sụt giảm, chính phủ Đức đã phải triển khai các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.