Các địa phương “đua” cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao?

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 15:01:56

Theo các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư, những năm qua chỉ số PCI vươn lên trở thành một công cụ quan trọng cho các nhà đầu tư muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.


Tuần qua, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 đã được công bố. Đây là môt trong những chỉ số rất được quan tâm hàng năm, được ví như "tấm gương soi" đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Có thể nói năm 2021 là một năm "thử lửa" với năng lực điều hành của chính quyền các tỉnh thành trước những tác động khó lường của dịch COVID-19 đòi hỏi tính năng động, sự đồng hành, phản ứng chính sách. PCI 2021 đã cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện.

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 11.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.100 doanh nghiệp tư nhân và 1.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý năm 2021, Quảng Ninh là địa phương năm thứ năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng PCI. Hải Phòng nâng cao sức hấp dẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Sau nhiều năm ở nhóm "Khá 20, 30", năm nay Vĩnh Phúc cũng lần đầu lọt vào top 5.

Vị trí của tỉnh thành trong PCI năm nay được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền địa phương; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.


Cuộc đua nâng hạng PCI

Năm 2021 với bối cảnh khác thường do các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò như một "phép thử" đối với khả năng quản trị địa phương của nhiều tỉnh, thành phố. Theo đó, sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương là những phẩm chất mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ở chính quyền các tỉnh, thành phố.

PCI đã trở thành "tấm gương soi" cho từng địa phương khi nhìn nhận năng lực của chính mình, tiếp tục cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Sau 17 năm công bố PCI, có tỉnh thăng hạng và xuống hạng, nhưng điều đáng mừng là lãnh đạo các địa phương đều hết sức quan tâm đến thước đo PCI và quyết tâm cải thiện năng lực cạnh tranh để chính quyền thật sự trở thành "bệ đỡ" cho các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển.

Các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Điều này cũng phát đi tín hiệu về những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa.

Trong khi nhiều nguồn lực đã hạn hẹp thì vẫn còn những dư địa lớn để khơi nguồn lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy trình, đẩy mạnh số hóa sẽ tiếp tục mở ra không gian cải cách. Điều quan trọng là các địa phương sẽ nắm bắt những cơ hội này thế nào để có thể đột phá trong quá trình cải cách

Từ khi có PCI, các địa phương dường như đã có một đường đua với nhau và với chính mình. Việc tạo ra được phong trào là tốt nhưng quan trọng nhất là từ phong trào phải cho ra được kết quả thực tiễn. Người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả thực chất như thế nào? Các địa phương đã cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao?


Xung quanh vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bình luận, phân tích chi tiết!

Chia sẻ Facebook