Các địa phương chia sẻ 'bí kíp' để nằm top giải ngân đầu tư công cao

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 14:09:17

Tiền Giang xây dựng cơ chế làm việc liên sở, liên địa phương hàng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình. Thái Bình đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thanh toán vốn. Hải Phòng ưu tiên vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: 100% chi phí cho giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 124 đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng, giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương và giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm nay.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết tháng 9, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, vẫn còn 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó, 14 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng giao.

Vậy làm như thế nào để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021 khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm?

Để được nằm trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công dẫn đầu cả nước, Tiền Giang, Thái Bình và Hải Phòng đều đã có những kinh nghiệm riêng để đạt được kết quả tích cực này.

Tiền Giang xây dựng cơ chế làm việc liên sở, liên địa phương hàng tuần để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, sau gần 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo nhiều nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 2022. Nhờ đó 9 tháng, Tiền Giang đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước cao nhất.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang khảo sát thực tế một số công trình, dự án tại TX. Cai Lậy. Ảnh: Báo Ấp Bắc


Trong đó, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh chọn một cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các dự án đầu tư công; xây dựng cơ chế làm việc liên sở, thậm chí địa phương hàng tuần nhằm lắng nghe khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ trong thực hiện các công trình dự án đầu tư công. Ngoài ra, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức các buổi giám sát, khảo sát thực tế tại các địa phương để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư công để đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ.

Về công tác đấu thầu, các sở, ngành của tỉnh Tiền Giang cũng rút ngắn thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kiểm soát chặt chẽ thời gian thực hiện các gói thầu thi công, thiết bị để nhanh chóng đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng và đáp ứng các tiêu chí ra mắt huyện, xã nông thôn mới. Đồng thời từng địa phương chỉ đạo sâu sát công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn để sớm triển khai thi công.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, kế hoạch đầu tư công năm của tỉnh hơn 3.940 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân 7 tháng trên 1.997 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch, thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Ước tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư đến hết tháng 9 hơn 2.878 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch. Dự kiến cả năm tỉnh sẽ hoàn thành 100% kế hoạch của Thủ tướng giao.

Thái Bình đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thanh toán vốn

Trong những năm gần đây, Thái Bình luôn nằm trong top đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm Thái Bình đã xác định giải ngân nhanh vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị. Từ đó quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch được giao.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, kế hoạch vốn năm nay, Chính phủ giao cho tỉnh hơn 3.907 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn giao đầu năm gần 3.681 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 226 tỷ đồng, kế hoạch vốn UBND đã phân bổ bao gồm cả kế hoạch vốn năm nay và vốn kéo dài từ 2021 sang năm 2022 hơn 6.845 tỷ đồng.

Trong quá trinh thực hiện kế hoạch, Sở KH&ĐT Thái Bình chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh để đưa ra các giải pháp khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường phối hợp với các sở, ngành địa phương giám sát đầu tư các công trình, dự án. Trên cơ sở đó, Sở KH&ĐT tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh các dự án chậm tiến độ và giải ngân cho các dự án trọng điểm có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình dài 35,5 km với tổng mức đầu tư là 3.872 tỷ đồng. Ảnh: Tạp Chí Bạn Đường


Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương kịp thời giải phóng các điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan quản lý ngân sách, đảm nguồn thanh toán cho các dự án, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, kip thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thủ tục thanh toán vốn.

Phó Giám đốc kho bạc tỉnh Thái Bình, bà Nguyễn Thị Hải cho biết ngay từ đầu năm kho bạc Nhà nước tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch công tác, bám sát nhiệm vụ của ngành, các chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND để dưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với thực tế tại đơn vị, hoàn thành tốt nhất công tác quản lý NSNN. Đồng thời, kho bạc Nhà nước tỉnh cũng đẩy mạnh giải quyết hồ sơ, kiểm soát chi qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ đối với công chức của kho bạc, đặc biệt là công chức trực tiếp thực hiện công tác chi ngân sách, tránh sai sót trong xử lý nghiệp vụ và không để tồn đọng hồ sơ chậm giải quyết.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Thái Bình, 7 tháng, luỹ kế thanh toán vốn đầu tư công đến đạt 68%, ước thanh toán hết tháng 8 đạt 74% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Trong đó, một số dự án đã giải ngân hết số vốn ngân sách trung ương như: Dự án đầu tư xây dựng đường ven biển tỉnh Thái Bình kế hoạch là 130 tỷ đồng, dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên kế hoạch vốn là 40 tỷ đồng và một số dự án đã giải ngân hết vốn ngân sách địa phương như dự án xây dựng cống Muối xã Đông Minh, dự án ổn định dân cư cấp bách thiên tai huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải…

Bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả, Thái Bình đã tháo gỡ được những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về giải ngân vốn ngân sách nhà nước.

Hải Phòng ưu tiên vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: 100% chi phí cho giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp

Hải Phòng tập trung vốn cho các dự án trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: Vietnamfinance


Chia sẻ kinh nghiệm về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, hàng năm, TP Hải Phòng chỉ tập trung vốn cho từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, TP ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Tuy công tác giải phóng mặt bằng được phân cấp cho các quận, huyện nhưng lãnh đạo TP thường xuyên làm việc, kiểm tra tại địa phương để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay TP có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện còn lại đang triển khai đánh giá các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận trong tháng 11.

Năm nay, TP Hải Phòng đã được Thủ tướng giao kế hoạch vốn trên 12.720 tỷ đồng. 9 tháng, ước giải ngân của địa phương đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao. Dự kiến trong năm nay, TP sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

Chia sẻ Facebook